Hậu cung Minh triều chôn vùi hàng loạt người đẹp Triều Tiên: Nguyên nhân không khó đoán

Trần Quỳnh |

Cho tới ngày nay, cái chết của hàng loạt cung phi người Cao Ly (Triều Tiên ngày nay) vẫn là vụ án oan ức nổi tiếng nhất trong hậu cung Minh triều.

Thời xưa, mỹ nữ thường được xem như một cống phẩm để thắt chặt tình ngoại giao giữa các quốc gia phong kiến.

Lịch sử Trung Hoa cũng từng ghi nhận không ít tên tuổi của các mỹ nhân ngoại quốc. Tiêu biểu phải kể tới việc Vĩnh Lạc đế Chu Đệ từng nhận của nước chư hầu Cao Ly (Triều Tiên) năm thiếu nữ xinh đẹp.

Chỉ tiếc rằng, cả năm vị phi tần người Cao Ly đều kết thúc cuộc đời một cách bi thảm và đẫm máu trong hậu cung hiểm ác của Minh triều.

Mỹ nữ Cao Ly và kiếp làm... cống phẩm!

Theo những ghi chép của các tài liệu chính sử, từ thời nhà Nguyên, Cao Ly đã bắt đầu tiến cống mỹ nữ tới Trung Hoa. Sau này tuy giang sơn đổi chủ, nhưng Minh triều vẫn áp đặt Cao Ly tiến cống loại cống phẩm đặc biệt này.

Mặc dù được đánh giá là Hoàng đế kiệt xuất của nhà Minh nhưng Minh Thành Tổ Chu Đệ vẫn có hai tật xấu "khét tiếng" là háo sắc và tàn bạo. Sau khi soán ngôi của cháu ruột, ông ta hạ lệnh cho Cao Ly hằng năm đều phải cống nạp mỹ nữ.

Hậu cung Minh triều chôn vùi hàng loạt người đẹp Triều Tiên: Nguyên nhân không khó đoán - Ảnh 1.

Do từng có giai đoạn là một nước chư hầu, những mỹ nữ Cao Ly thời xưa phải chấp nhận thân phận làm "cống phẩm" dâng lên Hoàng đế Trung Hoa. (Tranh minh họa).

Nhận được chỉ thị của Chu Đệ, Hoàng đế Cao Ly ngay lập tức hạ lệnh cấm tạm thời việc cưới hỏi trên cả nước để "tuyển mỹ nữ" vào năm 1408. Trải qua nhiều vòng thi nghiêm ngặt và khó khăn, cuối cùng 5 vị mỹ nhân ưng ý nhất cũng đã được chọn ra để "cống nạp" cho Minh Thành Tổ.

Trong số năm người, mỹ nữ lớn tuổi nhất là Quyền thị cũng chỉ vừa tròn 18; Nhâm thị, Lý thị đều 17 tuổi; hai người nhỏ tuổi hơn là Lý thị (16 tuổi) và Thôi thị (14 tuổi). Không chỉ xuất thân là tiểu thư quý tộc xứ Cao Ly, năm vị mỹ nữ này còn sở hữu nhan sắc "ngàn dặm khó tìm".

Điều này đủ để chứng minh Hoàng đế Cao Ly đã tốn không ít tâm tư và công sức để lựa chọn những "cống phẩm" đặc biệt tiến cống cho Chu Đệ.

Hậu cung Minh triều chôn vùi hàng loạt người đẹp Triều Tiên: Nguyên nhân không khó đoán - Ảnh 2.

Ở Cao Ly, cuộc tuyển chọn mỹ nhân cho Hoàng đế Trung Quốc thậm chí còn nghiêm ngặt và khó khăn hơn việc tuyển phi cho nhà vua nước này. (Ảnh minh họa).

Năm vị mỹ nhân vừa đặt chân tới hậu cung, Chu Đệ đã vô cùng cao hứng, lập tức phong cho các nàng tước vị cao quý.

Trong đó, Quyền thị được phong làm Hiền phi, cai quản việc lục cung, quyền lực tương đương Hoàng hậu. Nhâm thị là Thuận phi, Lý thị được sắc phong làm Chiêu nghi, Lý thị là Tiệp dư và Thôi thị được tấn phong Mỹ nhân.

Anh trai của Quyền thị được phong chức Quang lộc tự khanh (quan đứng đầu bộ phận lo yến tiệc) và được thưởng nhiều vàng bạc, ngựa quý. Cha của bốn vị cung phi Cao Ly còn lại đều được phong làm quan ngũ phẩm.

Kiếp nạn chết chóc của những cung phi người Cao Ly

Trong số năm vị cung phi đến từ Cao Ly, vị phi tần được Chu Đệ sủng ái hơn cả chính là Hiền phi Quyền thị.

Miêu tả về vị mỹ nhân Cao Ly vừa tròn 18 tuổi này, "Minh sử - Hậu phi truyện" có viết: "Cung hiến Hiền phi họ Quyền, là người Cao Ly, tư chất hiền hòa, giỏi thổi ngọc tiêu, được Hoàng đế vô cùng yêu mến".

Hậu cung Minh triều chôn vùi hàng loạt người đẹp Triều Tiên: Nguyên nhân không khó đoán - Ảnh 3.

Không chỉ được Minh Thành Tổ Chu Đệ sủng ái, Hiền phi Quyền thị còn nắm trong tay quyền cai quản hậu cung tương đương Hoàng hậu. (Ảnh minh họa).

Vậy nhưng, xuất thân ngoại quốc và sự sủng ái của Hoàng đế vẫn không giúp Quyền thị tránh khỏi được kiếp hồng nhan bạc mệnh.

Năm Vĩnh Lạc thứ mười (năm 1410), Minh Thành Tổ đích thân dẫn quân chinh phạt Mạc Bắc. Trước khi xuất chinh, Chu Đệ còn đặc biệt đưa Hiền phi Quyền thị theo bên người. Nhưng trên đường đánh giặc trở về, vị Hiền phi người Cao Ly này không may qua đời vì bạo bệnh.

Chứng kiến hồng nhan đã buông tay trần thế, Chu Đệ vô cùng đau khổ. "Triều Tiên Lý triều thực lục" có chép: sau khi Quyền thị qua đời, Vĩnh Lạc đế gặp anh trai của Hiền phi, "lúc ban lời, nước mắt lưng tròng, thở than thương cảm không nói được câu nào".

Thương tiếc Hiền phi Quyền thị, Chu Đệ đã hạ lệnh xây dựng lăng tẩm ngay tại vùng đất Quyền thị qua đời, còn hạ lệnh cho dân chúng nơi đây phải đời đời trông giữ phần mộ của nàng.

Cho tới khi về già, vị Hoàng đế này vẫn luôn hoài niệm về phi tần họ Quyền người Cao Ly ấy mà than:

"Ta già rồi, ăn uống không thấy ngon nữa… Khi Hiền phi còn sống, thường dâng những món ăn hợp khẩu vị. Sau khi nàng qua đời, ngự thiện dâng lên lạnh lẽo, chẳng vừa ý chút nào!".

Hậu cung Minh triều chôn vùi hàng loạt người đẹp Triều Tiên: Nguyên nhân không khó đoán - Ảnh 4.

Không ai ngờ rằng, cái chết của Hiền phi Quyền thị lại chính là khởi đầu của sóng gió tai ương đối với những phi tần người Cao Ly trong hậu cung Minh triều. (Ảnh minh họa).

Sau khi Hiền phi Quyền thị qua đời, Chu Đệ cũng không điều tra nguyên nhân cái chết của nàng. Nhưng có lần, Hoàng đế tình cờ nghe thấy nữ tỳ của Quyền thị cãi vã cùng Lữ tiệp dư về cái chết của Hiền phi.

Biết được sự tình không hề đơn giản, Chu Đệ lập tức bắt giữ nữ tỳ cùng toàn bộ người trong cung của Lữ Tiệp dư để thẩm vấn.

Trong quá trình điều tra, Chu Đệ lại nghe được người tố cáo rằng Lữ Tiệp dư vì ghen tức nên đã dùng thạch tín hạ độc Hiền phi Quyền thị.

Hậu cung Minh triều chôn vùi hàng loạt người đẹp Triều Tiên: Nguyên nhân không khó đoán - Ảnh 5.

Chỉ vì một lời vu vạ, toàn bộ các phi tần người Cao Ly trong hậu cung của Chu Đệ đều gặp phải họa sát thân. (Ảnh minh họa).

Vốn là Hoàng đế tàn bạo khét tiếng, lại đau đớn vì mất đi ái phi, Minh Thành Tổ Chu Đệ trong cơn thịnh nộ đã không cần điều tra, lập tức hạ lệnh giết chết 100 cung nữ trong cung Lữ Tiệp dư.

Về phần Lữ Tiệp dư, bản thân mỹ nhân Cao Ly này lại càng bị đối xử tàn bạo, bị dùng que hàn tra tấn suốt một tháng mới được ban chết.

Không chỉ vậy, Chu Đệ còn hạ lệnh bắt Hoàng đế Cao Ly xử tử toàn bộ gia tộc của vị Tiệp dư họ Lữ này.

Chứng kiến cái chết tàn khốc của người bạn đồng hương, ba cung phi người Cao Ly còn lại đều sợ hãi sẽ phải chịu án liên đới, thậm chí liên lụy tới cả gia tộc, liền chọn cách tự sát.

Bị "thanh trừng" cũng vì thua về thủ đoạn

Cho tới ngày nay, vụ án về cái chết của Quyền thị khiến cho bốn mỹ nhân Cao Ly phải bỏ mạng vẫn là án oan đẫm máu nhất hậu cung Minh triều.

Nguyên nhân nằm ở chỗ lúc bấy giờ, trong hậu cung của Chu Đệ vẫn còn một vị cung phi cũng mang họ Lữ, vốn là con gái của một thương nhân Trung Hoa.

Để gây dựng phe cánh trong cung, Lữ thị này ở trong cung liên tục kết bè kết phái, còn chủ động tìm cách tiếp cận Lữ Tiệp dư người Cao Ly để tăng thêm vây cánh, nhưng bị nàng cự tuyệt nên ghi hận trong lòng.

Hậu cung Minh triều chôn vùi hàng loạt người đẹp Triều Tiên: Nguyên nhân không khó đoán - Ảnh 6.

Hậu cung Trung Hoa vốn khét tiếng là nơi "ăn thịt người" do những thủ đoạn tranh đấu vô cùng hiểm độc giữa các phi tần. (Ảnh minh họa).

Khi Quyền thị qua đời, Lữ thị biết thời cơ trả thù của mình đã đến, liền vu cáo cho Lữ Tiệp dư là kẻ chủ mưu giết người, gây nên thảm án oan khốc chấn động hậu cung Minh triều.

Như vậy, chỉ vì thua về thủ đoạn, bốn vị mỹ nữ người Cao Ly đều bị miệng lưỡi của một cung phi Trung Quốc đẩy đến đường cùng, thậm chí có người còn bị tru di cả họ.

Người qua đời vì bạo bệnh, kẻ bị xử tử, số còn lại đều tự sát. Năm vị mỹ nữ Cao Ly cứ như vậy mà chết thảm nơi hậu cung "ăn thịt người" của Minh triều.

Đương nhiên, vị cung phi họ Lữ này sau đó cũng không có kết cục tốt. Năm 1420, Chu Đệ "thanh lọc" toàn bộ hậu cung, thảm sát 2800 cung nữ và thái giám. Lữ thị cũng vong mạng trong cuộc thanh trừng đẫm máu ấy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại