Sau "một vài rào cản", Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã trình bản báo cáo về số tiền 5,7 tỷ USD thực hiện thương vụ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga tới Bộ Tài chính và Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ để chính phủ phê duyệt lần cuối, tờ Times of India đưa tin.
"Thương vụ mua S-400 sẽ được chuyển tới Bộ Tài chính để phê duyệt và Ủy ban an ninh do Thủ tướng đứng đầu đưa ra quyết định cuối cùng", nguồn tin từ Hội đồng mua sắm quốc phòng Ấn Độ chia sẻ với tờ Times of India.
Trong khi New Delhi quyết tâm mua 5 tổ hợp S-400 của Nga thì Mỹ lại lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Thực tế, thương vụ mua bán S-400 đã được đề cập trong Hội nghị thượng đỉnh giữa Thủ tướng Modi và Tổng thống Putin tại Goa hồi tháng 10/2016.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng, chiểu theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA), Ấn Độ sẽ phải nhận lệnh trừng phạt vì vi phạm những điều khoản cấm vận mà trước đó Washington đã áp đặt với Moscow. CAATSA của Mỹ được cho là văn bản nhằm ngăn chặn các quốc gia khác mua vũ khí của Nga.
Việc S-400 xuất hiện trên toàn cầu khiến Mỹ vô cùng quan ngại bởi nhiều quốc gia sẽ cải thiện khả năng chống xâm nhập, chống tiếp cận (A2/AD) đối với vùng chủ quyền quốc gia ngay cả đối với các thành viên trong khối NATO.
Thậm chí, một số quan chức Mỹ cho rằng, nếu các đồng minh NATO sở hữu S-400, những bí mật công nghệ của Mỹ sẽ bị rò rỉ ra ngoài.
Ngoài Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang chịu sức ép lớn từ phía Mỹ khi theo đuổi mua hệ thống phòng không tối tân của Nga.
S-400 Triumf hiện được xem là hệ thống phòng không tối tân nhất của Nga. Hệ thống này có thể bắn hạ tên lửa và máy bay đối phương ở khoảng cách 400 km và đối với các tên lửa đạn đạo là 60 km.
Mỗi hệ thống S-400 có thể sử dụng ít nhất 4 loại tên lửa đánh chặn khác nhau và tấn công nhiều loại mục tiêu. Theo đó, một tổ hợp S-400 có thể đánh chặn 36 mục tiêu cùng một lúc.