Hiệu ứng domino trong hỗ trợ vũ khí cho Ukraine
Việc cung cấp xe chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ cùng với xe chiến đấu bộ binh Marder của Đức và xe tăng hạng nhẹ AMX-10 do Pháp sản xuất đã đánh dấu sự dịch chuyển quan trọng của phương Tây so với thái độ thận trọng trong những ngày đầu xung đột. Mới đây, Anh cũng thông báo sẽ vận chuyển 14 xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 cho Ukraine.
Ông Matthew Sussex, một học giả cấp cao tại Trung tâm Quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Australia nhận định với ABC rằng sau các động thái trên, có thể sẽ có nhiều quốc gia NATO sẽ bất chấp rủi ro và có bước đi tương tự về loại vũ khí họ sẵn sàng cung cấp.
Xe tăng Leopard 2 được cho là một trong những xe tăng tốt nhất của phương Tây. Ảnh: Reuters
Đức cũng được dự báo là sẽ nhượng bộ trước sức ép về việc đồng ý xuất khẩu xe tăng Leopard 2 - được cho là một trong những xe tăng tốt nhất của phương Tây.
"Vẫn có nhiều sự e ngại ở các nước Tây Âu về việc cung cấp xe tăng cho Ukraine. Nhưng quyết định của Anh có lẽ là khởi đầu cho điều mà Kiev gọi là hiệu ứng domino", Giáo sư Sussex đánh giá. Theo ông, có những dấu hiệu cho thấy châu Âu sẽ sớm tăng cường ủng hộ mạnh mẽ cho Kiev.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định với truyền thông Đức ngày 15/1 rằng cuộc xung đột đang ở giai đoạn quyết định và việc cung cấp cho Ukraine các vũ khí cần thiết đóng vai trò quan trọng để quyết định thành công. Bình luận trên được đưa ra giữa bối cảnh Nga tấn công dồn dập UAV và tên lửa nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.
Trong những tháng gần đây, phạm vi vũ khí được cung cấp cho Ukraine ngày càng mở rộng.
Đặc biệt, phương Tây đã hỗ trợ Kiev tăng cường khả năng phòng không khi cung cấp các hệ thống tiên tiến như NASAMS và IRIS-T. Tháng 12/2022 đã ghi nhận một dấu mốc quan trọng mới khi Mỹ nhất trí cung cấp hệ thống phòng không hiện đại nhất của mình là Patriot cho Ukraine.
Giáo sư Sussex bình luận: "Cuộc xung đột đã phần nào chững lại và nếu Ukraine có bất kỳ cơ hội nào để đẩy lùi các lực lượng của Nga khỏi lãnh thổ thì nước này cần nhận được nhiều vũ khí tấn công hơn".
"Xe tăng khá quan trọng để thực hiện điều đó", chuyên gia này cho hay.
Các nước châu Âu đã cung cấp cho Ukraine hơn 300 xe tăng Liên Xô được hiện đại hóa kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022. Mặc dù đầu tháng này, Pháp, Đức và Mỹ đã lần lượt cam kết hỗ trợ Ukraine xe tăng hạng nhẹ AMX-10 RC, 40 xe chiến đấu bộ binh Marder và 50 xe chiến đấu bộ binh Bradley, nhưng điều khiến các xe tăng chiến đấu chủ lực như Challenger 2 khác biệt là chúng sở hữu các khẩu pháo lớn hơn và đạn pháo xuyên giáp hiệu quả hơn.
"Nếu sở hữu đủ những vũ khí này, quân đội có thể tạo ra lỗ hổng đáng kể trong phòng tuyến của đối phương", ông Sussex nói.
Vasyl Myroshnychenko - Đại sứ Ukraine tại Australia nhận định với ABC rằng các xe tăng sẽ cung cấp cho Ukraine khả năng chiến đấu và sự bảo vệ cần thiết để giành chiến thắng.
"Để giành chiến thắng cuộc xung đột này, chúng tôi cần những vũ khí phù hợp để đẩy lùi quân đội Nga khỏi Ukraine", ông cho biết.
Dù vậy, các quốc gia như Đức cho rằng việc cung cấp các phương tiện như xe tăng, được trang bị các vũ khí tấn công, có nguy cơ kéo phương Tây vào xung đột. Ngoài ra, các nước này cũng lo ngại những động thái trên có thể bị coi là hành vi leo thang căng thẳng.
Cam kết của Anh cuối tuần trước về việc cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraine đã khiến Moscow phải lên tiếng khi cảnh báo rằng điều này chỉ "làm gia tăng" xung đột.
"Đưa xe tăng tới khu vực xung đột sẽ chỉ làm gia tăng các cuộc giao tranh, gây ra nhiều thương vong hơn, trong đó có thương vong cho dân thường", Đại sứ quán Nga tại Anh cho hay.
Thời gian không đứng về phía Ukraine
Có thể thấy trong những tháng gần đây, những lo ngại của phương Tây về việc căng thẳng leo thang dường như đã giảm bớt. Dù vây, một số nhà phân tích an ninh cho rằng sự thay đổi lập trường của phương Tây dường như vẫn khá khiêm tốn so với những gì Ukraine cần để duy trì các thành quả quân sự, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Putin dường như cho thấy rằng thời gian đang đứng về phía Nga.
Mỹ và các đồng minh NATO "đã bắt đầu từ lập trường vô cùng thận trọng" nhưng họ đã dần thay đổi điều đó trong thời gian qua, Matthew Schmidt, nhà khoa học chính trị chuyên nghiên cứu về Nga và Ukraine tại Đại học New Haven ở Connecticut đánh giá.
Một số nhà quan sát cho rằng sự sẵn sàng của phương Tây nhằm cung cấp các vũ khí mạnh hơn cho thấy Mỹ và châu Âu ngày càng tin tưởng vào khả năng chiến đấu của Ukraine nếu được cung cấp vũ khí phù hợp.
Mỹ và châu Âu ngày càng tin tưởng vào khả năng chiến đấu của Ukraine nếu được cung cấp vũ khí phù hợp. Ảnh: Reuters
"Đây là thời điểm phù hợp cho Ukraine để tận dụng khả năng của mình nhằm thay đổi cục diện chiến trường", Laura Cooper, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng nhận định tuần trước tại Lầu Năm Góc. Thông báo về gói hỗ trợ quân sự mới trị giá hơn 3 tỷ USD, trong đó có 50 xe Bradley, bà cho biết: "Chúng tôi đánh giá Ukraine có thể tiến công và giành lại lãnh thổ".
Tuy nhiên, cùng với những đánh giá lạc quan của phương Tây về khả năng quân sự của Ukraine và triển vọng chiến thắng nếu được cung cấp vũ khí phù hợp đi kèm một cảnh báo: Đó là việc hỗ trợ cho Ukraine trong thời điểm hiện tại là điều cần thiết bởi thời gian đang không đứng về phía Kiev.
Giới quan sát nhận định, cuộc xung đột đang chững lại và việc nó kéo dài nhiều năm sẽ không có lợi cho Ukraine. Bên cạnh đó, Nga đang tăng cường nỗ lực tiến công ở phía Đông với các cuộc giao tranh ác liệt và đã giành được thị trấn Soledar có tầm quan trọng chiến lược gần Bakhmut.
"Việc Ukraine giành chiến thắng hoàn toàn là điều khó có thể xảy ra và càng trở nên bất khả thi hơn nếu xung đột kéo dài. Trên thực tế, một cuộc xung đột xung đột tiêu hao kéo dài có thể sẽ khiến tình hình ngày càng tồi tệ hơn", Sven Biscop, chuyên gia thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Hoàng gia tại Brussels đánh giá./.