Ngày 22 tháng 9 năm 1985, tại khách sạn Plaza sang trọng nhìn ra Công viên trung tâm Thành phố New York, đại diện của 5 chính phủ bao gồm Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nhật Bản và Vương quốc Anh đã ký kết một thỏa thuận về việc điều tiết sự biến động của Đô la Mỹ so với đồng tiền của 4 cường quốc công nghiệp còn lại. Đó chính là Thỏa thuận Plaza mà Mỹ dùng để đối phó với tình trạng thâm hụt thương mại với các đối tác đang ngày càng gia tăng. Các lý lẽ Hoa Kỳ viện ra có nhiều nét tương tự cái cớ mà Mỹ gây ra những căng thẳng thương mại với Trung Quốc trong 2 năm gần đây.
Trong số 5 quốc gia, Nhật Bản là đại diện duy nhất của châu Á buộc phải tham gia thỏa thuận này. Nguyên nhân là do từ năm 1980 đến 1985, đồng JPY đã giảm giá 50% so với USD (cũng như các đồng tiền Mark Đức, Franc Pháp hay Bảng Anh), khiến cho nền sản xuất công nghiệp của Mỹ bị tác động nặng nề. Hàng hóa của Mỹ rất khó để xuất khẩu, trong khi Mỹ lại ngày càng nhập khẩu nhiều hơn từ nước ngoài do giá hàng hóa tính theo USD ngày càng giảm.
Kể từ sau Thế chiến thứ hai, Nhật Bản hồi phục nhanh chóng và lấy lại vị thế cường quốc về phát triển kinh tế và tiến bộ công nghệ, khiến cho Hoa Kỳ cảm thấy bị đe dọa nghiêm trọng. Trước sự phát triển thần tốc của Nhật Bản trong suốt nhiều thập kỷ, nước Mỹ lúc này lo ngại Nhật Bản sẽ nhanh chóng vượt qua Mỹ để vươn lên vị trí số một về nắm giữ các bí quyết công nghệ mới nhất. Rất nhiều trong số những tập đoàn công nghệ và công nghiệp lớn mạnh nhất thế giới thời bấy giờ đến từ Nhật Bản. Từ Toyota, Honda cho tới Sony, Panasonic đều là những công ty công nghệ sáng tạo năng động và phát triển nhanh chóng.
Hoa Kỳ dường như đã lấy cái cớ tự vệ thâm hụt thương mại và cáo buộc thao túng tiền tệ, để tìm cách kìm hãm sự phát triển của Nhật Bản. Bằng tầm ảnh hưởng của mình và quyền lực của việc sở hữu đồng bạc xanh, Mỹ đã buộc Nhật Bản, cùng một số đối tác thương mại lớn với Mỹ, tham gia ký kết Thỏa thuận Plaza. Việc tham gia Thỏa thuận này được xem là nguyên nhân quan trọng dẫn tới hàng loạt những khủng hoảng xảy đến với Nhật Bản sau đó, để lại hậu quả tới ngày nay.
Trong vòng 2 năm từ 1985 tới 1987, tỷ giá USD so với JPY đã giảm 51%, từ mức 260 JPY đổi 1 USD ngay thời điểm trước khi diễn ra Thỏa thuận Plaza giảm xuống chỉ còn 123 JPY đổi 1 USD vào tháng 11/1987. Đồng JPY tăng giá đột biến trong một khoảng thời gian ngắn đã khiến sức cạnh tranh của hàng hóa Nhật Bản giảm mạnh, do giá tính theo USD đắt gấp đôi so với trước.
Chính phủ Nhật Bản quyết định nới lỏng các chính sách tiền tệ trong nước để hỗ trợ sản xuất, đối phó với suy thoái. Nhưng các chính sách kích thích tiền tệ lại làm xuất hiện bong bóng tài sản, khiến giá bất động sản và giá cổ phiếu tăng vọt. Bong bóng chứng khoán và bất động sản tại Nhật Bản vỡ vào cuối thập niên 80. Chỉ số Nikkei 225 đạt đỉnh 37.000 điểm vào năm 1989 và từ đó tới nay, chỉ số này thậm chí còn chưa lấy lại được mốc 25.000 điểm.
Trung Quốc liệu có giống Nhật Bản?
Trong 4 thập kỷ vừa qua, những gì Trung Quốc trải qua có nét tương đồng mạnh mẽ với Nhật Bản trong suốt 4 thập kỷ sau Thế chiến thứ 2. Từ vị thế công xưởng của thế giới những năm 60, là nơi đặt nhà máy gia công của các hãng công nghệ hàng đầu, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng cơ hội, học tập các bí quyết công nghệ mới nhất và đã nhanh chóng làm chủ được các công nghệ mới nhất.
Hiện nay ở các ngành khoa học chủ chốt, trình độ phát triển của Trung Quốc không hề thua kém Mỹ hay Liên Xô. Trong quan hệ thương mại với Mỹ, Trung Quốc chủ yếu là nước xuất khẩu, trong khi Mỹ phần lớn là nhập khẩu, khiến cho thâm hụt thương mại gia tăng của Mỹ gia tăng nhanh chóng.
Các học giả Trung Quốc từ lâu đã nhận ra rằng, ông Donald Trump đã vin vào cái cớ thâm hụt thương mại để phát động những âm mưu cứng rắn nhằm mục đích sau cùng là kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc, giảm bớt tầm ảnh hưởng của cường quốc châu Á này. Ý đồ càng có vẻ rõ ràng hơn khi một trong các nội dung quan trọng được đề cập trong các cuộc đàm phán gần đây giữa hai bên là về vấn đề thao túng tiền tệ.
Hoa Kỳ không chỉ muốn Trung Quốc kiểm soát tốc độ mất giá của CNY so với USD, mà còn muốn giảm giá trị USD so với CNY để lấy lại sức cạnh tranh cho hàng hóa Mỹ. Theo báo chí Trung Quốc, Mỹ đang cố gắng biến Trung Quốc thành một Nhật Bản thứ hai và buộc Trung Quốc phải rơi vào suy thoái kéo dài.
Tất nhiên, sau nhiều thập kỷ trôi qua, trạng thái của Trung Quốc hiện nay so với Nhật Bản ở thập niên 80 có nhiều nét khác biệt. Một số khác biệt đó có thể giúp cho Trung Quốc khó có thể rơi vào tình trạng như Nhật Bản trong thế kỷ trước.
Thứ nhất, trong khi Nhật Bản thả nổi đồng JPY thì Trung Quốc lại kiểm soát tương đối chặt chẽ tỷ giá đồng tiền của mình. Trung Quốc có trữ lượng ngoại hối khổng lồ với khoảng 1,1 nghìn tỷ USD bao gồm cả trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ. Dự trữ ngoại hối dồi dào có thể giúp Chính phủ Trung Quốc can thiệp ổn định tỷ giá trong những trường hợp khẩn cấp.
Thứ hai, khả năng đồng CNY tăng gấp đôi so với USD, trở lại mức 3,5 CNY đổi 1 USD từ mức 6,9 CNY/USD hiện tại là rất thấp. Mức tỷ giá này chỉ xuất hiện từ năm 1986 trở về trước. Trên thực tế, CNY đang đứng trước nguy cơ giảm giá so với USD hơn là tăng giá, bởi dòng vốn có xu hướng rút ra mạnh mẽ khỏi Trung Quốc kể từ sau khi căng thẳng thương mại leo thang. Động thái Trung Quốc bán mạnh trái phiếu Kho bạc Mỹ trong thời gian gần đây cho thấy nước này đang cố để giữ CNY không bị giảm quá mức 7 CNY/USD.
Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới càng leo thang, các âm mưu sâu xa của hai bên càng bộc lộ rõ. Bất chấp đó là lo ngại của các học giả Trung Quốc, nhưng có những dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ đang cố gắng sử dụng cùng một cách đã thực hiện với Nhật Bản để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc. Trong cuộc chiến này, dù không thể rơi vào tình trạng tệ hại như Nhật Bản ở thế kỷ trước, nhưng Trung Quốc chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian hơn để thực hiện được tham vọng của mình.