Quân bài đất hiếm mạnh không tưởng: Rúng động từng ngóc ngách thị trường nếu TQ "bóp cò"

Lưu Bình |

Truyền thông Trung Quốc thời gian qua gợi ý các biện pháp trả đũa Washington bằng cách phong toả xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ như một con át chủ bài trong chiến tranh thương mại.

Sản phẩm quan trọng trong hàng loạt lĩnh vực thiết yếu

Đất hiếm được sử dụng làm nguyên liệu cho nhiều mặt hàng, như máy giặt và ô tô. Do đó, một khi "chiến tranh đất hiếm" được phát động, nó sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp và lĩnh vực.

Bloomberg cho hay, sau khi kiểm lại một số lĩnh vực và ngành sản xuất, chế tạo cần sử dụng đất hiếm làm nguyên liệu thô, mặt hàng đầu tiên chịu ảnh hưởng là ngành công nghiệp năng lượng. Đất hiếm có thể được sử dụng làm chất xúc tác để tinh chế dầu mỏ. Trên thực tế, các ngành công nghiệp liên quan là thị trường chính để mua đất hiếm. Ngoài ra, sản xuất điện gió, năng lượng mặt trời và nhà máy điện hạt nhân đều là các ngành có nhu cầu sử dụng đất hiếm cao.

Đất hiếm có thể được sử dụng trên các tuabin gió, các tấm pin mặt trời và các sản phẩm khác.

Hạng mục thứ hai là các bộ phận linh phụ kiện ô tô, bao gồm các bộ phận gạt nước, ABS, túi khí, cửa sổ điện, vô lăng tay lái trợ lực và các thiết bị xả khí thải.

Hiện tại, việc sản xuất động cơ nam châm vĩnh cửu cho xe điện và xe điện hybrid sử dụng kim loại đất hiếm dự kiến ​​sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, một số đại lý xe hơi Nhật Bản đã bắt đầu phát triển các phương pháp sản xuất mới và tìm kiếm các yếu tố mới để giảm sự phụ thuộc trong nhu cầu về đất hiếm.

Mặt hàng thứ ba là hàng gia dụng. Vì đất hiếm chủ yếu được sử dụng để chế tạo nam châm, nó mở rộng ra nhiều mặt hàng gia dụng, bao gồm TV, máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại di động, máy rửa chén, máy giặt, máy hút bụi,... Ngoài ra, bóng đèn, thậm chí cả kính và gương cũng có sẵn nguyên liệu đất hiếm.

Mặt hàng thứ tư là các sản phẩm điện tử của Apple, các sản phẩm chính của Apple như iPhone, iPad, Mac,... đều sử dụng đất hiếm làm nguyên liệu.

Hiện tại, các quốc gia sản xuất đất hiếm chủ yếu là Trung Quốc, Mỹ, Australia và Ấn Độ, trong số đó Trung Quốc là nhà xuất khẩu lớn nhất.

Mặc dù Apple không tiết lộ nguồn gốc chính của đất hiếm chế tạo ra sản phẩm của mình, nhưng nhìn chung mọi người đều suy đoán rằng phần lớn xuất xứ đến từ Trung Quốc.

Apple đã ban hành kế hoạch thay thế đất hiếm bằng các bộ phận tái chế cách đây hai năm, nhưng hiện tại nó chỉ được sử dụng trên một số ít sản phẩm, như MacBook Air và Mac mini mới nhất.

Mục cuối cùng là quân đội Mỹ. Đất hiếm có thể được sử dụng trong sản xuất xe tăng và sản xuất các bộ phận phụ tùng xe chiến đấu mới.

Ngoài ra, tên lửa hành trình Tomahawk, xe bọc thép Stryker và máy bay chiến đấu F-35 Lightning II đều được sử dụng thành tố đất hiếm trong các quá trình chế tạo, trong đó chỉ riêng máy bay tàng hình thế hệ 5, F-35 Lightning II cần phải sử dụng đến 420 kg nguyên liệu đất hiếm.

Quân bài đất hiếm mạnh không tưởng: Rúng động từng ngóc ngách thị trường nếu TQ bóp cò - Ảnh 2.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thị sát tỉnh Giang Tây vào cuối tháng 5/2019 (Ảnh: Xinhua)

Trung Quốc gửi tín hiệu về "vũ khí tối thượng"

Bộ Quốc phòng Mỹ đã phải đề xuất chính phủ gia tăng ngân sách để củng cố lĩnh vực sản xuất đất hiếm nội địa và giảm rủi ro khi phụ thuộc vào nguồn đất hiếm từ Trung Quốc.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ thương mại Trung Quốc Cao Phong ngày 30/5 cho biết nước này sẵn sàng cung cấp đất hiếm để phục vụ nhu cầu của các quốc gia khác, nhưng sẽ "không chấp nhận" bất cứ nước nào lợi dụng sản phẩm đất hiếm do Trung Quốc sản xuất để quay lại kìm hãm Trung Quốc.

Tân Hoa Xã ngày 29/5 đăng bài xã luận tiêu đề "Mỹ có nguy cơ để mất nguồn cung đất hiếm trong chiến tranh thương mại", trong đó tuyên bố Bắc Kinh vẫn còn nhiều "quân bài" để chống chọi với Mỹ.

Hồi tuần trước, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thị sát một công ty công nghệ ở tỉnh Giang Tây. Chuyến đi được thông báo là để tìm hiểu quá trình sản xuất và vận hành của công ty và sự phát triển của ngành công nghiệp đất hiếm ở khu vực. Động thái này được cho là gửi thông điệp rõ ràng đến Mỹ về vị thế thống lĩnh của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm.

Trung Quốc là nhà sản xuất hơn 95% sản lượng đất hiếm toàn cầu, và chiếm 80% lượng đất hiếm mà Mỹ nhập khẩu, khiến cho mặt hàng này trở này "vũ khí tối thượng" mà Bắc Kinh nắm giữ trong thương chiến, cũng như được xem là át chủ bài của Trung Quốc để buộc Mỹ trở lại đàm phán.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại