Khuất lấp dưới những vấn đề chiến sự thuần túy, niềm kiêu hãnh một thời của hải quân Mãn Thanh đã bị tàn phá bởi chính những vấn đề trong nội bộ nhà Mãn Thanh.
Cái chết của "đoàn mãnh sư trên biển"
Đó là cuộc chiến tranh Trung - Nhật lần thứ nhất, bắt đầu vào năm 1894, khi cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều đưa quân vào lãnh thổ Triều Tiên, và đọ sức với nhau ở đó. Triều Thanh, vốn đã lụn bại sau cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc, muốn vãn hồi uy thế xa xưa của "thiên tử".
Trong khi đó, sau cuộc Minh Trị Duy Tân, Nhật Bản mỗi ngày một cường thịnh. Họ tiến rất nhanh, với mức phát triển tiệm cận các cường quốc phương Tây, đặc biệt là về lĩnh vực hàng hải. Họ cũng xem Triều Tiên là "ngoại thổ" của mình, bất kể việc Trung Quốc coi Triều Tiên là nước "phiên thuộc" truyền thống. Và điều gì phải đến đã đến.
Soái hạm Định Viễn của hạm đội Bắc Dương.
Hạm đội Bắc Dương - "đứa con cưng" của Tổng đốc Trực Lệ Lý Hồng Chương, người cùng Tăng Quốc Phiên và Tả Tông Đường có công rất lớn trong việc trấn áp Thái Bình Thiên Quốc - được giao nhiệm vụ chủ lực. Song, lần này, đoàn chiến thuyền ấy đã gặp phải một địch thủ quá mạnh, và quá quyết tâm.
Đầu tiên, trận Phong Đảo (ngày 25-7-1894, tại vịnh Asan), bốn tàu Bắc Dương bị tập kích bởi 3 tuần dương hạm Nhật Bản. Tàu Tế Viễn chạy trốn. Tàu phóng lôi Quảng Ất và tàu vận tải Cao Thăng bị bắn chìm.
Tàu Thao Giang bị bắt. Hạm đội Bắc Dương mất 1.100 quân, trong khi quân Nhật không tổn thất một người nào. Ngay lập tức sau đó, Nhật Bản thành lập một hạm đội liên hợp cực mạnh gồm 12 tàu, gấp gáp tiến vào Hoàng Hải, nỗ lực đánh chiếm các cứ điểm đầu cầu để bộ binh đổ bộ.
Lý Hồng Chương, người mắc kẹt trong những ván bài quyền lực của một chế độ mục ruỗng.
Lý Hồng Chương cũng tức tốc điều động 10 chiến hạm cùng 2 tàu phóng lôi đến chi viện, dưới quyền chỉ huy của đô đốc Đinh Nhữ Xương. Đinh Nhữ Xương chia hải đoàn thành hai cánh, tiến theo hình bán nguyệt, với hai thiết giáp hạm Trấn Viễn và Định Viễn ở trung tâm. Song, ngày 17-9-1894, hạm đội liên hợp Nhật Bản đã tiến vào chiếm được ưu thế về địa hình ở cửa sông Áp Lục trước, dàn trận đợi sẵn.
* Từ năm 1861 đến năm 1888, tổng cộng chi phí dành cho Hạm đội Bắc Dương là 100 triệu lạng bạc. Trong khi đó, từ 1868 đến 1894, hạm đội liên hợp Nhật Bản chỉ nhận 900 triệu yên, tương đương 60 triệu lạng bạc.
* Tỷ lệ thiết giáp hạm giữa hạm đội Bắc Dương và hạm đội liên hợp Nhật Bản là 6-1. Tỷ lệ pháo hạm của các tàu Trung Quốc cũng vượt trội, bất kể cỡ nòng nào. Tàu Nhật Bản chỉ có chút ít ưu thế về tốc độ, khi đạt vận tốc nhanh hơn tàu Bắc Dương khoảng 1,44 hải lý/giờ.
Các pháo hạm Nhật Bản thoải mái nhả đạn, trong khi pháo hạm Bắc Dương rất khó xác định mục tiêu cũng như tầm bắn. Những tàu nhỏ của Bắc Dương bị trúng đạn, loại khỏi vòng chiến trước. Sau đó, đến lượt các tàu chủ lực, từng tàu một, đầu đuôi không cứu được nhau.
Kết thúc giao tranh ngày 17-9-1894, hạm đội Bắc Dương bị bắn chìm 5 tàu, bắn hỏng 3 tàu, chết 850 người, bị thương 500 người. Số tàn quân còn lại bắt buộc phải tháo chạy. Đổi lại, hạm đội liên hợp Nhật Bản chỉ mất 190 thủy thủ, bị thương 200 người và bị hỏng 4 tàu.
Thừa thắng xông lên, Minh Trị Thiên hoàng ra lệnh cho các tướng quân của mình đánh chiếm Lữ Thuận và cửa Uy Hải, tạo thế hợp vây ngay trên bờ biển Trung Quốc.
Với sĩ khí ngất trời, bộ binh Nhật Bản nhanh chóng chiếm được các pháo đài, quay nòng pháo bắn vào đám tàn tích của hạm đội Bắc Dương - vốn đang khốn đốn trước sức tấn công mãnh liệt của 25 tàu chiến cùng 16 tàu phóng lôi Nhật Bản. Chiến sự diễn ra suốt 23 ngày, từ ngày 20-1 đến ngày 12-2-1895, và kết thúc với việc Đô đốc Đinh Nhữ Xương phải đầu hàng.
Hải đoàn "mạnh nhất châu Á" và "lớn thứ tám thế giới" ngày nào, xem như đã hoàn toàn bị "xóa phiên hiệu".
Nhà dột từ nóc
Nếu chỉ nhìn vào diễn biến của chiến dịch trên, không ai có thể hình dung nổi hạm đội Bắc Dương từng xứng đáng được mệnh danh bằng những khái niệm "kêu loảng xoảng" đến như vậy. Song, thực tế, khi mới xuất hiện, đoàn thuyền đó là một thực thể hoàn toàn khác.
Hạm đội Bắc Dương được thành lập năm 1861, và được tập trung đầu tư với chi phí khổng lồ trong hơn 10 năm sau đó. Trong biên chế của nó, Định Viễn và Trấn Viễn là những thiết giáp hạm cỡ lớn (lượng giãn nước 7.300 tấn) đặt mua từ Đức,với mỗi tàu 4 đại pháo cỡ nòng 30,5cm, được bọc thép dày 46cm, là những tàu chiến đáng sợ nhất trên mặt biển châu Á thời điểm đó.
Đại chiến Áp Lục giang trong tranh Nhật Bản.
Số tàu còn lại cũng đều được mua từ Đức và Anh - các cường quốc công nghiệp phương Tây. Suốt chừng ấy năm, uy thế của hạm đội Bắc Dương đủ sức "dọa nạt" mọi địch thủ ven duyên hải Trung Quốc.
Tuy nhiên, ở bất cứ lĩnh vực nào, vấn đề quan trọng nhất vẫn là con người, và con người thì luôn luôn có thể bị tác động bởi hoàn cảnh.
Từ các thủy thủ đoàn thiện chiến và kỷ luật, được trui rèn trong chiến đấu với quân Thái Bình Thiên Quốc ban đầu, khi chiến tranh Trung - Nhật lần thứ nhất xảy ra, hạm đội Bắc Dương chỉ còn là tập hợp lộn xộn của những con người ưa hưởng thụ, sĩ khí thấp, hầu như không có năng lực tác chiến, hèn nhát, và cả những người lính thiếu ăn hoặc bị nợ lương. Trong tình cảnh ấy, một chút danh dự quân nhân họ cũng khó mà giữ được.
Chuyện kể rằng trong trận đánh cuối, lúc Đinh Nhữ Xương trúng đạn bị thương, không một phó thủ nào dám đứng ra thay ông chỉ huy. Khi kết cục thất bại đã là không thể thay đổi, Đinh Nhữ Xương ra lệnh đánh chìm các tàu, nhưng không ai chấp hành. Bởi vậy mà tất cả các chiến hạm của Bắc Dương, nếu không bị bắn chìm thì đều bị bắt sống.
Ai đã tạo nên tất cả những thảm cảnh ấy, những thay đổi đầy bi kịch ấy? Chính là Lý Hồng Chương cùng các địch thủ chính trị của mình. Hay nói đúng hơn, là chế độ chính trị thối nát và hủ bại thời Từ Hy Thái Hậu lộng quyền.
Từ năm 1891, mọi ngân sách dành cho Hạm đội Bắc Dương bị đình chỉ, chuyển sang phục vụ việc xây Di Hòa Viên ở Bắc Kinh. Song, trước đó, phái "thân Tây" của Lý Hồng Chương - một quan chức người Hán - đã là cái gai trong mắt các quý tộc người Mãn.
Họ xem việc Lý Hồng Chương đòi hỏi các đặc quyền cho Hạm đội Bắc Dương cũng như quân đội là vun vén vinh hoa cho bản thân mình.
Không chỉ vậy, việc Lý Hồng Chương nắm binh quyền lớn cũng tạo nên những mối lo ngại về nguy cơ soán đoạt, nhất thiết phải đề phòng. Hạm đội Bắc Dương và "Hoài quân" của Lý Hồng Chương càng lớn mạnh, quý tộc Mãn Thanh càng khó mà chấp nhận.
Cho phép phát triển hạm đội Bắc Dương hay không, không còn là vấn đề an ninh quốc phòng nữa. Câu chuyện ấy trở thành một quân bài đổi chác quyền lực giữa các đại thần tại triều.
Trong khi đó, những tệ nạn thâm căn cố đế của xã hội Trung Quốc như tham nhũng hay vô kỷ luật lại cũng làm xói mòn rất nhanh sức chiến đấu của các thủy thủ Bắc Dương.
Điều lệ hải quân Bắc Dương quy định sĩ quan không được đặt văn phòng và công quán, phải ở trên tàu cả năm, nhưng chính Đinh Nhữ Xương lại xây nhà ở đảo Lưu Công (vốn là đất công), rồi cho các sĩ quan hải quân dưới quyền mình thuê. Ban đêm, tới một nửa quân số không ở dưới tàu.
Lý Hồng Chương cũng biết, nhưng không có cách nào cản được. Trước khi tuyên chiến với Nhật Bản một ngày, ông mới phát lệnh triệu tập tất cả các thủy thủ về tàu. Thủy thủ lên bờ, thì đánh bạc, chơi gái và những tệ nạn khác làm sao có thể kiểm soát? Đến cuối cuộc chiến, chỉ huy tàu Uy Viễn là Lâm Dĩnh Khải vẫn còn bỏ trực rời tàu để lên bờ hưởng lạc.
Một đội quân như thế, vào trận đương nhiên là hỗn loạn. Một đội quân như thế, dù có tàu to súng lớn, cũng sao có thể là đối thủ của quân Nhật trọng danh dự và nghiêm minh kỷ luật. Huống gì, từ thời những đám Oa khấu (cướp biển Nhật Bản) tàn phá duyên hải Trung Quốc thời Minh, các chiến binh Nhật đã đủ sức khinh miệt tinh thần chiến đấu của người Trung Quốc rồi…