Không quân Israel đang tấn công kho tên lửa khổng lồ mà nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon đã xây dựng trong 18 năm qua kể từ cuộc chiến toàn diện gần đây nhất với Israel.
Các cuộc không kích diễn ra liên tục với 2.000 mục tiêu bị tấn công chỉ trong 3 ngày đầu tiên. Điều này có thể khiến Hezbollah nhanh chóng rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan phải “sử dụng hoặc mất” các tên lửa tầm xa mà nhóm này coi là vũ khí đáng gờm nhất của mình.
“Mũi tên phương Bắc” nhắm vào kho tên lửa Hezbollah
Israel phát động chiến dịch “Mũi tên phương Bắc” từ hôm 23/9, sử dụng 250 máy bay chiến đấu tấn công 1.500 mục tiêu tại 200 khu vực ở Lebanon, phá hủy nhiều bệ phóng tên lửa, kho vũ khí và máy bay không người lái của Hezbollah. Các mục tiêu chủ yếu nằm ở Nam Lebanon và Thung lũng Beqaa, thành trì của Hezbollah. Truyền thông Lebanon hôm 25/9 đưa tin Israel cũng tấn công các ngôi làng ở phía Bắc thủ đô Beirut.
“Israel có thể phá hủy kho tên lửa và năng lực phóng tên lửa của Hezbollah ở Lebanon bằng các cuộc không kích và chắc chắn họ cũng đang hủy cấu trúc chỉ huy và kiểm soát của mạng lưới IRGC [Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran] ở Lebanon”, ông Kyle Orton, nhà phân tích độc lập về Trung Đông, bình luận.
Đáp trả các cuộc không kích của Israel, Hezbollah đã phóng một tên lửa đạn đạo vào thành phố Tel Aviv ở miền trung Israel vào sáng 25/9. Hệ thống phòng không Israel đã đánh chặn thành công tên lửa này.
Nếu một cuộc tấn công tương tự xảy ra và gây ra thương vong hoặc thiệt hại cho Israel, nước này có thể mở rộng chiến dịch nhằm vào thành trì của Hezbollah ở phía Nam thủ đô Beirut.
“Chiến dịch quân sự của Israel dự kiến sẽ tiếp tục trong những tuần tới, các cuộc không kích khắp Lebanon chỉ là giai đoạn mở đầu. Nếu những nỗ lực hiện nay không đạt được kết quả chiến lược mong muốn, có khả năng Israel sẽ tiến hành giai đoạn tiếp theo liên quan đến các hoạt động trên bộ”, ông Freddy Khoueiry, nhà phân tích an ninh toàn cầu về Trung Đông và Bắc Phi tại công ty tình báo rủi ro RANE, nhận định.
“Chiến dịch không kích và cả chiến dịch trên bộ, mặc dù có tác động nhưng sẽ không thể phá hủy hoàn toàn cơ sở hạ tầng quân sự của Hezbollah hoặc loại bỏ năng lực hoạt động lâu dài của nhóm vũ trang này. Hezbollah là một nhóm có cơ cấu tổ chức vững chắc và mạnh hơn nhiều so với Hamas. Bối cảnh địa lý rộng lớn hơn của Lebanon cũng mang đến cho nhóm này cơ hội để điều chỉnh và thích nghi”, ông Khoueiry nói thêm.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Hezbollah
Tên lửa tầm xa của Hezbollah có thể vươn sâu hơn vào lãnh thổ Israel so với các khu vực biên giới mà họ đã tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa tầm ngắn.
Ông Orton cho rằng Hezbollah dường như đã thể hiện rằng nhóm này “không muốn” phóng tên lửa tầm xa và họ chỉ làm như vậy sau khi phải đối mặt với một số thất bại, bao gồm cả việc hàng nghìn chiến binh thương vong trong các vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm.
“Lý do có thể là vì Israel đã gây tổn thất lớn cho khả năng phóng tên lửa của Hezbollah. Cũng có thể Hezbollah còn có những cân nhắc chính trị khác, bởi việc phóng hàng loạt tên lửa tầm xa được cho là biện pháp răn đe nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công trực tiếp của Israel vào Iran”, Orton nói.
Với 150.000 quả tên lửa đất đối đất, Hezbollah có nhiều tên lửa loại này trong kho vũ khí của mình hơn bất kỳ nhóm vũ trang nào khác. Hezbollah cũng đã mạnh hơn nhiều so với cuộc chiến toàn diện với Israel vào năm 2006. Ngoài vũ khí tầm ngắn, Hezbollah còn có tên lửa đạn đạo và tên lửa dẫn đường chính xác.
“Hezbollah chắc chắn đang chịu áp lực đáng kể về việc phải triển khai các năng lực tiên tiến hơn và thực hiện các cuộc tấn công thành công, đặc biệt là khi những tổn thất chiến thuật gần đây đã làm giảm hiệu quả răn đe của họ”, ông Khoueiry nói.
Tên lửa tầm xa là vũ khí đáng gờm nhất của Hezbollah. Hezbollah được cho là có sự hỗ trợ của Iran đã mua được một số lượng lớn tên lửa pháo binh tầm xa Zelzal-1 và Zelzal-2, tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fateh-110, đặc biệt là biến thể M-600 do Syria sản xuất. Họ cũng có hàng chục nghìn tên lửa tầm xa loại không dẫn đường, bao gồm tên lửa pháo binh tầm trung phóng loạt Fajr-3 và hệ thống tên lửa phóng loạt Fajr-5.
Theo đánh giá của các nhà quan sát, Iran coi những tên lửa này là công cụ đáp trả nếu Israel thực hiện lời đe dọa xóa xổ chương trình hạt nhân của Tehran. Đó cũng là một lý do khiến họ không muốn xảy ra chiến tranh toàn diện giữa Hezbollah và Israel.
Tính toán của Iran
Đối với Iran, Hezbollah là lực lượng ủy nhiệm và tài sản quan trọng hơn nhiều so với Hamas hay bất kỳ nhóm nào khác trong khu vực.
Dù chỉ trích các cuộc tấn công của Israel, nhưng Iran không hành động quân sự thay mặt cho Hezbollah. Hành động quân sự gần đây nhất của Iran là vào tháng 4, với các cuộc tấn công tên lửa trực tiếp vào lãnh thổ Israel sau khi các chỉ huy IRGC ở Syria thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel.
Iran tuyên bố sẽ trả đũa việc Israel giết chết thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh tại Tehran vào tháng 7 nhưng cho đến nay vẫn vẫn chưa làm như vậy.
Ông Azizi cũng cho rằng Iran không muốn chiến tranh vì họ không có “nhiều lựa chọn quân sự tối ưu” để chống lại Israel.
“Iran hiện đang ưu tiên phát triển kinh tế, điều này đòi hỏi hòa bình trong khu vực và hơn thế nữa. Nhưng quan điểm này cũng có giới hạn. Nếu tình hình tiếp tục leo thang, Iran có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tấn công Israel và can dự sâu rộng hơn”, ông Azizi nói.
Ở Iran, nhiều người ủng hộ đề nghị hòa bình của tân Tổng thống Masoud Pezeshkian tại Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, có khả năng việc Israel phá hủy hệ thống răn đe tên lửa của Hezbollah sẽ thuyết phục các quan chức Iran chế tạo vũ khí hạt nhân nhanh hơn như một biện pháp răn đe tối ưu.
“Ở Iran, nhiều người cho rằng nước này không có lựa chọn nào khác ngoài việc theo đuổi vũ khí hạt nhân. Quan điểm chủ đạo có lẽ vẫn muốn Iran sử dụng những tiến bộ về hạt nhân của mình để đạt được một số thỏa thuận với phương Tây thay vì theo đuổi vũ khí hạt nhân. Nhưng nếu họ càng cảm thấy bị cô lập thì khả năng họ sẽ tiến tới lựa chọn thử hạt nhân sẽ càng cao”, ông Azizi nói.