Tờ Financial Times nhận định, vụ tấn công tàu chở dầu và tuyên bố của Iran gỡ bỏ hạn chế về sản lượng làm giàu uranium, đang đẩy các cường quốc châu Âu vào một thách thức lớn liên quan tới việc liệu họ có còn sẵn sàng đứng bên cạnh Tehran dưới những áp lực ngày càng gia tăng từ phía Mỹ.
Hôm thứ ba (18/6), bà Federica Mogherini, người đứng đầu bộ phận chính sách đối ngoại của EU đã có chuyến công du tới Washington. Đây là lần đầu tiên bà Mogherini đối mặt với chính quyền Tổng thống Donald Trump kể từ khi Mỹ cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công các tàu chở dầu trên Vịnh Oman.
Về phía mình, Iran kiên quyết phủ nhận lời buộc tội từ Mỹ.
Giới phân tích nhận định, căng thẳng đã tạo nên tình huống khó xử cho người châu Âu, khi họ bị kẹt giữa thái độ quyết đoán của Tehran và chiến dịch "gây áp lực tối đa" mà Washington dành cho Iran.
Một nhà ngoại giao EU nói về cuộc khủng hoảng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng giữa Iran và Vùng Vịnh như sau: "Tất cả những điều này sẽ kết thúc ở đâu? Và sự đe dọa của Mỹ sẽ đưa chúng ta tới đâu?"
Hôm thứ Hai (17/6), Iran tiếp tục triển khai các kế hoạch từng công bố vào tháng trước là ngừng tuân theo các giới hạn về làm giàu uranium - vốn được quy định trong thỏa thuận hạt nhân. Động thái này đã khiến các ngoại trưởng EU đang tham gia một hội nghị thường kỳ tại Luxembourg không giấu nổi lo lắng.
Một quan chức gọi tình huống leo thang là dấu hiệu "vô cùng đáng quan ngại" về sự bất đồng cơ bản mà các nước châu Âu đang có với Iran: Lập trường của Tehran là do đã mất đi các lợi ích kinh tế sau lệnh trừng phạt của Mỹ, họ có quyền phá vỡ thỏa thuận hạt nhân. "Chúng tôi không thể đồng ý với ý kiến của Iran", người này nói.
Tập trung của chúng tôi không phải là rơi vào một trò chơi đổ lỗi… mà là giữ cho thỏa thuận [hạt nhân] được tiếp tục.
Federica Mogherini, Đại diện cấp cao về ngoại giao và chính sách của EU
Cũng trong ngày 18/6, Bijan Namdar Zanganeh, Bộ trưởng dầu mỏ Iran cho biết, tình hình kinh tế của Iran đang "khó khăn hơn cả trong thời chiến", cụ thể hơn là cuộc xung đột Iran-Iraq năm 1980-88.
Theo Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok, tuyên bố của Iran về uranium không mang tới lợi ích gì. Tuy nhiên, ông Blok nhắc lại lập trường của EU là ủng hộ cho thỏa thuận hạt nhân chừng nào Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế xác nhận là Tehran vẫn tuân theo nó.
Trong khi đó, bà Mogherini thừa nhận, giờ đây, việc giữ cho thỏa thuận hạt nhân tồn tại đang "ngày càng khó khăn hơn". "Tập trung của chúng tôi không phải là rơi vào một trò chơi đổ lỗi… mà là giữ cho thỏa thuận được tiếp tục", bà nói.
Ông Esfandyar Batmanghelidj, nhà sáng lập tạp chí chuyên về chính trị và kinh tế Iran Bourse & Bazaar nhận định, Tehran đang chơi "một canh bạc thực sự" với châu Âu khi thực hiện động thái về uranium. "Có phải họ đang gia tăng sức mạnh cho những người ở châu Âu, vốn mong muốn châu Âu làm nhiều hơn nữa?", ông đặt câu hỏi. "Hoặc bước đi này liệu có khiến một số quan chức châu Âu nghĩ rằng, về cơ bản mọi việc đang trở thành một quá trình sai lầm?"
Khó khăn chủ yếu mà châu Âu đang phải đối mặt là không thể đưa ra nhiều sáng kiến dành cho Iran, đặc biệt khi hai trong số các bên tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân – Trung Quốc và Nga, vẫn chưa có bất kỳ hành động đáng kể nào.
Các công ty lớn của châu Âu đang rời xa Iran trước sức ép trừng phạt từ Mỹ. Kênh tài chính Instex, được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thương mại với Iran, vẫn chưa đi vào vận hành. Ngay cả khi đã bắt đầu hoạt động, Instex cũng chỉ phục vụ cho các lĩnh vực không nằm trong danh sách trừng phạt của Washington như thực phẩm và dược phẩm…
Bên cạnh đó cũng tồn tại những dấu hiệu bất đồng trong cách tiếp cận giữa nhóm E3, bao gồm Đức, Pháp và Anh. Trong khi London ủng hộ tuyên bố của Washington là Iran phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công tàu chở dầu thì Ngoại trưởng Đức Heiko Maas lại lên tiếng yêu cầu có thêm bằng chứng.
Người châu Âu đã đạt tới mức hoàn hảo trong nghệ thuật để cho các vấn đề không bị ảnh hưởng tới nhau và tôi cho rằng, họ sẽ tiếp tục làm vậy. Về cơ bản, lợi ích của họ nằm ở việc giữ cho thỏa thuận hạt nhân tồn tại bất chấp những gì đang xảy ra trong khu vực.
Ellie Geranmayeh
Bà Ellie Geranmayeh, một nhà phân tích người Iran chỉ ra, mặc dù có khác biệt, các nước EU vẫn chia sẻ cùng mục tiêu là giữ cho các căng thẳng với Tehran riêng biệt với những nỗ lực ủng hộ thỏa thuận hạt nhân – vẫn được coi là một yếu tố then chốt cho an ninh lục địa già.
"Người châu Âu đã đạt tới mức hoàn hảo trong nghệ thuật để cho các vấn đề không bị ảnh hưởng tới nhau và tôi cho rằng, họ sẽ tiếp tục làm vậy", bà Geranmayeh, phó giám đốc chương trình Trung Đông tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu phân tích. "Về cơ bản, lợi ích của họ nằm ở việc giữ cho thỏa thuận hạt nhân tồn tại bất chấp những gì đang xảy ra trong khu vực".
Theo ông Axel Hellman, một chuyên gia về an ninh châu Âu và Iran tại tổ chức tư vấn chính sách Mạng lưới lãnh đạo châu Âu, hy vọng lớn nhất của châu Âu là cố gắng biến các áp lực từ Washington và Iran thành lợi thế của mình. Họ thậm chí có thể coi bản thân là các nhà môi giới cho đối thoại giữa hai đối thủ.
"Nếu châu Âu có khả năng làm được điều đó và trở thành bên trung gian hòa giải, đây chính là thời điểm mà họ có thể đóng một vai trò quan trọng", ông Hellman cho hay.