Hệ thống phòng thủ APS - “Áo giáp vô hình” của xe thiết giáp

Phạm Huy |

Những năm gần đây, quân đội nhiều quốc gia đã chú trọng đến vai trò của hệ thống phòng thủ chủ động (APS) cho phương tiện chiến đấu bọc thép, đặc biệt là xe tăng và xe chiến đấu bộ binh.

Nhu cầu cấp thiết

Xe tăng và xe chiến đấu bộ binh là hai thành phần quan trọng của các đơn vị tác chiến trên mặt đất. Cả hai đều có thể di chuyển trên mọi địa hình, có tính cơ động cao và trang bị vũ khí mạnh dùng để diệt nhiều mục tiêu khác nhau.

Hệ thống phòng thủ APS - “Áo giáp vô hình” của xe thiết giáp - Ảnh 1.

Ảnh: Channel News Asia.

Trong quá khứ, phương tiện chiến đấu bọc thép được phát triển cho các cuộc chiến tranh chủ yếu trên địa hình bằng phẳng, rộng lớn. Tuy nhiên, ngày nay, hình thái tác chiến đã thay đổi sang tác chiến quy mô nhỏ.

Môi trường tác chiến trở nên phức tạp hơn, đa dạng hơn như tác chiến đô thị, tác chiến bất đối xứng đã khiến xe tăng và xe chiến đấu bộ binh bộc lộ ra những điểm yếu chí tử về khả năng tự vệ.

Mặc dù phương tiện chiến đấu bọc thép sở hữu giáp bảo vệ rất dày, được thiết kế thành nhiều lớp, chất liệu liên tục được cải tiến nhưng "vỏ quýt dày vẫn có móng tay nhọn". Nhiều loại vũ khí mới có thể xuyên thủng giáp xe, khiến tổ lái trở nên dễ tổn thương hơn nhiều.

Hệ thống phòng thủ APS - “Áo giáp vô hình” của xe thiết giáp - Ảnh 2.

Ảnh: The Wall Street Journal.

Các chuyên gia quân sự trên thế giới đều nhận định, bất cứ công nghệ giáp hiện đại nào được ứng dụng trên xe tăng và xe chiến đấu bộ binh thì người ta lại cho ra các sản phẩm vũ khí chống tăng, nhất là thiết bị vác vai, cao hơn một bậc.

Chính vì vậy, bên cạnh các gói nâng cấp cho những loại giáp thụ động, một sáng kiến mới đã ra đời: đó là tích hợp thêm hệ thống APS trên phương tiện chiến đấu bọc thép để tối ưu hóa khả năng bảo vệ cho xe.

Hệ thống APS nói chung

Ban đầu, hệ thống APS được thiết kế cho xe tăng xung kích, nhằm chống lại vũ khí chống tăng các cỡ của đối phương. Sau nhiều cuộc xung đột, quân đội các nước càng hiểu được giá trị của hệ thống APS và dần dần còn có các phương án lắp lên xe chiến đấu bộ binh hay thậm chí là xe bọc thép hạng nhẹ.

Hệ thống phòng thủ APS - “Áo giáp vô hình” của xe thiết giáp - Ảnh 3.

Xe thiết giáp Stryker được tích hợp thử nghiệm hệ thống Iron Curtain. Ảnh: Breaking Defense

Nhắc đến hệ thống APS, chúng ta có thể kể đến các hệ thống Iron Curtain của Mỹ, Drozd và Arena của Nga, Trophy và Iron Fist của Israel, GL5 của Trung Quốc, và AMAP-ADS của Đức...

Mỗi hệ thống APS đều được áp dụng những công nghệ riêng để tạo sự khác biệt, tuy nhiên chúng vẫn có điểm chung về cơ chế hoạt động, cơ cấu hệ thống, tính năng của các thành phần...

Hệ thống phòng thủ APS - “Áo giáp vô hình” của xe thiết giáp - Ảnh 4.

Ảnh: The Drive.

Theo đó, một hệ thống APS bao gồm một trạm radar và các cảm biến quét xung quanh xe để phát hiện các mối đe dọa. Sau đó, chúng sẽ truyền thông số mục tiêu (khi tên lửa/rocket phóng về phía xe) cho máy tính điều khiển được bố trí bên trong buồng lái.

Dựa vào đó, máy tính sẽ thiết lập quỹ đạo bay và góc độ mà đạn sẽ tiếp cận xe, tính toán thời gian để phóng đạn đối kháng, sau đó kích hoạt vũ khí đánh chặn ở vị trí phù hợp nhằm vô hiệu hóa vũ khí đối phương.

Nét riêng của các hệ thống APS

Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã, đang thực hiện các chương trình nghiên cứu, phát triển hệ thống APS. Dưới đây là những tính năng nổi trội của một vài hệ thống phổ biến.

Đầu tiên là hệ thống Iron Curtain của Mỹ. Ưu điểm của Iron Curtain là tích hợp đạn đánh chặn ở trên nóc xe và vô hiệu hóa đạn chống tăng bằng áp lực thuốc nổ theo hướng từ trên xuống dưới và sát với mục tiêu cần bảo vệ.

Biện pháp này có thể khắc chế được cách thức tấn công nhắm thẳng vào nóc xe (nơi có lớp bảo vệ mỏng nhất) hoặc kiểu đầu đạn tandem (có 2 liều nổ lõm lắp nối tiếp nhau, được kích nổ lần lượt).

Hệ thống phòng thủ APS - “Áo giáp vô hình” của xe thiết giáp - Ảnh 6.

Xe tăng T-72 của Nga được trang bị hệ thống Arena. Khối hình trụ trên tháp pháo là trạm cảm biến của hệ thống này. Ảnh: Army Recognition.

Quân đội Nga cũng sở hữu một hệ thống APS tiên tiến mang tên Arena. Nó có một trạm cảm biến với tầm bao quát 360 độ, trong khi vũ khí đánh chặn có 26 viên đạn (gồm hàng nghìn mảnh nhỏ) lắp xung quanh xe.

Hệ thống có thời gian phản ứng chỉ 0,07 giây, đồng thời có thể nhận dạng mục tiêu giả cũng như các loại đạn không đủ sức gây hại tới xe tăng để tiết kiệm đạn đánh chặn.

Tiếp theo là hệ thống Trophy của Israel. Nó có 4 ăng-ten cùng các cảm biến để cung cấp khả năng quan sát 360 độ trong mọi điều kiện thời tiết. Các cảm biến còn giúp phát hiện nơi trú ẩn của đối phương ngay sau khi tên lửa được phóng ra, giúp xe nhanh chóng phản đòn.

Hệ thống phòng thủ APS - “Áo giáp vô hình” của xe thiết giáp - Ảnh 7.

Các thành phần của hệ thống Trophy. Ảnh: Yahoo News.

Một sản nữa cũng của Israel là Iron Fist. Thay vì là đạn đánh chặn chứa các viên kim loại nhỏ như ở "đồng hương" Trophy, Iron Fist lại sử dụng khối đánh chặn tên lửa. Với vỏ làm từ vật liệu dễ cháy, tên lửa này khi nổ không phân mảnh mà chỉ tạo áp lực khí thuốc làm chệch hướng đầu đạn, tạo an toàn cho bộ binh theo sau xe.

Bên cạnh đó, Iron Fist có thiết kế module nên việc thao tác lắp đặt không ảnh hưởng đến kết cấu hay hệ thống điện tử bên trong xe.

Hệ thống APS - "Áo giáp vô hình" của xe bọc thép

Hệ thống phòng thủ APS - “Áo giáp vô hình” của xe thiết giáp - Ảnh 8.

Hệ thống GL5 trong một cuộc thử nghiệm. Ảnh: Regnum.

Với hệ thống GL5, Trung Quốc cũng điền tên mình vào danh sách các quốc gia có thể tự phát triển, trang bị hệ thống APS cho phương tiện chiến đấu bọc thép.

Điểm độc đáo của hệ thống này là phóng ra 2 đạn đánh chặn liên tiếp và sử dụng áp lực khí thuốc tương tự như hệ thống Iron Fist để phá hủy đầu đạn chống tăng.

Với hệ thống AMAP-ADS của Đức, đạn đánh chặn của nó lại chứa bột kim loại. Khi kích nổ nó sẽ dựng một bức tường với tốc độ cao và mật độ lớn để chặn đứng và phá hủy đầu đạn đang hướng đến xe. Thời gian phản ứng của hệ thống này là 0,1 giây, giúp nó vô hiệu hóa được cả đạn bắn gần ở cự ly dưới 10m.

Trong môi trường tác chiến hiện đại, có thể nói hệ thống APS chính là "áo giáp vô hình" và là mảnh ghép còn thiếu đối với những hệ thống bảo vệ trên phương tiện chiến đấu bọc thép.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại