Trung Quốc tập trận quy mô lớn
Lục quân Trung Quốc gần đây đã tiến hành các đợt diễn tập quy mô lớn, thử nghiệm kịch bản chiến tranh và thực hành cơ động tác chiến trong khuôn khổ một cuộc tập trận lớn ở tây bắc Trung Quốc. Điều này làm dấy lên nhiều câu hỏi về mức độ sẵn sàng cho một cuộc chiến trên bộ của Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay.
Các hoạt động tác chiến giả định bao gồm những đợt tấn công nhanh, thử nghiệm tấn công đạn thật, thử nghiệm các loại vũ khí và huấn luyện chiến thuật trong điều kiện tác chiến cả ngày lẫn đêm.
Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc cho biết, cuộc tập trận còn bao gồm các đợt cơ động tấn công trên bộ; các kịch bản chiến tranh quy mô toàn diện với sự tham gia của lực lượng đổ bộ đường không, xe bọc thép, pháo; cùng các nhiệm vụ trinh sát và chiến thuật bộ binh cơ giới.
Theo nhà phân tích Kris Osborn trên tạp chí National Interest, mặc dù đối với các nhà quan sát của Lầu Năm Góc, cuộc tập trận này không phải là động thái bất ngờ hay bất thường nhưng hình thức cơ động tấn công cơ giới, trong đó có sử dụng các loại vũ khí hiện đại-mới nhất và xe bọc thép của Trung Quốc, có vẻ đã làm dấy lên lo ngại về mối đe dọa chiến tranh trên bộ.
Vũ khí hiện đại nhưng chưa thể sánh ngang Mỹ
Bản đánh giá năm 2020 của GlobalFirepower ước tính quân đội Trung Quốc có tới 2 triệu quân thường trực và 510.000 quân dự trữ - quy mô lớn gấp 2-3 lần so với quân số thường trực của quân đội Mỹ.
Cũng theo bản đánh giá này, Trung Quốc có 33.000 xe bọc thép và 3.500 xe tăng. Ngoài ra, họ còn được cho là đang vận hành một số phương tiện tác chiến công nghệ cao như xe tăng hạng nhẹ VT5 Type 15.
Xe tăng hạng nhẹ VT5 của Trung Quốc. Ảnh: Military-Today
Xe tăng VT5 ra mắt lần đầu tiên trong cuộc duyệt binh của Trung Quốc hồi năm ngoái, ở một số khía cạnh có thể so sánh với mẫu xe tăng hạng nhẹ mới MPF mà Mỹ đang phát triển.
Theo tạp chí Army Recognition, VT5 có thể bắn nhiều loại đạn, trong đó có đạn xuyên giáp, đạn chống tăng nổ mạnh (HEAT) và đạn nổ mạnh (HE). Bên cạnh đó, nó còn có khả năng cơ động cao, có thể di chuyển trên địa hình gồ ghề. Điều này cho phép nó bắt kịp với các đơn vị bộ binh có tốc dộ di chuyển nhanh của Trung Quốc.
Chưa hết, VT5 còn trang bị trạm vũ khí điều khiển từ xa, tương tự như hệ thống của Lục quân Mỹ.
Cùng với VT5, các xe tăng Type 99 nâng cấp của Lục quân Trung Quốc cũng được xem là mối đe dọa đáng gờm, trong đó phiên bản Type 99A nâng cấp được trang bị cảm biến đo thời tiết, máy tính đạn đạo và thiết bị ảnh nhiệt. Điều đáng nói là công nghệ cả nó có phần tương tự như mẫu Abrams của Mỹ.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Type 99A của Trung Quốc. Ảnh: Fighting-Vehicles
Mặc dù Abrams ra đời vào những năm 1980, còn Type 99 mới xuất hiện vào cuối những năm 1990 nhưng những cải tiến mới đã thay đổi hoàn toàn năng lực tác chiến của cỗ xe tăng Mỹ.
Phiên bản M1A2 v4 được lắp đặt cảm biến hồng ngoại tầm xa thế hệ mới, hệ thống nạp đạn pháo tự động, loại đạn đa mục đích mới để tăng cường mức độ linh hoạt khi tấn công, cùng nhiều cải tiến khác.
Do đó, mặc dù Type 99 có thể gây ra một số lo ngại nhưng dường như không có dấu hiệu nào cho thấy nó có thể vượt mặt xe tăng Abrams của Mỹ.
Theo nhà phân tích Osborn, mặc dù chưa có nhiều thông tin về cấu hình kỹ thuật cụ thể của VT5 hay Type 99A nâng cấp nhưng Trung Quốc được cho là đang phát triển nhanh các hệ thống máy tính AI [trí tuệ nhân tạo] tiên tiến, cùng với thế hệ mới các loại giáp và vũ khí.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, nếu nổ ra chiến tranh trên bộ thì địa hình, các loại vũ khí tiên tiến, cũng như quy mô lực lượng của Trung Quốc sẽ gây bất lợi cho Mỹ.
Tuy nhiên, các khả năng tấn công phối hợp, bao gồm năng lực tấn công đường không tàng hình, tác chiến tàu sân bay, cùng các loại tiêm kích, vũ khí hải quân tiên tiến và lực lượng lục quân đang được hiện đại hóa sẽ giúp Mỹ nhanh chóng thay đổi cục diện cuộc chiến nghiêng về phía mình trong bất kỳ kịch bản chiến tranh cơ giới quy mô lớn nào đi nữa.