Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger (Ảnh: Getty)
Nhà ngoại giao kỳ cựu từng giúp tái thiết lập quan hệ Mỹ-Trung trong thập kỷ 70 nói rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden nên cảm thấy lo lắng về việc để cho các vấn đề chính trị trong nước can thiệp vào “tầm quan trọng phải nhận thức được về sự bền vững của Trung Quốc.”
"Ông Biden và các đời chính quyền trước đó đã chịu ảnh hưởng quá nhiều bởi các khía cạnh chính trị nội bộ về quan điểm đối với Trung Quốc," ông Kissinger, 99 tuổi, nói trong một cuộc phỏng vấn với chủ biên của tờ Bloomberg News ngày 17/7. "Đương nhiên, việc ngăn chặn Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác giành bá quyền là quan trọng, nhưng điều đó không thể đạt được nhờ vào các cuộc đối đầu không hồi kết."
Ông Kissinger trước đó từng cảnh báo về mối quan hệ ngày càng trở nên thù địch giữa Mỹ và Trung Quốc, điều có thể dẫn tới một "thảm họa toàn cầu sánh ngang với Thế chiến I."
Tổng thống Mỹ Richard Nixon trước đây từng được xem là có quan điểm hết sức cứng rắn, nhưng đã khiến nhiều người bất ngờ khi quyết định tới thăm Trung Quốc vào năm 1972, trong một chuyến công du giờ được xem điểm bước ngoặt lịch sử đối với cả hai nước.
Địa chính trị và quan hệ giữa các siêu cường là chủ đề chính được đề cập tới trong cuốn sách mới của ông Kissinger có tên "Giới lãnh đạo: 6 nghiên cứu về Chiến lược của thế giới" trong đó tập trung vào 6 nhà lãnh đạo quan trọng: Konrad Adenauer của Đức, Charles de Gaulle của Pháp, Richard Nixon của Mỹ, Anwar Sadat của Ai Cập, Margaret Thatcher của Anh và Lý Quang Diệu của Singapore.
Nhận xét về khả năng của các nhà lãnh đạo châu Âu hiện nay – từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho tới Thủ tướng Đức Olaf Scholz – ông Kissinger nói rằng ông cảm thấy buồn khi "giới lãnh đạo châu Âu hiện nay không có cảm giác về phương hướng và sứ mệnh" giống như các nhà lãnh đạo trước kia, bao gồm Adenauer và de Gaulle.
Liên quan tới cuộc khủng hoảng lớn nhất châu Âu, cuộc chiến của Nga ở Ukraine, ông Kissinger nói rằng những bình luận mà ông đưa ra hồi đầu năm nay về khởi điểm cho cuộc đàm phán chấm dứt chiến tranh đã bị đưa tin sai.
Mặc dù nghĩ rằng thời điểm đối thoại đang tới gần, nhưng Kissinger nói các cuộc thảo luận về tương lai của Crimea nên để sau và không nên được quyết định trước khi cuộc xung đột hiện nay chấm dứt.
Về bất ổn hậu Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu), ông Kissinger nói rằng quan điểm của de Gaulle – rằng Anh "sẽ không bao giờ là một thành viên toàn tâm toàn ý của cộng đồng châu Âu" – đã được chứng minh.
Khi được hỏi rằng các nhà lãnh đạo trước đây sẽ giải quyết những vấn đề ngày nay ra sao, ông Kissinger cho rằng, tiếng nói mạnh mẽ nhất để đối thoại được với Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ là de Gaulle, sau đó thêm rằng "Nixon cũng khá tốt." Ông cho rằng Nixon "là một vị tổng thống có đường lối đối ngoại rất tốt. Nhưng ông ta lại tự hủy hoại mình ở trong nước."
Ông Kissinger còn thêm rằng, bà Thatcher – "bà đầm thép" của Anh – sẽ là người mà ông lựa chọn để làm bạn dùng bữa tối đầy thú vị.