Thổ Nhĩ Kỳ liệu có trở thành đồng minh của Mỹ "kiểu Pakistan"?

Hữu Hoàng |

Cách thức chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ xử lý hậu quả của vụ đảo chính quân sự bất thành ngày 15/7 sẽ ảnh hưởng đến quan hệ lâu dài giữa Washington và Ankara, theo chuyên gia chính sách Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO và cũng là một đồng minh quan trọng của Mỹ.

Tuy nhiên, chuyên viên Viện nghiên cứu doanh nghiệp Mỹ (AEI) Michael Rubin nhận định, nếu như Ankara đi ngược lại dân chủ, pháp trị và nhân quyền thì Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành đồng minh của Mỹ giống "kiểu Pakistan".

Nói cách khác, hai nước sẽ tăng cường hợp tác vì ổn định khu vực, nhưng do không có điểm tương đồng với giá trị quan phương Tây nên sự cọ xát, nghi ngờ và chỉ trích lẫn nhau giữa hai bên sẽ không phải là chuyện hiếm gặp.

Sau khi âm mưu đảo chính hôm 15/7 thất bại, rất nhiều nhà quan sát lo lắng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ tăng cường tập trung quyền lực, "làm sạch" quân đội và gia tăng sự kiểm soát đối với nền dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Cho dù cách quản lý đất nước của tổng thống Erdogan luôn được coi là mang xu hướng độc đoán, nhưng phần lớn cộng đồng quốc tế chủ yếu sẽ chỉ trích âm mưu đảo chính quân sự, đồng thời ủng hộ chính phủ dân cử của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, nếu Erdogan lợi dụng âm mưu đảo chính làm lý do tăng cường tập trung quyền lực thì sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế sẽ suy giảm.

Trước đó, cuộc đảo chính thất bại sau khi nổ ra chưa đầy 24 giờ, bởi Erdogan đã xuất hiện trong một cuộc họp được phát sóng trực tiếp trên truyền hình tại Istanbul, tuyên bố bản thân vẫn đang nắm quyền điều hành chính phủ, đồng thời cho biết Ankara sẽ có hành động đối với giáo sĩ lưu vong Fethullah Gulen.

Erdogan khi đó đã tuyên bố, những người tham gia đảo chính nhận lệnh từ giáo sĩ Gulen đã trở thành mối nguy hại đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau đó, ông công khai yêu cầu tổng thống Barack Obama chấp thuận dẫn độ Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Erdogan nói: "Nếu chúng ta là đồng minh chiến lược hay đồng minh kiểu mẫu thì hãy làm việc nên làm".

Đáp lại, ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, nếu như Thổ Nhĩ Kỳ có thể cung cấp bằng chứng hành vi phạm pháp của giáo sĩ Gulen thì cơ quan có thẩm quyền của Mỹ sẽ tiến hành điều tra và đưa ra phán quyết đối với giáo sỹ này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại