2 tàu cực mạnh dành cho Hải quân Nga "lỗi hẹn"
Hai con tàu này vốn được đóng dựa trên 2 khung thân tàu tên lửa tấn công nhanh đề án 1242.1 lớp Molniya đang đóng dở. Hợp đồng này được nhà máy đóng tàu Vympel ký với Bộ Quốc phòng Nga vào năm 2016.
Dự kiến ban đầu thì 2 tàu sẽ được biên chế cho Hải quân Nga lần lượt vào tháng 11/2018 và tháng 11/2019.
Tuy nhiên, thông tin mới nhất từ nhà máy đóng tàu Vympel cho biết thì phải sớm nhất đến năm 2021 thì chiếc đầu tiên mới được chuyển giao cho Hải quân Nga, với chiếc thứ 2 thì thời hạn này là năm 2022. Hình ảnh mới nhất của 1 trong 2 chiếc tàu này đã minh chứng cho điều này, khi mức độ hoàn thiện mới chỉ đạt khoảng 55-60%.
Hình ảnh mới nhất của 1 trong 2 tàu tên lửa đề án 1241.8 đang đóng cho Hải quân Nga. Nguồn ảnh: nhà máy đóng tàu Vympel
Thay vì sử dụng thiết kế như ở các tàu đề án 1241.8 của Ấn Độ, Turkmenistan và Việt Nam, 2 tàu Molniya của Hải quân Nga được thiết kế lại toàn bộ phần thượng tầng với thiết kế tàng hình và thẩm mỹ cao hơn.
Đặc biệt, thiết kế mới đã có thay đổi một số vũ khí trên tàu, cụ thể:
- Giảm số lượng bệ phóng KT-184 từ 4 bệ (với 16 ống phóng) của thiết kế cũ còn 2 bệ (với 8 ống phóng) ở thiết kế mới. Các bệ phóng KT-184 này được đặt ngang thân tàu thay vì đặt dọc như thiết kế cũ
- Lắp pháo AK-176MA với thiết kế tàng hình (thay cho tháp pháo kiểu cũ).
- Lắp 2 pháo bắn nhanh AK-630M với dạng tháp pháo tàng hình (thay cho tháp pháo kiểu cũ).
- Radar Pozitive-ME được loại bỏ, chỉ sử dụng radar dẫn bắn Garpun/Monument.
Mô hình tàu tên lửa đề án 1241.8 với thiết kế mới đóng cho Hải quân Nga.
Thiết kế nguyên bản của tàu tên lửa đề án 1241.8. Trong ảnh là 1 trong 2 tàu đóng cho HQND Việt Nam đang thử nghiệm ở Nga.
Việc Nga quyết định tiếp tục hoàn thiện 2 con tàu đóng dở thành đề án 1241.8 với thiết kế mới là một điều khá bất ngờ. Do hiện nay, Hải quân Nga ưu tiên đóng các tàu tên lửa cỡ nhỏ đề án 21631 lớp Buyan-M và đề án 22800 lớp Karakurt với tên lửa Kalibr uy lực hơn.
Ngay cả việc nhà máy đóng tàu Vympel kéo dài thời gian hoàn thiện 2 tàu một phần cho thấy Hải quân Nga cũng không quá mặn mà với mẫu tàu này (với các mẫu tàu Buyan-M và Karakurt thì các nhà máy tập trung đóng nhanh để sớm vào biên chế Hải quân Nga).
Vậy Hải quân nhân dân Việt Nam có nên mua lại 2 tàu này?
Câu trả lời là hoàn toàn có thể.
Việc Viện Thiết kế hàng hải Trung ương Almaz điều chỉnh lại gần như toàn bộ của mẫu tàu đề án 1241.8 chỉ cho 2 con tàu dường như cho thấy họ muốn chào thiết kế mới cho các khách hàng nước ngoài, do Hải quân Nga không tiếp tục đóng mới các tàu lớp Molniya (ngoại trừ 2 con tàu tiếp tục hoàn thiện kia).
Nếu như Việt Nam ngỏ lời thì Nga nhiều khả năng hoàn toàn sẵn lòng bán lại 2 tàu này và tiếp tục hoàn thiện hoặc bàn giao để chúng ta tự hoàn thiện trong nước.
Mặc dù sử dụng thiết kế mới, nhưng 2 tàu đề án 1241.8 của Nga cũng chung khung thân như các tàu lớp Molniya khác, tức là chung khung thân với các tàu đề án 1241.8 hay 1241RE của Hải quân Việt Nam.
Trang bị vũ khí trên tàu cũng tương tự như trên các tàu đề án 1241.8 của ta nên đảm bảo cho việc đồng bộ khí tài cũng như dễ dàng trong vận hành.
Hiện tại, Hải quân nhân dân Việt Nam có 8 tàu tên lửa đề án 1241.8 (2 tàu mua nguyên chiếc từ Nga và 6 tàu đóng trong nước). Kế hoạch đóng thêm các tàu đề án 1241.8 dường như đang chững lại.
Việc mua lại 2 tàu đề án 1241.8 của Nga sẽ giúp nhanh chóng gia tăng số lượng tàu tên lửa hiện đại trong biên chế của Hải quân Việt Nam.