HARM - Tên lửa không đối đất Ukraine dùng để phá hủy radar phòng không Nga

Kiều Anh |

Các tên lửa HARM đang đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch tấn công của Ukraine ở Kherson cũng như cuộc phản công ở phía Nam.

Ngày 19/8, một quan chức Lầu Năm Góc xác nhận thông tin từng được đồn đoán trước đó rằng Mỹ đang cung cấp cho Ukraine tên lửa chống bức xạ tốc độ cao (HARM). Các tên lửa này đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch tấn công của Ukraine ở Kherson cũng như cuộc phản công ở phía Nam.

Được phóng từ máy bay, HARM tìm kiếm trực tiếp và phá hủy radar phòng thủ của đối phương. Các tên lửa này đã gây ra thách thức không nhỏ cho quân đội Nga.

Thậm chí cả khi chưa được phóng, mối đe dọa mà nó tạo ra có thể buộc những người điều khiển radar phải tắt thiết bị hoặc hoạt động ở tầm thấp. Lực lượng không quân Ukraine có lẽ chưa thể di chuyển tự do nhưng đã hoạt động thoải mái hơn so với trước đây.

HARM - Tên lửa không đối đất Ukraine dùng để phá hủy radar phòng không Nga - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: AFP

Trong Thế chiến II, các hệ thống pháo phòng không cỡ nòng lớn được triển khai để đối phó với máy bay ném bom nhưng chúng đã trở nên lỗi thời khi máy bay ném bom có thể bay nhanh hơn và cao hơn. Do đó, công nghệ tên lửa đã phải tìm cách thích ứng.

Vào cuối những năm 1940, tên lửa đất đối không radar dẫn đường đầu tiên đã ra đời. Những hệ thống này nhanh chóng phát triển và có thể nhanh chóng đạt được độ cao ở tầng bình lưu cũng như bắn hạ các tiêm kích nhanh nhất.

Khi đó, phi hành đoàn trên các máy bay ném bom phải học cách bay dưới tầm hoạt động của radar hoặc tìm cách để đối phó với nó, chẳng hạn như gây nhiễu bằng hệ thống tác chiến điện tử.

Mỹ đã tiên phong trong việc phát triển chiến thuật Áp chế Hệ thống Phòng không của Đối phương (SEAD).

Các tiêm kích Wild Weasels có hệ thống tiếp nhận tín hiệu radar để xác định các hệ thống phòng thủ và được trang bị bom cũng như các tên lửa đặc biệt để nhắm vào radar. HARM là một biến thể mới nhất của các tên lửa không đối đất này, với trọng lượng 350 kg và tầm hoạt động 145 km, có thể xác định và tấn công các hệ thống radar, thậm chí sau khi chúng được tắt đi.

HARM hiệu quả tới nỗi nó không chỉ có khả năng áp chế mà còn được coi như một phương tiện phá hủy hệ thống phòng thủ của đối phương và từng được sử dụng trong các cuộc chiến ở Libya, Iraq và Nam Tư cũ. Tuy nhiên, sự xuất hiện của nó ở Ukraine là một bất ngờ bởi lực lượng không quân Ukraine sử dụng các chiến đấu cơ do Nga sản xuất vốn không tương thích với các vũ khí của NATO.

HARM không được gắn trực tiếp vào các máy bay chiến đấu của Ukraine mà thông qua các thiết bị điều chỉnh tạm thời. Các bức ảnh được chụp ở Ukraine cho thấy các tên lửa HARM được gắn vào cả MiG-29 và Su-27S.

Việc thiếu giao diện dữ liệu giữa máy bay chiến đấu và tên lửa có thể là một vấn đề tiềm ẩn với Ukraine. Thường thì HARM truyền thông tin từ đầu dò radar của nó tới phi công phụ trách phóng tên lửa nhằm vào một hệ thống radar khác. HARM có một chế độ được lập trình trước đơn giản hơn có thể xác định tọa độ hệ thống radar của kẻ thù trước khi cất cánh. Dù vậy, HARM sử dụng cách đánh lừa này không thể theo sát các mối đe dọa di động.

Các phi công Ukraine đã triển khai HARM "thành công", Lầu Năm Góc cho hay khi gần đây thông qua gói hỗ trợ bổ sung cho Kiev. Hiện nay, những người điều khiển radar tên lửa đất đối không của Nga có lẽ đã biết cách chỉ bật thiết bị của họ khi thu thập từ các nguồn thông tin khác để tránh việc trở thành mục tiêu.

Nếu họ để radar tiếp tục bật, HARM sẽ phá hủy nó. Điều đó cho phép các phi công Ukraine hoặc những người điều khiển UAV hoạt động tự do hơn để tránh rủi ro bị bắn hạ. Mỹ cũng đang phát triển các loại tên lửa để làm giảm ưu thế trên không mà Nga đang tận dụng cho tới nay trong cuộc chiến ở Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại