Máy bay ném bom Ilyushin Il-52 có thiết kế lạ lùng và độc đáo ngay cả khi tính đến thời điểm này. Không có nhiều thông tin về chiếc máy bay này khi dự án Il-52 bị hoãn lại và chuyển vào trạng thái niêm cất.
Thiết kế của Ilyushin Il-52 có tính vượt thời đại đến mức dù đã hơn 60 năm trôi qua, thiết kế Ilyushin Il-52 vẫn rất hiện đại, trong khi đó nhiều mẫu máy bay ném bom sau này của Liên Xô và Nga lại sử dụng thiết kế truyền thống.
Chạy đua
Lịch sử ngành chế tạo máy bay ném bom đường dài tốc độ cao bắt đầu từ cuối những năm 1940. Khi thế chiến thứ 2 gần kết thúc, vũ khí hạt nhân lần đầu tiên được sử dụng bởi Không quân Mỹ tại Nhật Bản.
Loại vũ khí mới này đòi hỏi thiết bị chuyên chở phù hợp, do đó ngay sau chiến tranh, Mỹ và Anh bắt đầu triển khai những dự án nghiên cứu và phát triển quy mô lớn nhằm chế tạo những mẫu máy bay ném bom chiến lược hạng trung và hạng nặng.
Ảnh đồ họa Ilyushin Il-52 với thiết kế flying-wing không có cánh đuôi. (Ảnh: Topwar)
Tại Mỹ, Convair và Boeing phát triển hai mẫu máy bay YB-60 và B-52 với tầm hoạt động liên lục địa, và B-52 được chọn lựa. Tới năm 1954, Không quân Mỹ bắt đầu được trang bị B-52.
Còn tại Anh, các mẫu máy bay ném bom chiến lược Vulcan của Avro, Valiant của Vickers và Victor của Handley Page cũng bắt đầu được sản xuất hàng loạt.
Về phía Liên Xô, vào thời điểm đó các dự án tương tự cũng đang được thực hiện. Lúc đầu, Liên Xô chọn Tu-4 - phiên bản sao chép hoàn chỉnh của B-29 làm máy bay ném bom chiến lược có khả năng trang bị vũ khí hạt nhân nhưng ban lãnh đạo Liên Xô chỉ coi đó là giải pháp tàm thời.
Mặc dù Liên Xô hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất song Tu-4 chỉ là một mẫu máy bay ném bom truyền thống với tốc độ, tầm hoạt động và tải trọng hạn chế, không thể đáp ứng được yêu cầu đối với một chiếc máy bay ném bom chiến lược.
Trong khi đó, vào thời điểm này động cơ phản lực đã được cải tiến rất nhiều. Máy bay ném bom sử dụng động cơ pít-tông truyền thống không còn đủ khả năng đối đầu với máy bay đánh chặn sử dụng động cơ phản lực.
Tuy nhiên, việc thiết kế một mẫu máy bay ném bom hạng nặng sử dụng động cơ phản lực khi ấy là một bài toán hóc búa.
Yêu cầu chế tạo một chiếc máy bay có tải trọng 150-200 tấn với tốc độ cận âm tạo ra một khối lượng công việc khổng lồ cho ngành hàng không – nghiên cứu về khí động lực, nghiên cứu về sức bền và độ đàn hồi trong hàng không học, xây dựng thiết kế và chế tạo các loại vật liệu, trang thiết bị hoàn toàn mới.
Chết yểu
Động cơ phản lực đầu tiên của Liên Xô lúc bấy giờ có lực đẩy thấp, tiêu thụ nhiều nhiên liệu và không bền. Một số chuyên gia hàng không Liên Xô lúc bây giờ còn cho rằng việc chế tạo ra động cơ phản lực với tầm hoạt động liên lục địa là một điều ngớ ngẩn, một số khác khẳng định rằng không thể chế tạo được một chiếc máy bay như vậy trong thời gian ngắn.
Thậm chí, khi được hỏi rằng liệu có thể chế tạo máy bay ném bom liên lục địa dựa trên cơ sở tăng kích thước của Tu-16 cùng với bổ sung động cơ nhằm tăng tải trọng và tầm hoạt động không, Bộ trưởng công nghiệp hàng không Mikhail Khrunichev khẳng định yêu cầu đó là điều bất khả thi.
Bản nháp phác thảo máy bay Ilyushin Il-52. (Ảnh: Avia Deja vu)
Với tầm nhìn xa đặc biệt, Sergey Ilyushin bắt đầu thực hiện những tính toán cho dự án phát triển máy bay ném bom chiến lược của riêng mình.
Ilyushin Il-52 là máy bay ném bom với thiết kế flying wing - kiểu máy bay không có cánh đuôi. Đây là thiết kế đột phát ở thời kỳ này bởi lẽ thiết kế flying wing mới chỉ được sử dụng trong thời gian gần đây trên một số mẫu máy bay tàng hình hiện đại.
Đáng tiếc yêu cầu cấp thiết đối với máy bay ném bom chiến thuật của Liên Xô lúc bấy giờ đã giết chết dự án Il-52 khi nó còn chưa thành hình, Myasishchev M-4 được lựa chọn và dự án Ilyushin Il-52 bị hoãn lại, chuyển vào trạng thái niêm cất.
Tuy nhiên Myasishchev M-4 không hẳn là lý do duy nhất khiến dự án Il-52 chết yểu mà những yếu tố kỹ thuật lúc bấy giờ mới thực sự là nguyên nhân chính.
Mãi đến năm 1989, người Mỹ mới thực hiện thử nghiệm máy bay ném bom Northrop Grumman B-2 Spirit với thiết kế flying wing và sử dụng sợi các-bon composit – loại vật liệu không phổ biến vào những năm 1950.
Chính thiết kế độc đáo của Ilyushin Il-52 đã giết chết mẫu máy bay này. Những gì còn sót lại của dự án chế tạo máy bay đầy sáng tạo của Sergey Ilyushin chỉ là vài bản vẽ nháp chưa hoàn thiện.
Sau này, một nhà thiết kế đồ họa đã vẽ vài bức hình đồ họa về chiếc máy bay này.