Dự án vũ khí mật của Nga tại Trung Quốc?
Reuters dẫn nguồn tin từ một cơ quan tình báo châu Âu và các tài liệu thu thập được cho hay, Nga đã thiết lập một chương trình vũ khí tại Trung Quốc để phát triển và sản xuất các loại máy bay không người lái (UAV) tấn công tầm xa nhằm phục vụ cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
IEMZ Kupol, một công ty con của công ty vũ khí quốc doanh Nga Almaz-Antey đã phát triển và thử nghiệm một mẫu máy bay không người lái mới có tên Garpiya-3 (G3) tại Trung Quốc với sự giúp đỡ của các chuyên gia địa phương, theo một tài liệu được cho là báo cáo của Kupol gửi Bộ Quốc phòng Nga hồi đầu năm nay.
Reuters cho biết, Kupol đã thông báo với Bộ Quốc phòng Nga trong một tài liệu cập nhật sau đó rằng, họ có thể sản xuất các loại máy bay không người lái bao gồm G3 trên quy mô lớn tại một nhà máy ở Trung Quốc để triển khai trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trong báo cáo, Kupol tiết lộ, G3 có khả năng di chuyển khoảng 2.000 km với tải trọng 50 kg. Các sản phẩm mẫu của G3 và một số dòng UAV khác sản xuất tại Trung Quốc đã được Kupol chuyển tới Nga để thử nghiệm thêm, cùng sự tham gia của các chuyên gia Trung Quốc.
Các tài liệu không có thông tin về danh tính các chuyên gia Trung Quốc tham gia vào dự án mà Kupol trình bày. Reuters cũng không xác định được nội dung này.
Theo 1 tài liệu khác mà Reuters có thể tiếp cận liên quan tới các hóa đơn gửi tới Kupol vào mùa hè, công ty này được cho là đã tiếp nhận 7 UAV quân sự sản xuất tại Trung Quốc, gồm 2 chiếc G3, tại trụ sở của mình ở thành phố Izhevsk (Nga).
Các hóa đơn này được gửi từ 1 công ty Nga mà tình báo châu Âu cho là giữ vai trò trung gian với các nhà cung cấp Trung Quốc. Trong số đó có 1 hóa đơn yêu cầu thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, không có thông tin về ngày giao hàng, cũng như đơn vị cung cấp.
Nguồn tin tình báo của Reuters cho rằng, việc chuyển giao các UAV mẫu cho Kupol là bằng chứng đầu tiên mà cơ quan của họ tìm thấy về khả năng những chiếc UAV hoàn chỉnh sản xuất tại Trung Quốc được chuyển tới Nga kể từ khi chiến dịch quân sự tại Ukraine bắt đầu hồi tháng 2/2022.
Các nguồn tin đã cho Reuters xem tổng cộng 5 tài liệu, bao gồm 2 báo cáo được cho là của Kupol gửi Bộ Ngoại giao Nga trong nửa đầu năm và 2 hóa đơn, để hỗ trợ cho tuyên bố của họ về sự tồn tại của một dự án sản xuất UAV Nga ở Trung Quốc nhằm triển khai sử dụng tại Ukraine. Chương trình này chưa từng được báo cáo trước đây.
Nga im lặng, Trung Quốc phản hồi
Kupol, Almaz-Antey và Bộ Quốc phòng Nga không phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với Reuters rằng họ không biết tới một dự án như vậy và khẳng định Trung Quốc có những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt về việc xuất khẩu máy bay không người lái.
Bắc Kinh đã nhiều lần phủ nhận thông tin Trung Quốc hoặc các công ty Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga để sử dụng ở Ukraine và nói rằng nước này vẫn giữ lập trường trung lập. Trong phản hồi của mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định với Reuters rằng lập trường của Bắc Kinh thể hiện một sự đối lập với các quốc gia khác có "tiêu chuẩn kép về bán vũ khí", những bên mà họ cho là đã "đổ thêm dầu vào lửa trong cuộc khủng hoảng Ukraine".
Fabian Hinz, học giả tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho rằng, việc chuyển giao UAV từ Trung Quốc sang Nga, nếu được xác nhận, sẽ là một diễn biến đáng chú ý.
"Nếu nhìn vào những gì được cho là Trung Quốc đã chuyển giao cho tới nay, thì chủ yếu là hàng hóa lưỡng dụng - linh kiện, phụ tùng có thể được sử dụng trong các hệ thống vũ khí", Hinz nói với Reuters, "Đó là những gì được báo cáo cho tới nay. Tuy nhiên, ít nhất trong nguồn mở, chúng ta chưa từng thực sự thấy hoạt động chuyển giao các hệ thống vũ khí hoàn chỉnh được ghi nhận".
Theo Samuel Bendett, học giả cấp cao của Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), vẫn cần thêm thông tin mới có thể khẳng định Trung Quốc giữ vai trò chủ nhà sản xuất máy bay không người lái quân sự của Nga.
Báo cáo của Kupol không tiết lộ vị trí cụ thể của các địa điểm liên quan đến dự án. Reuters cũng không thể xác định được liệu Bộ Quốc phòng Nga có bật đèn xanh cho Kupol sản xuất hàng loạt như đã đề xuất hay không.
David Albright, cựu thanh tra vũ khí của Liên Hợp Quốc, hiện đứng đầu nhóm nghiên cứu của IISS, nói với Reuters rằng Kupol có thể né tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây bằng cách thiết lập một cơ sở sản xuất ở Trung Quốc, nơi có thể tiếp cận các chip tiên tiến và chuyên môn kỹ thuật.
Tuy nhiên, Bendett lại cho rằng Bắc Kinh có lý do để cẩn trọng trong vấn đề này: "Để 1 nhà máy chính thức tồn tại nhằm sản xuất UAV cho Nga sẽ khiến Trung Quốc dễ bị hứng chịu một số tác động nặng nề từ các biện pháp trừng phạt, nên không rõ Trung Quốc sẵn lòng tới mức nào".
Mỹ lo ngại, sẵn sàng hành động ngay lập tức
Về phần mình, Mỹ đặc biệt quan ngại trước thông tin về dự án mật nói trên. Phát ngôn viên Nhà Trắng cho rằng đây dường như là ví dụ cho thấy 1 công ty Trung Quốc cung cấp hỗ trợ cho 1 công ty Nga bị Mỹ áp cấm vận.
Trong khi đó, phát ngôn viên từ Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) lại khẳng định, Mỹ chưa nhận được bất cứ thông tin nào cho thấy Trung Quốc biết về các giao dịch này hoặc có tham gia cung cấp viện trợ sát thương cho Nga ở cấp chính phủ.
"Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc cũng có trách nhiệm đảm bảo rằng các công ty của họ không cung cấp viện trợ sát thương", phát ngôn viên của NSC nói, "Những giao dịch này là bằng chứng thêm cho thấy nỗ lực của chính phủ Trung Quốc chưa đạt yêu cầu".
Theo phát ngôn viên của NSC, Mỹ sẵn sàng hành động ngay lập tức đối với các công ty Trung Quốc được xác định trong báo cáo của Reuters cũng như điều tra xem những ngân hàng nào đã tạo điều kiện cho các giao dịch với 1 thực thể Nga bị cấm vận. Washington cũng sẽ phối hợp với các đối tác châu Âu cho các bước tiếp theo.