Hai vũ khí Nga phương Tây không có đối trọng, nằm ngoài sức tưởng tượng của Mỹ

Trần Tuân |

Hai loại vũ khí mới của Nga là hệ thống chống vệ tinh (ASAT) Nudol và tổ hợp chế áp thông tin vệ tinh Triada-2S gần như rất hiếm khi được nhắc tới trước đây.

Ngày 2/7, trong bài trả lời phỏng vấn trên tờ VPK, Phó Thủ tướng phụ trách Công nghiệp Quốc phòng Nga, ông Iurri Borisov đã nhắc tới 6 loại vũ khí mang tầm chiến lược của nước này và khẳng định phương Tây hoàn toàn không có bất cứ hệ thống vũ khí nào (ít nhất là ở thời điểm hiện tại) có thể đối đầu với chúng, bao gồm:

1) Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hạng nặng Sarmat;

2) Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Sukhoi Su-57;

3) Xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ tiếp theo T-14 Armata;

4) Hệ thống phòng không tầm xa S-500;

5) Hệ thống chống vệ tinh di động Nudol;

6) Hệ thống chế áp thông tin vệ tinh cơ động trên mặt đất Triada-2S;

Trong số 6 hệ thống vũ khí nêu trên, 4 loại đầu tiên đã ít nhiều được Nga hé lộ và cũng tốn không ít giấy mực của báo giới, thậm chí một số từng xuất hiện công khai trước công chúng.

Thế nhưng, 2 loại vũ khí cuối cùng (5 và 6) là hệ thống chống vệ tinh (ASAT) Nudol và tổ hợp chế áp thông tin vệ tinh Triada-2S gần như rất hiếm khi được nhắc tới trước đây.

Hệ thống chống vệ tinh di động Nudol

Theo một diễn đàn mạng xã hội của Nga, hình ảnh của tổ hợp vũ khí Nudol được cho là đã xuất hiện trong cuốn lịch phát hành nội bộ của Tập đoàn vũ khí Almaz-Antey và đây chính là hình dáng bên ngoài được phác thảo lại của Nudol.

Hai vũ khí Nga phương Tây không có đối trọng, nằm ngoài sức tưởng tượng của Mỹ - Ảnh 1.

Hình ảnh được cho là của tổ hợp vũ khí Nudol xuất hiện trong cuốn lịch phát hành nội bộ của Tập đoàn Almaz-Antey

Mặc dù nhìn có vẻ hấp dẫn nhưng hình ảnh đó thực tế chẳng bộc lộ được gì nhiều về Nudol. Một xe mang phóng tự hành (TEL), hai ống phóng tên lửa, chẳng khác gì cấu trúc của S-300V, không có nhiều thứ để bàn!

Tuy nhiên, một nguồn tin khác của Nga lại xác nhận, Nudol thực chất là cấu phần của một tổ hợp lớn hơn có tên gọi "A-235/RTT-181M/OKR Samolket-M", được hình thành từ ba hệ thống riêng biệt, bao quát các tầm tấn công: tầm xa, tầm trung và tầm gần.

Nếu thông tin trên là chính xác thì điều đó đồng nghĩa với việc, trong khi xe mang phóng Nudol là phương tiện cơ động thì nó vẫn sẽ nhận được dữ liệu mục tiêu từ các tổ hợp radar cả cơ động và cố định của Nga.

Nguồn tin tên cũng khẳng định, các hệ thống này sẽ được tích hợp đầy đủ với tổ hợp radar cảnh báo sớm khổng lồ của Nga là Don-2N (có thể là cả Vorenezh và Darial).

Nhiều tài liệu khác cho thấy, Nga đã bắt đầu nghiên cứu khái niệm về loại vũ khí chống vệ tinh từ những năm đầu thập niên 1990 và tới tận ngày nay – tức sau gần 30 năm, chúng vẫn đang trong quá trình phát triển.

Mặc dù vậy, một số cấu phần của tổ hợp vũ khí chống vệ tinh, như bản thân Nudol chẳng hạn, dường như đã tiến tới rất gần sự hoàn thiện.

Ở đây, rất cần phải nhấn mạnh thêm rằng, hệ thống tên lửa phòng không S-500 dự kiến thay thế cho S-300 và S-400 trong tương lai, ngoài khả năng chống tên lửa đạn đạo và máy bay, cũng được cho là sẽ sở hữu các khả năng tiêu diệt vệ tinh ở quỹ đạo tầm thấp.

Mặc dù các thông số cụ thể về loại vũ khí này chưa được tiết lộ hết nhưng vẫn có thể nhận ra rằng Nga đã quyết định xây dựng một hệ thống phòng thủ đa tầng nhưng lại được tích hợp đầy đủ các chức năng, vừa chống tên lửa đạn đạo vừa chống vệ tinh, và sẽ sớm được triển khai trong vòng vài năm tới đây.

Hai vũ khí Nga phương Tây không có đối trọng, nằm ngoài sức tưởng tượng của Mỹ - Ảnh 2.

Tổ hợp radar giám sát vũ trụ Don-2N ngày nay là một trong những cấu phần của hệ thống phòng thủ tên lửa Nga

Hệ thống chế áp thông tin vệ tinh Triada-2S

Khi đề cập tới khả năng chống vệ tinh của Nga, người ta thường nhắc tới không phải 1 mà là 2 hệ thống. Thứ nhất là tổ hợp chống vệ tinh di động Rudolf và thứ hai là tổ hợp phá hủy thông tin vệ tinh cơ động Triada-2S.

Các nguồn tin ở Nga thường đề cập tới Rudolf như là một hệ thống tấn công di động, nghĩa là nó có thể phá huỷ hoàn toàn (về mặt vật lý) các vệ tinh mục tiêu, còn Triada-2S lại là hệ thống làm nhiệm vụ phá hủy thông tin điện tử của vệ tinh, mà theo cách gọi của người Nga là "chế áp".

Cũng giống như trường hợp của Nudol, Triada-2S hiện vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chưa được triển khai.

Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, Liên Xô trước đây đã từng phát triển một số khả năng chống vệ tinh, trong đó có tên lửa 79М6 (bắn từ tiêm kích đánh chặn MiG-21D) và hệ thống tên lửa đặt trên mặt đất Rokot/Nariad-V.

Thực tế, toàn bộ thông tin về các loại vũ khí nói trên đều được xếp vào hàng tuyệt mật và thông số chi tiết không được tiết lộ một cách đầy đủ nhưng việc các quan chức cấp cao của Nga cố tình để lộ thông tin về các tổ hợp vũ khí này chứng tỏ mọi hoạt động liên quan vẫn đang tiếp diễn và Moscow đang rất quyết tâm phát triển một khả năng chống vệ tinh mạnh mẽ.

Có lẽ, việc để lộ những loại vũ khí tác chiến vũ trụ của Nga cũng chính là câu trả lời cho việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định thành lập Binh chủng Vũ trụ trong tương lai.

Cận cảnh vụ phóng tên lửa đánh chặn mới 53Т6М của hệ thống A-235 Nudol

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại