Ít nhất 10 tàu chiến và 2 tàu ngầm của Nga đã được triển khai tới Địa Trung Hải, áp sát Syria, được truyền thông trong nước Nga mô tả là nhóm tàu hải quân lớn nhất được điều động kể từ khi Moscow đồng ý hỗ trợ Syria vào năm 2015.
Các nhà quan sát cho hay "13 tàu Nga đã đi từ Biển Đen tới Địa Trung Hải trong 10 ngày qua, hầu hết trong số đó được trang bị tên lửa hành trình Kalibr", tờ The Times tiết lộ.
Tàu chiến Nga (Ảnh minh họa).
Động thái này diễn ra trong bối cảnh "đồng minh của Nga, Tổng thống Syria Bashar al-Assad, được cho là đang cân nhắc tiến hành một cuộc tấn công lớn nhằm vào vùng đất cuối cùng nằm dưới sự kiểm soát của các tay súng nổi dậy ở tỉnh Idlib phía Bắc đất nước", tờ Al Jazeera đăng tải.
Theo báo Kommersant của Nga, Moscow cũng đã huy động hai hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tại Syria.
Các lá chắn phòng không này đã được đặt ở mức độ cảnh giác cao trước khả năng tấn công từ Mỹ mà bộ Quốc phòng Nga dự đoán Washington sẽ dùng cái cớ "là một cuộc tấn công vũ khí hóa học" được dàn dựng bởi phương Tây, sau đó đẩy cáo buộc cho Damascus.
Thông tin về việc triển khai nhóm tàu hải quân Nga tới sát Syria cùng với các hệ thống phòng không xuất hiện khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton nói rằng quân đội Mỹ đã nhận được thông tin cho thấy khả năng chính quyền Assad "đang có kế hoạch sử dụng vũ khí hóa học trong chiến dịch sắp tới nhằm chiếm lại tỉnh Idlib", tờ Newsweek trích dẫn cho biết.
Ông Bolton cảnh báo rằng Washington sẽ có một "phản ứng mạnh mẽ" nếu thông tin trên được xác nhận.
Chính vì lý do đó mà Nga đã lập tức triển khai lực lượng tới Syria để yểm trợ cho lực lượng Chính phủ Damascus trước những khả năng tấn công bất ngờ từ Mỹ.
Ngoài ra, động thái này cũng là sự thể hiện quyết tâm của Nga nhằm nhanh chóng kết thúc cuộc chiến, lập lại hòa bình và bắt đầu tiến trình tái thiết cho Syria thời hậu chiến.
Việc chiếm lại Idlib "sẽ đánh dấu giai đoạn quan trọng cuối cùng" trong kế hoạch của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad nhằm dập tắt các phong trào nổi dậy đã nổ ra chống lại ông từ năm 2011.
Tỉnh này có khoảng 2,5 triệu dân, nhiều người trong số đó đã di cư sang các khu vực khác. Giám đốc Liên Hợp Quốc về các hoạt động nhân đạo John Ging cảnh báo rằng một cuộc tấn công lớn ở Idlib "có khả năng sẽ gây ra tình trạng khẩn cấp về nhân đạo ở quy mô lớn chưa từng thấy" trong suốt 7 năm diễn ra nội chiến.
Trong khi đó, Nga đang lo ngại về việc gìn giữ mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang hết sức lo lắng rằng cuộc tấn công nhằm vào Idlib sẽ khiến hàng triệu người tị nạn ồ ạt đổ sang biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Một chỉ huy của lực lượng phiến quân nổi dậy nói với tờ The Times rằng họ tin tưởng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không rời bỏ họ.
"Tất cả đang phụ thuộc vào những gì Thổ Nhĩ Kỳ và Nga thỏa thuận và nếu có được một thỏa thuận sơ bộ thì tôi tin rằng sẽ không có một cuộc chiến ở Idlib. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không để chuyện đó xảy ra dù thế nào đi chăng nữa, dù họ phải dùng quân sự để can thiệp", người này nói.
Hiện tại, việc tập trung quá đông số lượng tàu chiến và phương tiện chiến tranh của Nga, Mỹ và các quốc gia đồng minh ở khu vực Trung Đông khiến giới quan sát tỏ ra quan ngại sâu sắc, đồng thời mong muốn hai bên hết sức kiềm chế để sự việc không vượt quá tầm kiểm soát có thể gây nguy cơ đụng độ trực diện làm mất an ninh trong khu vực và trên thế giới.