Gần 2 thập kỷ "thai nghén" tuyến đường sắt tốc độ cao
Ngày 20/9, Ban chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao 350km/h trên trục Bắc - Nam để trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.
Đây là "một quyết định vô cùng sáng suốt và hết sức kịp thời, nhất là với điều kiện, quy mô, sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời điểm này", ông Đặng Sỹ Mạnh - Chủ tịch Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nhấn mạnh.
Ngược lại thời gian, để có được kết quả ngày hôm nay, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được "thai nghén" suốt gần 2 thập kỷ. Cụ thể, từ năm 2005, Chính phủ đã giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư để nghiên cứu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Nghiên cứu được thực hiện bởi Liên danh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản (liên danh VJC).
Sau nhiều năm nghiên cứu, đến năm 2009, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án được Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua và Bộ Chính trị tán thành về chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, tại Kỳ họp tháng 5/2010, dự án chưa được Quốc hội thông qua.
Trong suốt nhiều năm tiếp theo, Bộ GTVT đã rà soát, cập nhật bổ sung hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Quá trình nghiên cứu, Bộ tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến của các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học và có nhiều buổi làm việc với 20 tỉnh, thành phố có dự án đi qua.
Đến tháng 2/2019, Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và 5 tháng sau đó, vào ngày 11/7/2019, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 859 thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Từ năm 2019 đến nay, Chính phủ đã có hàng loạt các động thái mới giúp thúc đẩy dự án tiến đến dấu mốc quan trọng tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.
Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã giao Ban cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định. Trung ương cũng yêu cầu việc chuẩn bị hồ sơ cần tiếp tục được thực hiện thật kỹ lưỡng để xin ý kiến Quốc hội, cùng với đó là một số cơ chế chính sách đặc thù để huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư dự án, vấn đề áp dụng công nghệ và làm chủ công nghệ để các đại biểu Quốc hội cho ý kiến ngay tại kỳ họp sắp tới.
"Để chúng ta có một tuyến đường sắt đáp ứng các yêu cầu theo định hướng của Trung ương, tôi cho rằng Quốc hội sẽ bàn và sẽ có những ý kiến trao đi đổi lại, thảo luận, tranh luận để chúng ta đưa ra phương án tốt nhất để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương đã đặt ra", ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết.
Nếu được Quốc hội thông qua trong kỳ họp sắp tới, sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc để dự án Đường sắt tốc độ cao sớm được khởi công, thực hiện hóa giấc mơ đi tàu tốc độ cao của hàng chục triệu người dân.
Tuyến đường sắt chưa bao giờ cấp thiết như hiện nay
Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị có liên quan, đường sắt tốc độ cao có thể đóng góp khoảng 1 điểm % tăng trưởng GDP mỗi năm. Thêm vào đó, dự án này cũng sẽ tăng cường kết nối vùng miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan toả, mở ra không gian phát triển kinh tế mới.
"Tuyến đường sắt tốc độ cao được Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT những nghiên cứu đầu tiên từ năm 2005 và chưa bao giờ nó trở nên cấp thiết như hiện nay. Việc đầu tư dự án đã được nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng trong và việc đầu tư này là hiện thực hoá chỉ đạo của Đảng, hiện thực hóa quy hoạch tổng thể quốc gia", ông Nguyễn Danh Huy - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải đánh giá.
Đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã có chia sẻ về mục tiêu của ngành Giao thông vận tải trong năm 2024 trên Đài truyền hình Việt Nam trong đó nhấn mạnh dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án có tầm chiến lược với quốc gia và dân tộc, giúp tạo động lực đột phát để phát triển kinh tế xã - hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.
Người đứng đầu Bộ GTVT cũng khẳng định đây là dự án có tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ phức tạp, sử dụng nguồn vốn đặc biệt lớn, cũng như là dự lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Do đó dự án cần được nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới song cũng phải phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Nói về khả năng đầu tư của đại công trình này vào hồi tháng 6 vừa qua, ông Thắng khẳng định hiện Việt Nam đã hội đủ điều kiện để đầu tư đường sắt tốc độ cao. Bộ trưởng Bộ GTVT dẫn chứng GDP hiện cao gấp 4 lần thời điểm 2010, tiềm lực tài chính tăng nhiều lần, nợ công chỉ khoảng 37%...
"Dù vay hay không vay vốn ODA, Việt Nam vẫn cần triển khai dự án và phải đảm bảo được hai điều kiện quan trọng: Chuyển giao công nghệ; thời gian triển khai nhanh, phấn đấu trong 5 năm…"- báo Pháp luật TP HCM dẫn lời ông Thắng nhấn mạnh.
Theo dự kiến, dự án đường sắt tốc độ cao sẽ đi qua 20 tỉnh, TP từ Hà Nội đến TP.HCM qua hàng chục nhà ga với tốc độ lên tới 350km/h. Với tốc độ này hành khách đi từ Hà Nội tới TP.HCM chỉ mất khoảng hơn 5 tiếng.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.541km, vốn đầu tư dự kiến 65-70 tỷ USD, với cấu trúc đường đôi, khổ 1.435mm, sử dụng điện khí hóa, và hạ tầng được thiết kế cho tốc độ tối đa lên đến 350km/h.
Tuyến đường sẽ khởi hành từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố, và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TPHCM). Toàn tuyến sẽ có 23 ga phục vụ hành khách, với khoảng cách trung bình giữa các ga là 67km, cùng với 5 ga hàng hóa được đặt tại các khu vực giao thương chính.
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất ưu tiên nguồn lực để khởi công hai đoạn Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang với tổng chiều dài khoảng 642km vào cuối năm 2027. Đoạn Vinh - Nha Trang, dài khoảng 899km, dự kiến sẽ được khởi công trước năm 2030.
Tuyến đường sắt tốc độ cao phấn đấu tới 2035 phải hoàn thành đưa vào khai thác.