Những câu chuyện đầy ám ảnh
Vào năm 2018, một cuộc hội ngộ đầy nước mắt giữa một cặp vợ chồng và cô con gái mất tích của họ sau cuộc tìm kiếm kéo dài 24 năm đã thu hút sự quan tâm của truyền thông và dư luận Trung Quốc lúc bấy giờ. Đây là trường hợp điển hình cho vấn nạn buôn bán trẻ em kéo dài dai dẳng ở quốc gia này.
Vợ chồng bà Liu Dengying, đến từ tỉnh Tứ Xuyên, đã phải trải qua một nỗi đau quá lớn khi người con gái 3 tuổi của họ vào năm 1994 đã đột ngột mất tích khi đang đứng chơi bên ngoài quầy trái cây của gia đình. "Chúng tôi đã tìm kiếm xung quanh, tất cả những nơi có thể nhưng đều không có kết quả gì", gia đình cho hay.
Kể từ đó, cặp vợ chồng từ bỏ công việc kinh doanh trái cây của họ trong nhiều năm để tập trung vào việc tìm kiếm và nhờ sự trợ giúp của cảnh sát địa phương cũng như các tổ chức phúc lợi. Tuy nhiên, những nỗ lực ấy đều trở nên vô ích và con gái của họ đã trở thành một trong số hàng chục ngàn trẻ em bị mất tích ở Trung Quốc mỗi năm.
Ông Wang, cha của đứa trẻ quyết định trở thành tài xế taxi vào năm 2015 với hy vọng một ngày nào đó ông sẽ gặp được người con gái mất tích của mình. Và sau những nỗ lực kiên trì không mệt mỏi, tin vui bất ngờ đã đến với họ. Vào đầu năm 2018, một người phụ nữ ở tỉnh Cát Lâm, cách xa nhà họ hàng ngàn km đã liên lạc với ông Wang sau khi biết được thông tin tìm con gái mất tích của gia đình trên Internet.
Cuộc hội ngộ đầy nước mắt của cô Kang Ying với cha mẹ đẻ sau 24 năm.
Người này cho hay con gái nuôi của họ rất giống với những gì mà gia đình mô tả. Kết quả xét nghiệm ADN cho thấy, cô Kang Ying chính là bé gái 3 tuổi mất tích năm nào. Hóa ra, Kang Ying đã bị một kẻ lạ bắt cóc và cô bị đem bán cho một cặp đôi hiếm muộn. Không lâu sau khi có thông tin xác thực về huyết thống, một cuộc hội ngộ xúc động đã diễn ra. Kang Ying là nạn nhân hiếm hoi của nạn bắt cóc và buôn bán trẻ em ở Trung Quốc, trở về được với gia đình.
Vào tháng 5/2001, cậu bé Yu Weifeng đã bị bắt cóc khi đang chơi đùa gần một công trường xây dựng nơi cha cậu làm việc. Ông Zheng, cha của đứa trẻ cho biết ông đã liên hệ ngay với cảnh sát khu vực và tìm mọi cách để biết được tung tích của con nhưng vô vọng. Vào năm 2019, sau 18 năm bị mất tích, Yu Weifeng cuối cùng có thể được đoàn tụ với gia đình.
Cảnh sát đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI (Artificial Intelligence) để dự đoán vẻ ngoài của đứa bé khi trưởng thành. AI có khả năng dự đoán với độ chính xác cao gương mặt hiện tại từ hình lúc nhỏ mà gia đình cung cấp.
Điều tra viên Zheng Zhenhai cho biết: "Khi chúng tôi tìm được Weifeng, cậu ấy không tin rằng mình từng bị bắt cóc, tuy nhiên, kết quả xét nghiệm DNA của cậu ấy cho ra kết quả trùng khớp với song thân của cậu bé mất tích năm xưa".
Cha Weifeng chia sẻ: "Chúng tôi rất biết ơn cha mẹ nuôi của thằng bé vì đã nuôi nấng nó suốt 18 năm. Kể từ giờ trở đi, cha nuôi của thằng bé sẽ là anh em của tôi, con trai tôi sẽ có hai người cha".
Yu Weifeng vào thời điểm bị bắt cóc.
Giây phút đoàn tụ xúc động của gia đình Yu Weifeng.
Những con số biết nói
Theo trang CGTN, câu hỏi "Có bao nhiêu trẻ em bị mất tích ở Trung Quốc mỗi năm?" dường như rất khó để có thể đưa ra một câu trả lời chính xác. Mặc dù vậy, theo các nhà nghiên cứu, con số này có thể ở mức 70.000 trẻ em. Và chỉ có 5% - thậm chí là ít hơn - trong số đó là may mắn được tìm thấy và đoàn tụ với gia đình.
Baobeihuijia.com (Baby Come Home) là trang web trực tuyến phi lợi nhuận nổi tiếng nhất của Trung Quốc, chuyên thu thập và cung cấp thông tin về trẻ em mất tích. Kể từ khi thành lập năm 2007 cho đến năm 2019, đã có hơn 48.000 gia đình đăng ký tìm con trên trang wed này. Baby Come Home tất nhiên không thể ghi nhận tất cả các trường hợp trẻ em mất tích trên toàn lãnh thổ Trung Quốc nhưng từ con số thống kê được có thể thấy phần nào vấn nạn nghiêm trọng đang đè nặng lên xã hội quốc gia này.
Trang CGTN đã dựa theo những thông tin đăng ký tìm con trẻ ở trên trang web này để đưa ra những tổng kết căn bản về vấn nạn bắt cóc và buôn bán trẻ em tại Trung Quốc. Theo đó, trẻ sơ sinh và bé trai từ 2-4 tuổi là nạn nhân chính của những đường dây buôn bán trẻ em. Mùa hè là thời điểm tội phạm buôn bán trẻ em hoành hành. Số tội phạm này tăng từ tháng 3 trở đi và đạt đỉnh vào tháng 7.
Nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh chia li sau khi con bị mất tích.
Theo số liệu thống kê, tình trạng trẻ em bị mất tích diễn ra trên khắp đất nước Trung Quốc nhưng chủ yếu tập trung tại các tỉnh Quý Châu, Tứ Xuyên, Quảng Đông và Hà Nam. Điều đáng buồn là rất ít gia đình có cơ hội tìm lại được những đứa con bị mất tích dù họ đã dành rất nhiều thời gian và tiền bạc, tìm đủ mọi cách nhưng vẫn không có được manh mối nào hoặc đó là manh mối sai đường.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa và là gốc rễ của nạn buôn bán trẻ em ở Trung Quốc xuất phát từ quan niệm xưa cũ cần có con trai nối dõi vẫn tồn tại trong nhiều gia đình hiện nay. Hệ lụy từ chính sách một con đã khiến nhiều cặp đôi chỉ sinh được con gái và họ đã tìm cách có được một bé trai để thỏa mãn ý nguyện của gia đình.
Bên cạnh đó, tình trạng các cặp đôi hiếm muộn cũng phổ biến ở Trung Quốc làm cho nhu cầu xin con nuôi gia tăng. Điều đáng nói là nhiều người không hề hay biết những đứa trẻ mà họ nhận nuôi lại là nạn nhân của một vụ bắt cóc trẻ em nào đó trong bệnh viện hay ở những nơi công cộng.
Dù chính quyền Trung Quốc đã thực thi nhiều biện pháp cứng rắn để ngăn chặn vấn nạn này nhưng trước nhu cầu lớn của "thị trường béo bở" này mà nhiều người bất chấp mọi thứ để thực hiện hành vi phạm pháp. Theo luật pháp nước này, những kẻ buôn bán trẻ em có thể bị phạt tù tới 10 năm hoặc bị kết án tử hình trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Chính phủ Trung Quốc cũng đã xây dựng hệ thống dữ liệu ADN nhằm giúp nỗ lực đoàn tụ của các gia đình diễn ra nhanh hơn và áp dụng sự tiên tiến của khoa học công nghệ để hỗ trợ các gia đình tìm được con em của họ bị mất tích trong nhiều năm.
Nguồn: CGTN, Thestar