Các chiến binh Taliban đứng gác trước sân bay quốc tế Hamid Karzai, ở Kabul, Afghanistan, ngày 16/8. Hàng nghìn người đã tập trung tại sân bay của thủ đô Afghanistan hôm thứ Hai, lao vào đường băng và tìm cách lên máy bay trong nỗ lực chạy trốn trong tuyệt vọng sau khi Taliban lật đổ chính phủ do phương Tây hậu thuẫn. (Ảnh AP / Rahmat Gul) (AP)
Đối tượng hưởng lợi cuối cùng từ khoản đầu tư của Mỹ hóa ra lại là Taliban. Họ không chỉ giành lấy quyền lực chính trị mà còn cả hỏa lực do Mỹ cung cấp - súng, đạn dược, trực thăng và hơn thế nữa.
Taliban đã chiếm được một loạt thiết bị quân sự hiện đại khi khống chế các lực lượng Afghanistan, từ cấp huyện trở lên. Tiếp theo là những khí tài có giá trị lớn hơn, bao gồm cả máy bay tiêm kích, khi Taliban tấn công các thủ phủ và căn cứ quân sự của tỉnh lỵ với tốc độ đáng kinh ngạc.
Một quan chức quốc phòng Mỹ hôm thứ Hai xác nhận việc Taliban có được số lượng rất lớn các thiết bị quân sự của Afghanistan do Mỹ cung cấp. Quan chức này không được phép thảo luận vấn đề một cách công khai và vì vậy nói với điều kiện giấu tên.
Nhưng thực tế mà ông tiết lộ là một hậu quả đáng xấu hổ từ việc quân đội Mỹ cũng như các cơ quan tình báo Mỹ đánh giá sai khả năng sống còn của các lực lượng chính phủ Afghanistan: trong một số trường hợp, lính chính phủ Afghanistan đã chọn đầu hàng, giao nộp phương tiện và vũ khí hơn là chiến đấu với Taliban.
Việc Mỹ không xây dựng được một lực lượng cảnh sát và quân đội Afghanistan mạnh, và lý do dẫn đến sự sụp đổ của họ, sẽ được các nhà phân tích quân sự nghiên cứu trong nhiều năm. Tuy nhiên, kịch bản này rõ ràng và không khác những gì đã xảy ra ở Iraq.
Các lực lượng địa phương hóa ra rỗng tuếch, được trang bị vũ khí tối tân nhưng phần lớn thiếu yếu tố quan trọng là động lực chiến đấu.
“Tiền không mua được ý chí”, John Kirby, phát ngôn viên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, nói hôm thứ Hai.