Nhiều người cho rằng địa điểm quay đoạn clip nói trên là ở Trung Quốc và những chiếc máy kia đang sản xuất ra thứ gạo giả độc hại từ những chiếc túi nhựa.
Đoạn clip dài hơn 2 phút ngay sau khi xuất hiện đã lập tức được chia sẻ rộng rãi trên ứng dụng nói chuyện phổ biến của Trung Quốc là Wechat đầu tháng 11 này.
Clip khiến nhiều người nghi ngờ đây là một cơ sở sản xuất gạo giả từ nhựa.
Trong đoạn clip, có thể nhìn thấy rõ một nam thanh niên cởi trần đang thoăn thoắt đưa hàng chục chiếc túi nhựa vào một chiếc máy trong không gian làm việc tối tăm. Rất nhanh, chúng bị máy xé vụn trước khi cho ra một ống nhựa dài.
Tiếp sau đó, người công nhân sử dụng một chiếc kéo để cắt ống nhựa rồi đưa cả vào một chiếc máy khác đặt ngay cạnh.
Sau khi được xử lý bởi chiếc máy thứ hai để có đựa những mảnh nhựa dài, mỏng, số sản phẩm này nhanh chóng được làm mát trong một cái chậu lớn rồi tiếp tục được cho vào chiếc máy thứ ba.
Từ đây, số nhựa được chuyển thể hoàn toàn sang dạng hạt, với hình dạng không khác gì hạt gạo, màu trắng đục. Số "gạo" được làm ra sau đó được công nhân đổ cả vào một cái túi vải lớn – loại vẫn thường được sử dụng để đựng gạo ở Trung Quốc.
Cho nhựa vào máy.
Phản ứng của dư luận
Hiện vẫn chưa rõ địa điểm cụ thể nơi đoạn clip được quay, cũng như chưa xác định rõ có đúng là cơ sở trên đang sản xuất gạo giả hay không nhưng nó đã đủ làm dấy lên một nỗi sợ hãi trong dư luận Trung Quốc.
Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ sự lo ngại trước vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay tại chính đất nước họ đang sinh sống.
"Có lẽ chúng ta nên tự trồng lúa để lấy gạo ăn mới yên tâm được", một người bình luận. Trong khi đó, một người khác tỏ vẻ lo lắng hơn: "Tôi đã xem clip này và nói thật sau đó, tôi đã rất căng thẳng khi ăn cơm".
Những hạt nhựa trắng hệt như gạo được đổ vào bao.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng những hạt nhựa kia được có lẽ được dùng trong sản xuất công nghiệp. Hơn nữa, một số ý kiến cũng cho rằng sản xuất gạo giả từ nhựa có khi còn tốn kém hơn việc trồng lúa thật.
"Chất liệu nhựa còn đắt hơn gạo, nếu làm như vậy sẽ không có lãi, người ta chả dại mà làm việc bất chính khi chẳng được lợi lộc gì".
Đây không phải lần đầu tiên, bê bối gạo giả xuất hiện tại Trung Quốc. Theo Tân Hoa xã, hồi năm 2011, gạo làm từ nhựa đã xuất hiện tại Nam Kinh sau khi một phụ nữ lớn tuổi phát hiện hàng chục hạt gạo màu trắng nổi lên trên mặt nước khi người này vo gạo.
Gần đây hơn, hồi tháng 5/2015, người dân Indonesia cũng được phen hoàng mang khi gạo nhựa nhan nhản xuất hiện trên thị trường và chúng bị nghi là nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng ở quốc gia Đông Nam Á này cũng nghi ngờ rằng nếu sản xuất gạo giả, lợi nhuận thu được sẽ chẳng đáng là bao vì kinh phí tốn kém.