Để cướp của, Luyện đã giết chết ba người, trong đó có một em bé 18 tháng tuổi, và làm một em bé khác bị thương tật nặng nề. Nhiều người đặt vấn đề phải sửa Bộ luật hình sự. Chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của các nhà làm luật và chủ tọa phiên tòa.
Người thân gia đình nạn nhân khóc ngất mỗi lần nghe Lê Văn Luyện khai lại hành vi gây án dã man của Luyện tại phiên tòa - Ảnh: Thân Hoàng
*Ông Nguyễn Công Hồng(phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp): Có thể cải tạo, giáo dục được
Phải nói rằng khi chúng ta xây dựng Bộ luật hình sự năm 1985 và sửa đổi cơ bản vào năm 1999 thì chưa có vụ án nào cực kỳ nghiêm trọng như vụ do Lê Văn Luyện gây ra. Quan điểm khi xây dựng pháp luật hình sự của Việt Nam và cũng là quan điểm phổ biến trên thế giới là không phạt tử hình đối với người phạm tội chưa thành niên. Nhiều quốc gia đã không còn án tử hình, và nếu còn cũng không áp dụng với người chưa thành niên. Các nhà lập pháp cho rằng đối tượng này còn có thể cải tạo, giáo dục thành người có ích.
Trường hợp Lê Văn Luyện quả là hết sức cá biệt với hành vi giết người lạnh lùng, dã man, phi nhân tính. Tôi rất chia sẻ với gia đình nạn nhân và những bức xúc của dư luận xã hội rằng với tội ác dã man như vậy mà hình phạt chỉ là 18 năm là không thỏa đáng. Tuy nhiên, tôi cho rằng không nên đặt vấn đề sửa luật để áp dụng án tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội.
Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta cũng cùng chung với xu hướng tiến bộ trên thế giới là ngày càng giảm dần và tiến tới bỏ hẳn hình phạt tử hình. Cần phải nói thêm rằng ở những nước có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển hơn ta và họ đã bỏ hình phạt tử hình thì cũng không phải không từng xảy ra những tội ác dã man.
*TS Vũ Đức Khiển (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật): Lê Văn Luyện là trường hợp quá cá biệt
Trước bản án chỉ có 18 năm tù giam mà tòa tuyên cho Lê Văn Luyện, chắc chắn không chỉ riêng tôi mà sẽ rất nhiều người cảm thấy bức xúc vì Lê Văn Luyện phạm tội tày trời, hết sức côn đồ, man rợ. Nhiều người nghĩ là phải tử hình, loại bỏ vĩnh viễn Lê Văn Luyện ra khỏi xã hội mới đúng. Nhưng thẩm phán Thân Quốc Hùng chỉ có thể tuyên bản án trong khuôn khổ mà pháp luật cho phép.
Đến nay, Việt Nam vẫn giữ hình phạt tử hình, nhưng hình phạt này không được áp dụng cho người chưa tròn 18 tuổi. Vì tính nhân văn của pháp luật, chúng ta không nỡ loại bỏ vĩnh viễn khỏi xã hội một người phạm tội chưa đủ tuổi thành niên. Cuộc đời của những con người ấy còn dài lắm, và với mức tuổi như vậy thì hoàn toàn có thể cải tạo, giáo dục để họ sửa chữa sai lầm.
Trường hợp Lê Văn Luyện quá cá biệt. Pháp luật có nên điều chỉnh những trường hợp quá cá biệt này không? Tôi cũng thấy băn khoăn trước câu hỏi này. Xu hướng thế giới thì thường không quy định với những trường hợp hi hữu như vậy. Còn một khi chúng ta có quá nhiều ý kiến đề nghị thì có thể nghiên cứu để đề nghị Quốc hội sửa đổi Bộ luật hình sự. Chẳng hạn như quy định trong những trường hợp rất đặc biệt thì bản án có thể tuyên nhiều hơn 18 năm.
Tử hình không phải là cách duy nhất và tốt nhất để loại trừ tội ác. Cách tốt nhất phải là xử lý triệt để những mầm mống, nguồn gốc của tội ác ấy. Ông bà ta có câu “con hư tại mẹ...”, Bác Hồ nói: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ phần nhiều do giáo dục mà nên”. Một khi tội phạm phát sinh một cách bất thường trong xã hội thì cần phải phân tích toàn bộ thực trạng đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục... để tìm ra nguyên nhân tận gốc.
Theo Tuổi Trẻ