"Bầm dập" vì thương chiến, nông nghiệp Mỹ còn bị "ông trời" bồi thêm đòn đau điếng: Khổ nhất vẫn là nông dân!

Hồng Anh |

"Mùa xuân năm nay thật khủng khiếp", một người nông dân Mỹ than thở trước những trận mưa khắc nghiệt và cuộc thương chiến giữa hai nước Mỹ-Trung vẫn chưa có dấu hiệu sẽ hạ nhiệt.

Nỗi lo của người nông dân Mỹ

Lắng nghe tiếng mưa rơi không ngớt trên cửa sổ nhà kho, Aaron Heley Lehman đã rất băn khoăn rằng không biết đến bao giờ ông mới trồng xong lứa ngô mới trong trang trại của mình ở vùng trung tâm bang Iowa, Mỹ.

Trong khi đó, thị trường vẫn tiếp tục suy giảm - trước sự lo âu của nhiều người dân Mỹ - khi Tổng thống Donald Trump liên tục tung đòn đả kích Trung Quốc trong cuộc thương chiến.

Lượng mưa được ghi nhận tại khu vực này là gần 130 mm. Trong hai tuần nay, hầu như ngày nào mưa cũng rơi nặng hạt như vậy, và tình hình này rất có thể sẽ còn tiếp diễn trong vòng 1 tuần nữa.

Cũng vì cuộc thương chiến, mà giá đậu tương đã giảm xuống còn 2,5 USD/bushel (tương đương khoảng 25,4 kg) kể từ khi người "bạn" đội chiếc mũ MAGA - Make America Great Again - màu đỏ của người nông dân Mỹ trở thành Tổng thống.

"Mùa xuân năm nay thật khủng khiếp", Lehman nói.

Những người nông dân ở bang Iowa đã thiệt hại nhiều tiền của trong 5, 6 năm liên tiếp. Biến đổi khí hậu đã khiến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trở thành một điều bình thường mới tại bang này.

Những trận lũ mùa xuân phá vỡ những con đê của sông Mississippi hùng vĩ, biến đường thành sông, và người ta hoàn toàn có thể di chuyển bằng thuyền qua trung tâm thành phố Davenport. Tại bờ biển phía Tây Iowa, trận lũ đã quét qua những ngọn đồi, thung lũng, quét đi thị trấn và hàng chục ngàn mẫu đất nông nghiệp.

Các chính trị gia đã tới thị sát tình hình và ghi nhận thiệt hại. Iowa là bang có vai trò quan trọng trong các cuộc bầu cử, và cũng như Wisconsin, đây là khu vực "chìa khóa" giúp ông Trump giành thắng lợi. Tuy nhiên, hiện nay cả 2 bang này đều đang chịu thiệt hại vì thương chiến.

Sau đó, chính quyền Mỹ đã tuyên bố sẽ ban hành gói trợ cấp thảm họa thiên tai trị giá 19 tỉ USD, trong đó có 3,3 tỉ USD dành cho miền Trung Tây. Tuy nhiên, gói trợ cấp này đã bị kẹt lại ở Quốc hội do sự phản đối của một Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa đến từ bang Texas, ông Chip Roy.

Trong khi đó, tỉ lệ tự tử tại các nông trại đã tăng lên mức cao nhất từng được ghi nhận kể từ sau cuộc khủng hoảng tại vùng Trung Tây vào giữa thập niên 80.

Bầm dập vì thương chiến, nông nghiệp Mỹ còn bị ông trời bồi thêm đòn đau điếng: Khổ nhất vẫn là nông dân! - Ảnh 2.

Không chỉ vì thương chiến, mà khí hậu khắc nghiệt cũng ảnh hưởng nặng nề tới việc sản xuất nông nghiệp tại Mỹ. Ảnh: Getty Images

Nỗi đau sẽ kéo dài bao lâu?

Kể từ khi ông Trump gần như "xóa sổ" thị trường đậu tương của Mỹ - điển hình là 75% số đậu tương của bang Iowa được xuất sang Trung Quốc - thì những người nông dân và người chăn nuôi gia súc, gia cầm của Mỹ đã nhận được 12 tỉ USD cứu trợ thảm họa thương mại từ chính phủ.

Những người nông dân Mỹ gọi khoản hỗ trợ đó là "Trump Bump", và trong tuần trước, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ cũng vừa tuyên bố về một đợt "Trump Bump" mới, trị giá 16 tỉ USD dành cho những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất về mặt hàng đậu tương và thịt lợn trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Không ai biết họ sẽ được trả bao nhiêu, hay ai sẽ được nhận khoản tiền này. Họ chỉ biết rằng, để được nhận khoản "Trump bump", họ sẽ buộc phải trồng trọt trong vụ mùa năm nay, dù bất kì điều gì xảy ra.

"Nhiều người sẽ muốn chờ đợi khoản cứu trợ này, thay vì trồng trọt để bán ra thị trường", Chad Hart, nhà kinh tế học tại trường Đại học bang Iowa nhận định. Theo lời chuyên gia này, thì sẽ phải mất hàng tuần tới hàng tháng trời để số tiền cứu trợ đến được tay người nông dân sau rất nhiều quy trình và thủ tục hành chính. Do đó, hành động dựa trên những lời đồn là điều rất không nên làm, người này nói.

Các ngân hàng của Mỹ cũng đang theo dõi rất sát sao tình hình, khi nguồn thu của các nông trại giảm dần qua các năm. Gói cứu trợ của chính phủ không thể bù đắp cho tất cả mọi người. Nếu người nông dân tự sở hữu đất thì thiệt hại còn ít, nhưng nếu đó là đất đi thuê, thì sẽ là vấn đề lớn.

"Làm nông nghiệp thật sự khó khăn", Dave Drey, Phó Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Citizens First, người đồng sở hữu một trang trại cùng anh trai Dennis tại bang Iowa.

Được biết, ông Prey cũng đang thu thập các thông tin để giúp đỡ khách hàng của mình trong bối cảnh tình hình thế giới và thị trường liên tục biến động. Người này hiểu rõ ràng các gói cứu trợ của chính phủ chắc chắn sẽ không thể giúp tất cả những người nông dân trên toàn quốc, và chúng sẽ được phân phát tùy theo từng vùng với mục đích chính trị...

Tuy nhiên, những nghị sĩ đảng Cộng hòa vẫn cố gắng bảo vệ ông Trump, điển hình là Thượng nghị sĩ Joni Ernst từng phát biểu hùng hồn rằng người nông dân sẵn sàng chấp nhận chịu đau đớn trong thời gian ngắn để có được lợi ích lâu dài.

"[Chính trị gia] nói vậy thì dễ lắm, nhưng người nông dân không hề nói như vậy khi tới gặp ngân hàng", ông Lehman, Chủ tịch Liên minh Nông dân Iowa.

Họ sẽ nhận được lợi ích gì? Và nỗi đau sẽ kéo dài bao lâu?

Ông Lehman, 51 tuổi, cho biết vào buổi sáng hôm đó, một người hàng xóm đã qua nhà ông để nói chuyện về thị trường và cơn mưa khắc nghiệt. Họ không nói nhiều về tương lai, hay về chuyện xoay chuyển tình thế trở lại như cũ. Mọi người đều đang mắc kẹt trong "vũng lầy" hiện tại.

Không chỉ là vấn đề thời tiết khắc nghiệt hay chiến tranh thương mại, người nông dân Mỹ còn phải đối mặt với một vấn đề nữa: Dịch tả lợn châu Phi. Khi dịch bệnh này càn quét Trung Quốc, họ đã phải tiêu hủy 40% số lợn trong nước, do đó nhu cầu nhập đậu tương của nước cũng giảm đi. Người nông dân Iowa hiện cũng đang rất lo lắng về viễn cảnh dịch bệnh này đến Mỹ và có nguy cơ khiến hàng ngàn người lao động mất việc làm.

"Cứ như thể mọi thứ tồi tệ đều ập xuống cùng lúc", Rich Robinson, một người nông dân 74 tuổi tại Iowa cho biết. "Tôi không biết rồi chúng tôi sẽ ra sao nữa".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại