"Hỏa lực miệng" Trung Quốc bình luận tàu Nhật thăm Cam Ranh

An Nhiên |

Theo Mã Hiểu, Nhật Bản lần đầu tiên cho chiến hạm cập cảng Cam Ranh của Việt Nam là nhằm "kiềm chế" Trung Quốc.

Ngày 18/4, Mã Hiểu, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế - Sự vụ quốc tế thuộc Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải viết bài bình luận trên website Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc (news.cri.cn) về chuyến thăm của hai tàu chiến Nhật Bản đến cảng Cam Ranh.

Sau khi đưa ra nhận định nói trên, học giả Trung Quốc cho rằng, việc hai tàu khu trục Nhật Bản cập cảng Cam Ranh càng làm cho Biển Đông nóng hơn trong mắt dư luận quốc tế.

Hai tàu hộ vệ của Nhật Bản cập cảng quốc tế Cam Ranh hôm 12/4. Ảnh: Tuổi trẻ
Hai tàu hộ vệ của Nhật Bản cập cảng quốc tế Cam Ranh hôm 12/4. Ảnh: Tuổi trẻ

Mã Hiểu dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nhận xét:

"Cảng Cam Ranh xét về tầm quan trọng địa chính trị có giá trị rất lớn, rất hữu ích cho chiến hạm các nước ghé vào sử dụng các dịch vụ hậu cần quân sự, cung cấp các nhu cầu thiết yếu".

Ông mong muốn tới đây tàu quân sự Nhật Bản có thể ghé Cam Ranh sử dụng dịch vụ thường xuyên hơn.

Một quan chức chính phủ Nhật giấu tên cũng được Mã Hiểu dẫn lời bình luận, lần cập cảng Cam Ranh này của 2 tàu khu trục Nhật Bản vừa có ý nghĩa chiến lược, vừa mang tính bước ngoặt lịch sử.

Mã Hiểu bình luận: "Lần cập cảng Cam Ranh lần này của tàu Nhật Bản thực sự có tính chiến lược và tầm vóc lịch sử.

Nó có thể ảnh hưởng một cách tinh tế đến cục diện Biển Đông trong tương lai. Việc 2 tàu khu trục Nhật Bản cập cảng Cam Ranh là một động thái cho thấy Nhật Bản, Việt Nam và Hoa Kỳ đang nhắm vào Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Đối với Việt Nam mà nói, ý nghĩa của việc chiến hạm Nhật Bản cập cảng Cam Ranh càng quan trọng hơn. Là một quốc gia có lãnh thổ trải dài và hẹp dọc theo bán đảo Đông Dương, Biển Đông với Việt Nam có ý nghĩa trọng đại liên hệ đến sự tồn vong, vừa là túi tiền, vừa là phên giậu.

Nguồn tài nguyên dầu khí dự trữ trong lòng Biển Đông rất phong phú, tương truyền đạt 50 tỉ tấn và có thể được xem như "vịnh Ba Tư thứ hai".

Hiện tại trị giá dầu khí Việt Nam khai thác ở khu vực quần đảo Trường Sa (thực tế là thềm lục địa phía Nam Việt Nam) đã vượt 25 tỉ USD và vẫn còn đang tiếp tục tăng trưởng, cho nên Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất trong các bên tranh chấp ở Biển Đông.

Do đó có thể nói Biển Đông là túi tiền của Việt Nam".

Trái với những lời vu cáo của học giả Trung Quốc, cảng Cam Ranh được Việt Nam xác định là cơ sở làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tất cả các nước trên thế giới trên tinh thần bình đẳng, chủ quyền là của Việt Nam và Việt Nam có khả năng kiểm soát tình hình.

Hoàn toàn không có chuyện cho nước ngoài thuê làm căn cứ quân sự hay căn cứ hậu cần kỹ thuật ở cảng Cam Ranh.

Đầu tháng 3/2016, cảng quốc tế Cam Ranh đã được khai trương tại căn cứ quân sự Cam Ranh.

Từ đây, cảng Cam Ranh có nhiệm vụ đón tiếp các tàu quân sự, tàu khách quốc tế; cung cấp dịch vụ hàng hải tại căn cứ quân sự Cam Ranh; tăng cường quan hệ với các lực lượng hải quân quốc tế, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực; bảo đảm đồng bộ cho các tàu hoạt động, sẵn sàng chiến đấu, góp phần xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định.

Vào tháng 3/2016, bên lề giao lưu hữu nghị quốc phòng Việt-Trung diễn ra tại Lạng Sơn và Quảng Tây, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khi nói về những kế hoạch cụ thể của Việt Nam và Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc hợp tác hiệu quả hơn cũng đã nhấn mạnh, Việt Nam chủ động mời tàu hải quân Trung Quốc thăm các cảng Việt Nam, trong đó có cảng Cam Ranh, hưởng các dịch vụ ở đó giống như các nước khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại