Có thể nói, công bố của Bộ Y tế mới đây về tình trạng nhiễm độc của hải sản gần bờ như một gáo nước lạnh dội vào những gương mặt nhàu nhĩ của ngư dân, vào những ngôi làng biển đang ngày một xác xơ do "cơn bão" Formosa gây ra.
Trong câu chuyện này, những người công bố thông tin không có lỗi, nhưng có lẽ vì sự thật quá phũ phàng nên đã gây "sốc" cho không ít ngư dân.
Tiếp tục gác thuyền, treo lưới
Anh Lê Hiền, một thợ lặn chuyên nghiệp, đánh bắt hải sản tầng đáy ở xã Quang Phú, TP Đồng Hới nói: Nhờ lợi thế có rạn san hô ngay gần bờ biển của địa phương, ngư dân xã Quang Phú đa phần làm nghề lặn biển.
Đối với gia đình anh, nghề lặn biển được truyền từ cha ông. Không cần vốn liếng nhiều, chỉ cần một chiếc bơ nan, hệ thống cung cấp ô xi và một ít dụng cụ cầm tay là có thể đánh bắt hải sản.
Thu nhập của những ngư dân lặn biển khá cao, do hải sản của họ đánh bắt được đều xếp vào hàng đặc sản.
Kể từ khi biển ô nhiễm, rạn san hô chết, cá tôm mất dạng, những thợ lặn ở Quang Phú như anh đành phải gác thuyền, treo lưới.
Bao nhiêu tích góp lâu nay đành phải mang ra để trang trải cuộc sống. Nhiều gia đình đông con phải chạy ăn từng bữa đã mấy tháng nay.
Vì miếng cơm manh áo mà thời gian gần đây nhiều thợ lặn buộc phải quay lại biển. Họ mừng vì thấy cá tôm bắt đầu lác đác trở lại. Dù cá tôm không bán được, nhưng cũng có thứ để làm thức ăn, bù đắp cho khó khăn trước mắt.
Việc Bộ Y tế công bố hải sản tầng đáy gần bờ không sử dụng được vì vẫn đang nhiễm độc, khiến những người lặn biển như anh Hiền hoang mang, không ít người rơi vào trạng thái trầm cảm, phần vì lo lắng bệnh tật vì lỡ ăn cá, phần vì bế tắc chưa biết đến khi nào chấm dứt.
"Kiểu ni thì bế tắc thật sự! Cá tầng đáy vẫn nhiễm độc như một "án treo" không thời hạn đối với ngư dân chúng tôi.
Chúng tôi biết lấy gì để sống, khi mà sự hỗ trợ của Nhà nước thì nhỏ giọt, còn đền bù của Formosa chẳng thấy đâu" - anh Hiền nói.
Ông Nguyễn Trường Sơn, ở xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới ngồi lì ở nhà, đăm chiêu nhìn ra cửa khi nghe công bố tình trạng hải sản bị nhiễm độc.
Với thế hệ trên 60 tuổi như ông Sơn ở xã Bảo Ninh, chỉ có nghề câu mực gần bờ là phù hợp để nuôi sống gia đình.
Nay mực đang bị nhiễm độc, Bộ Y tế khuyến cáo không được dùng làm thực phẩm khiến ông ngao ngán đến tột cùng."Rứa là phải gác thuyền treo lưới hả chú? Tình hình ni biết lấy chi mà sống đây hả trời" – ông Sơn ngửa mặt kêu.
Hoang mang phân biệt cá tầng mặt, tầng đáy
Chợ Đồng Hới ngay sau khi công bố cá bị nhiễm độc của Bộ Y tế vắng hiu, vắng hắt người mua cá. Bà Vui, một tiểu thương buôn bán cá cho biết:
Thời gian gần đây, người dân bắt đầu lác đác ăn cá biển trở lại, đặc biệt những hàng cá đang sống rất đắt khách. Nhưng ngay sau khi có công bố của Bộ Y tế, chẳng khách hàng nào ghé qua hàng cá.
Bà Vui lí giải: Tâm lí sợ ăn cá biển vẫn còn ám ảnh người dân, nên lâu nay lác đác người mua để ăn cho đỡ thèm. Nay công bố cá tầng đáy nhiễm độc thì càng làm người dân lo sợ.
"Như tui bán cá thì phân biệt được cá tầng đáy, tầng mặt, chớ người dân bình thường được mấy người biết. Bọn tui có giải thích họ cũng không tin" – bà Vui nói.
Hỏi một phụ nữ đi ngang qua hàng cá nhưng không mua, chị thành thật: "Nhớ quá thì đi qua nhìn tí rứa thôi chứ không dám mua. Giờ mình làm sao biết được cá tầng mặt hay tầng đáy.
Còn những người bán liệu họ có nói thật hay không, khi họ đang muốn bán được hàng. Tốt nhất là nhịn cho nó lành!".