Theo quan chức trên, việc nỗ lực đạt được một tuyên bố như vậy là "một vấn đề dĩ nhiên" bởi lẽ phi hạt nhân hóa là một trong 3 nội dung chủ chốt trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh liên Triều, cùng với vấn đề mang lại nền hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ liên Triều.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi một tờ báo đưa tin Hàn Quốc đang nỗ lực ra một tuyên bố về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến vào ngày 27/4 tới tại làng đình chiến Panmunjom.
Trong khi đó, hãng tin "Ariang" của Hàn Quốc cho biết, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 9/3 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề nghị một hiệp ước hòa bình để thay thế cho Thỏa thuận đình chiến năm 1953 giữa hai miền Triều Tiên.
Ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh vai trò cần thiết của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên - một động thái cho thấy Trung Quốc muốn duy trì ảnh hưởng trong giải quyết các vấn đề xung quanh bán đảo Triều Tiên sau các động thái ngoại giao dồn dập giữa Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên thời gian qua.
Tổng thống Donald Trump đã không đưa ra câu trả lời rõ ràng đối với đề nghị của nhà lãnh đạo Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh tiếp tục gây áp lực với Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, hãng tin "Kyodo News" của Nhật Bản cho rằng đề nghị về hiệp ước hòa bình của Bắc Kinh nhằm tiến hành cơ chế đàm phán 4 bên gồm Trung Quốc, Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc để thay thế cho cơ chế 6 bên, thêm Nhật Bản và Nga, đã bị trì hoãn trong thời gian dài. Những cuộc đàm phán 4 bên về tiến trình hòa bình bán đảo Triều Tiên đã được tổ chức từ năm 1996-1999. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận đã đi đến thất bại do phía Triều Tiên yêu cầu Mỹ rút lực lượng quân sự ra khỏi Hàn Quốc.
Về mặt kỹ thuật, hai miền Nam-Bắc Triều Tiên vẫn ở tình trạng chiến tranh sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 do hai bên không có một thỏa thuận hòa bình nào. Một thỏa thuận đã được thúc đẩy về việc ngừng bắn và thiết lập vùng biên giới giữa hai nước với tên gọi Vùng phi quân sự Triều Tiên (DMZ).
Ngày 3/4, các nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết Ngoại trưởng nước này Taro Kono đang lên kế hoạch cho chuyến thăm đầu tiên của ông đến Hàn Quốc vào tuần tới, ngay trước cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều.
Theo kế hoạch, ông Kono sẽ gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để đề nghị nhà lãnh đạo này đề cập đến vấn đề Triều Tiên bắt cóc các công dân Nhật Bản hồi những năm 70-80 trong cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 27/4 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Do thiếu một kênh liên lạc trực tiếp với ông Kim Jong-un, Nhật Bản dường như sẽ thông qua Tổng thống Hàn Quốc để theo đuổi một giải pháp cho vấn đề nói trên.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Kono sẽ gặp người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha để tìm kiếm sự hợp tác trong việc cải thiện quan hệ song phương, vốn đã bị rạn nứt sau những tranh cãi về vấn đề “phụ nữ mua vui”.