Hôm 7/5, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc nhánh kênh châu Mỹ (CCTV America) đưa tin, 300 chuyên gia pháp lý của Trung Quốc đã nhất trí cho rằng, Trung Quốc không nên tham gia vào vụ kiện với Philippines vì Tòa Trọng tài thường trực (PCA) không có thẩm quyền đối với các tranh chấp ở Biển Đông và Trung Quốc có quyền từ chối tham gia theo luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc cũng đưa tin, Hiệp hội Luật gia Trung Quốc, một tổ chức đại diện cho tất cả các luật sư ở Trung Quốc, cũng đưa ra một tuyên bố tương tự.
Cũng theo Tân Hoa Xã, hàng trăm học giả luật quốc tế của Trung Quốc đang học tập ở nước ngoài đã kí vào một bức thư ngỏ cũng có nội dung cho rằng Trung Quốc nên từ chối tham gia vụ kiện.
Bên cạnh đó, nhiều học giả hàng đầu của Trung Quốc đã viết các bài bình luận, nêu quan điểm bảo vệ lập trường của Bắc Kinh về vụ kiện của Philippines liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông.
Reuters dẫn lời ông Sienho Yee, giáo sư tại Đại học Vũ Hán, đã từng làm việc tại Đại học Colorado, cho rằng: "Khách quan mà nói, tòa án này không có thẩm quyền đối với các tranh chấp ở Biển Đông”.
Trong khi đó, Cai Congyan, một học giả về luật quốc tế tại Đại học Hạ Môn khăng khăng, quá trình lựa chọn trọng tài “không công bằng”.
Theo giáo sư Julian, các học giả, chuyên gia pháp lý của Trung Quốc hoặc thể hiện sự ủng hộ đối với lập trường của Bắc Kinh hoặc chỉ giữ im lặng.
Giáo sư Julian cho hay: “Tôi đã tìm kiếm các tài liệu tại Trung Quốc về vấn đề này, thậm chí cả những tài liệu không trực tiếp nói về lập trường của Bắc Kinh trong vụ việc trong cơ sở dữ liệu của Trung Quốc và trên internet, nhưng tôi chỉ tìm thấy một người sinh ra ở Trung Quốc và là chuyên gia về luật quốc tế có quan điểm khác”.
Theo ông, đó là giáo sư Bing Ling của Đại học Luật Sydney tại Australia. Trong một bài luận được chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc hồi tháng 12/2015, ông Ling chỉ trích gay gắt việc Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện và tuyên bố không tuân thủ phán quyết.
Giáo sư Julian khẳng định, không có một học giả nào khác sinh ra và được giáo dục tại Trung Quốc lên tiếng ủng hộ ý kiến của ông Ling.
Trong khi đó, cả Trung Quốc và Philippines đều đã đồng ý với Điều 279 của UNCLOS, trong đó cung cấp cho tòa trọng tài PCA thẩm quyền giải quyết các tranh cãi trong việc hiểu về UNCLOS, trừ các tranh chấp chủ quyền. PCA đã chấp nhận các luận điểm do Philippines đệ trình.
Những luận điểm này chỉ đơn giản là yêu cầu xác định tình trạng của các cấu trúc, thực thể, chứ không phải về các tranh chấp chủ quyền. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn kịch liệt phản đối và khăng khăng lấy cớ rằng PCA không có thẩm quyền để phớt lờ phán quyết.
Việc Trung Quốc ký kết UNCLOS vào năm 1996 đồng nghĩa với việc nước này chấp nhập tuân thủ bất cứ quyết định nào của PCA theo thẩm quyền của họ. Trung Quốc từ chối phán quyết cũng đồng nghĩa với việc vi phạm các nghĩa vụ pháp lý của UNCLOS.
Nhiều học giả ở Mỹ và Châu Âu đã nghiên cứu trường hợp này và có nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, theo giáo sư Julian, không ai cho rằng Trung Quốc được quyền bác bỏ phán quyết. Chính vì vậy, sự nhất trí của các học giả Trung Quốc càng gây sửng sốt.
Có người đưa ra giả định, các học giả Trung Quốc không muốn hoặc không dám đưa ra ý kiến đối lập với chính phủ Trung Quốc. Theo ông Julian, áp lực này chắc chắn đã đẩy một số học giả Trung Quốc hùa theo lập trường của Bắc Kinh.
Ngoài ra, ông Julian cho rằng, còn có một lý do khác dẫn đến tình trạng “đồng lòng sai” trên. Đó là hầu hết các học giả về pháp lý của Trung Quốc thực sự tin rằng PCA không có thẩm quyền trong vụ kiện.
Họ đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc kêu gọi của chính quyền Bắc Kinh và mong muốn tăng cường các lợi ích (dù là sai trái) của Trung Quốc trong khu vực. Chính vì vậy họ đã tự thuyết phục bản thân rằng lập trường của Bắc Kinh là đúng đắn.
Ở Mỹ, phản ứng của các học giả hoàn toàn khác. Ví dụ về vụ Nicaragua kiện Mỹ lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), cơ quan pháp lý chính của Liên Hiệp Quốc hồi năm 1986. ICJ ra phán quyết tuyên bố quân đội Mỹ đã hỗ trợ quân sự cho quân nổi dậy ở Nicaragua một cách bất hợp pháp.
Chính phủ Mỹ đã tuyên bố bác bỏ phán quyết trên. Tuy nhiên, phản ứng từ các học giả pháp lý Mỹ thời điểm đó hoàn toàn khác so với phản ứng của các học giả Trung Quốc hiện nay.
Không chỉ luật sư đại điện cho Nicaragua là một người Mỹ, giáo sư luật hàng đầu của Mỹ Michael Glennon còn làm nhân chứng cho Nicaragua. Nhiều chuyên gia về luật quốc tế hàng đầu của Mỹ cũng công khai chỉ trích lập trường của chính phủ Mỹ.
Ví dụ, Anthony D'Amato, giáo sư tại Trường Luật thuộc Đại học Northwestern, còn viết hẳn một bài luận cho Tạp chí Luật pháp Quốc tế và gay gắt cho rằng, Mỹ đã "từ bỏ vai trò lãnh đạo của mình trong việc thúc đẩy hòa bình thế giới dựa trên các quy tắc pháp luật”.
Bên cạnh đó cũng có một số học giả ủng hộ lập trường của Mỹ. Tóm lại, không hề có việc các học giả Mỹ cùng đồng thanh bảo vệ hay phản đối chính phủ Mỹ. Họ có chính kiến của riêng mình.