Tổng thống Trump rút quân khỏi Syria: Tuyên bố nước đôi với một mũi tên trúng nhiều đích

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Với những gì đã thể hiện đến nay về ý tưởng rút quân Mỹ khỏi Syria, ông Trump cho thấy là Washington có thể sẽ làm việc ấy chứ không nhất định sẽ làm việc ấy.

Giữa khi chiến sự vẫn diễn ra ác liệt ở Syria, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ sớm rút quân khỏi đất nước này và "để cho kẻ khác quan tâm đến Syria". Ông Trump tuyên cáo quyết sách nói trên theo cách đã trở nên rất đặc trưng cho phong cách cầm quyền của ông này là khiến cho cả những cộng sự liên quan nhiều nhất, trực tiếp nhất và chịu trách nhiệm chính về thực thi bị bất ngờ, giống như quyết định nhận lời gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Ông Trump cho biết Mỹ không chỉ sẽ rút quân mà còn rút sớm khỏi Syria trong khi các cộng sự như Bộ trưởng quốc phòng James Mattis vừa mới đây còn quả quyết Mỹ không có ý định rút sớm quân đội khỏi Syria mà sẽ còn ở lại đó lâu dài.

Người thay thế ông Rex Tillerson trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ là Mike Pompeo cho tới nay không thể hiện sự khác biệt quan điểm gì với người tiền nhiệm về chính sách của Mỹ đối với Syria. Ông Pompeo cũng như tân Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đều không muốn Mỹ nhanh chóng rút khỏi Syria như ông Trump vừa tuyên bố đơn giản vì đều còn muốn dùng Syria để đối phó Iran.

Tổng thống Trump rút quân khỏi Syria: Tuyên bố nước đôi với một mũi tên trúng nhiều đích - Ảnh 1.

Mỹ có khoảng hơn 2.000 binh lính ở Syria. Ảnh: Reuters

Toan tính của TT Trump

Ông Trump đưa ra quyết sách này một cách bất ngờ nhưng không phải quyết định theo ngẫu hứng. Rút quân Mỹ từ Syria về nước phù hợp với tinh thần và nội dung của khẩu hiệu và phương châm "Nước Mỹ trước hết" mà nay đã trở thành một thành tố hữu cơ của nhiệm kỳ cầm quyền của ông Trump.

Theo Lầu năm góc, Mỹ hiện có hơn 2.000 quân ở Syria, như thế đâu có nhiều nhặn gì nhưng ông Trump cần thông điệp từ đó cho đối nội, cho cử tri Mỹ là tổng thống đương nhiệm của họ quan tâm trước hết và tập trung tất cả cho trong nước chứ không bỏ công mất của nữa cho đâu đó ở bên ngoài nước Mỹ, tức là chính phủ của ông Trump kiên định chủ trương hạn chế can dự vào chuyện ở bên ngoài nước Mỹ.

Trước đấy, ông Trump cũng đã từng vài lần bộc lộ ý định này và trong nội bộ chính phủ Mỹ, ông Trump đã từng vài lần yêu cầu cộng sự chuẩn bị cho việc rút quân khỏi Syria. Ông Trump còn khẳng định quyết sách này bằng việc cắt 200 triệu USD đã được Bộ ngoại giao Mỹ hứa viện trợ tái thiết Syria.

Nếu chỉ như thế thôi thì đúng là ông Trump đã vừa có sự điều chỉnh chính sách và chiến lược quyết định nhất của Mỹ đối với Syria kể từ khi Mỹ can dự bí mật cũng như công khai vào nước này. Ở đây, ông Trump quyết như thế nhưng thực tế rồi đây không hẳn chắc chắn sẽ hoàn toàn như vậy. Bởi 3 lý do.

Thứ nhất, ông Trump cho biết Mỹ sẽ rút khỏi Syria khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị xoá sổ hoàn toàn ở đất nước này. Hiện tại, IS đã bị mất đi hơn 90% phạm vi lãnh thổ đã từng kiểm soát ở Syria. IS đã bị Nga và chính phủ Iraq coi như bị đánh bại.

Nhưng trên thực tế IS chưa hoàn toàn biến mất ở Syria và vì thế khi nào IS bị xoá sổ hoàn toàn ở Syria phụ thuộc vào cách nhìn nhận và lập luận của Mỹ, hay nói theo cách khác, ông Trump có thể thực hiện được ngay nhưng đồng thời cũng lại không bao giờ thực hiện được quyết sách nói trên.

IS như đã có lâu nay không còn tồn tại nhưng phiến quân và ý thức hệ cực đoan của IS vẫn còn dao dẳng ở Syria và sau IS sẽ có những tổ chức Hồi giáo cực đoan khác.

Thứ hai là ông Trump nổi tiếng về thay đổi quan điểm chính sách. Cho nên ở ông này, nghe những tuyên cáo chính sách chưa đủ mà còn phải chờ xem hành động cụ thể.

Thứ ba, nếu Mỹ rút quân khỏi Syria như ông Trump tuyên cáo thì được lợi nhiều nhất chỉ có thể là chính thể hiện tại của tổng thống Bashir al-Assad ở Iraq, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như phe hậm hực nhất sẽ bao gồm những đồng minh quân sự chiến lược của Mỹ ở khu vực như lực lượng nổi dậy chống chính phủ ở Syria, Ả rập Xê út hay Israel.

Tổng thống Trump rút quân khỏi Syria: Tuyên bố nước đôi với một mũi tên trúng nhiều đích - Ảnh 3.

Điều này chắc chắn rồi sẽ khiến ông Trump không thể không cân nhắc lại quyết sách hoặc sẽ phải rất thận trọng khi triển khai thực hiện.

Quyết sách này được ông Trump đưa ra trong bối cảnh tình hình ông Trump đang quyết liệt thay thế nhân sự chính quyền và gặp bê bối mới cùng với khó khăn cũ ở nước Mỹ. Đối ngoại vì thế được phát huy tác dụng phục vụ đối nội, giúp ông Trump đánh lạc hướng sự quan tâm của dư luận, thể hiện quyền uy tuyệt đối trong chính phủ, răn đe cả cộng sự cũ (ông Mattis) lẫn cộng sự mới (ông Pompeo và ông Bolton).

Với những gì đã thể hiện đến nay về ý tưởng rút quân Mỹ ra khỏi Syria, ông Trump cho thấy là có thể sẽ làm việc ấy chứ không phải là sẽ phải làm việc ấy.

Tiêu đề do Tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại