Mỹ điều tàu sân bay dằn mặt - Chuyên gia TQ hiến kế đáp trả: Hai tên lửa "sát thủ" có được tung ra?

Vy Lam |

Trong một động thái hiếm thấy, Mỹ đã điều 3 tàu sân bay tới vùng biển gần Trung Quốc. Động thái này được truyền thông nước ngoài diễn giải là một lời cảnh báo đối với Bắc Kinh.

Trao đổi với Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc), các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng động thái trên một lần nữa đã làm bộc lộ đường lối "chính trị bá quyền" của Mỹ trong khu vực, và Trung Quốc có thể đối phó bằng cách tiến hành các cuộc tập trận quân sự, thể hiện sức mạnh, cũng như quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Trước đó, ngày 12/5, hãng thông tấn AP cho biết, 3 tàu sân bay Mỹ - gồm USS Theodore Roosevelt, USS Nimitz và USS Ronald Reagan – cùng các tàu hải quân khác và phi cơ Mỹ đã tiến hành tuần tra vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Mỹ điều tàu sân bay dằn mặt - Chuyên gia TQ hiến kế đáp trả: Hai tên lửa sát thủ có được tung ra? - Ảnh 1.

USS Ronald Reagan di chuyển ở Biển Philippine hôm 30/5. Ảnh: US Navy.

Theo AP, đã gần 3 năm kể từ khi nhiều tàu sân bay Mỹ được triển khai đồng thời như vậy trong khu vực. Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung đang gia tăng xoay quanh các vấn đề COVID-19, luật an ninh quốc gia của Hồng Kông và vấn đề Biển Đông.

Cả 3 tàu sân bay trên đều chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khiến Mỹ không duy trì được hoạt động của tàu sân bay nào tại tây Thái Bình Dương trong hơn hai tháng qua.

Bình luận trên Thời báo Hoàn Cầu, chuyên gia hải quân Trung Quốc Li Jie nhận định, bằng cách tập trung các tàu sân bay này, Mỹ đang tìm cách chứng minh cho cả khu vực, và thậm chí cả thế giới, thấy rằng họ vẫn là lực lượng hải quân hùng mạnh nhất.

Theo ông Li, điều này thể hiện qua việc Mỹ tiến vào Biển Đông và "đe dọa binh lính Trung Quốc" trên các quần đảo Tây Sa và Nam Sa (thực chất là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng Trung Quốc chiếm đóng phi pháp - PV), cũng như tàu thuyền đi qua các vùng biển gần đó. Nhờ thế, Mỹ có thể thực thi đường lối chính trị bá quyền.

Tuy nhiên, ông Li cho rằng Trung Quốc có thể đối phó với động thái của Mỹ bằng cách gia tăng cấp độ sẵn sàng chiến tranh và tiến hành các cuộc tập trận tương ứng, "thể hiện cho Mỹ thấy Trung Quốc có khả năng và quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ".

Mỹ điều tàu sân bay dằn mặt - Chuyên gia TQ hiến kế đáp trả: Hai tên lửa sát thủ có được tung ra? - Ảnh 2.

Tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D. Ảnh: Defence-Blog

Hoàn Cầu dẫn tuyên bố trước đó của quân đội Trung Quốc cho biết, lực lượng hải quân và không quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã "đuổi cổ" nhiều tàu chiến Mỹ "xâm nhập trái phép" cái mà họ gọi là "lãnh hải của Trung Quốc ngoài khơi các quần đảo Tây Sa và Nam Sa ở Biển Đông" hồi đầu năm nay.

Mượn "các nguồn tin công khai", Hoàn Cầu bóng gió hăm dọa rằng, ngoài các tàu hải quân, máy bay và tên lửa tiêu chuẩn, Trung Quốc còn sở hữu nhiều loại vũ khí được thiết kế để đánh chìm tàu sân bay, như tên lửa đạn đạo chống tàu tầm trung DF-21D có tầm bắn bao phủ Chuỗi đảo thứ nhất, và tên lửa đạn đạo chống tàu tầm trung DF-26 có thể vươn tới Guam.

Tờ báo Trung Quốc nhấn mạnh, những tên lửa này có thể tấn công các tàu mặt nước từ cỡ trung cho tới cỡ lớn ở tốc độ rất cao, khiến chúng khó lòng đánh chặn.

Bên cạnh đó, khi đề cập tới mức độ sẵn sàng tác chiến của các tàu sân bay Mỹ, chuyên gia Li Jie bày tỏ sự nghi ngờ bởi những con tàu này đã bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19.

"Dường như quân đội Mỹ chỉ quan tâm tới việc chúng [các tàu sân bay] có được triển khai hay không, thay vì chúng có sẵn sàng chiến đấu hay không" – Ông Li nhận định.

"Trong tình trạng này, có khả năng một đợt COVID-19 mới sẽ bùng phát trên các tàu sân bay Mỹ" – Vị chuyên gia Trung Quốc kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại