Hải quân Nga sẽ phát triển thủy phi cơ tấn công

THUỲ LINH |

Trước năm 2027, Hải quân Nga sẽ nhận được nguyên mẫu thử nghiệm của thủy phi cơ Orlan. Loại thủy phi cơ này sẽ được sử dụng để bảo vệ tuyến đường biển phía Bắc, cũng như làm nhiệm vụ tuần tra vùng Biển Đen và Biển Caspi.

Theo các chuyên gia, Orlan sẽ trở thành một vũ khí hiện đại có hiệu quả chiến đấu cao và vô hình trước radar của đối phương.

Theo Hãng tin RT, Phó thủ tướng Nga Yuri Borisov đã thông báo với các phóng viên rằng, việc phát triển nguyên mẫu thử nghiệm của thủy phi cơ Orlan nằm trong Chương trình vũ khí nhà nước giai đoạn năm 2018-2027.

Thiết bị bay mới nhất này sẽ có thể được trang bị tên lửa. Ông Yuri Borisov cho biết, Orlan sẽ được sử dụng để bảo vệ tuyến đường biển phía Bắc, Biển Đen và Biển Caspi. Ngoài ra, thiết bị bay này sẽ tham gia vào các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ.

"Lính đột kích"

Thủy phi cơ chính là loại con tàu đệm khí đa năng. Thiết bị bay này có thể bay ở độ cao cách mặt nước khoảng 1m với tốc độ lên tới 500km/h. Cơ chế này tạo ra một hiệu ứng màn hình, trong đó không khí nén làm tăng lực nâng. Sử dụng năng lượng của dòng không khí tràn tới, thủy phi cơ có thể bay mà không tốn nhiều nhiên liệu.

Do đó, thủy phi cơ được coi là phương tiện di chuyển kinh tế hơn máy bay và trực thăng. Ngoài ra, chuyến bay ở độ cao thấp khiến thủy phi cơ gần như trở nên vô hình đối với thiết bị radar của đối phương.

Hải quân Nga sẽ phát triển thủy phi cơ tấn công - Ảnh 1.

Thủy phi cơ lớp Orlyonok. Nguồn: Wikipedia.

"Thiết bị này di chuyển nhanh hơn rất nhiều so với bất kỳ con tàu nào (tốc độ tối đa hiếm khi vượt quá 30 hải lý (55 km/h). Bên cạnh đó, "thủy phi cơ thường ít gây chú ý hơn so với các máy bay hiện đại", nhà bình luận của Tạp chí Kho vũ khí Tổ quốc Dmitry Drozdenko nhận xét.

Theo lời giải thích của vị chuyên gia này, Hải quân Nga có thể sử dụng thủy phi cơ để thực hiện đòn tấn công bất ngờ đối với các nhóm tàu sân bay hoặc vận chuyển lính đổ bộ. Thủy phi cơ có thể bí mật tiếp cận kẻ thù và nhanh chóng rời khỏi vị trí bắn và khu vực bị ảnh hưởng sau khi ra đòn tấn công.

Vấn đề hạn chế của thủy phi cơ là kém ổn định theo chiều dọc. Điều này được thể hiện rõ ràng trong thực tế khi thủy phi cơ thay đổi độ cao thì mũi thủy phi cơ không ổn định và có thể chạm vào mặt nước hoặc khó nâng lên.

Bên cạnh đó, bình luận viên Dmitry Drozdenko nói thêm: "Thủy phi cơ cũng bị giới hạn về khối lượng vũ khí có thể mang trên boong. Rõ ràng, tổ hợp tên lửa Kalibr không thể đặt được trên thiết bị bay này. Tuy nhiên, ngành công nghiệp vũ khí hiện đại có thể chế tạo cho thủy phi cơ một vũ khí hạng nhẹ và mạnh mẽ".

Những thăng trầm

Công tác phát triển thủy phi cơ đã được bắt đầu ở Liên Xô vào những năm 1950. Đơn vị đứng đầu về ý tưởng thiết kế là Phòng Thiết kế Trung ương Alekseev ở Nizhny Novgorod.

Năm 1979, Hải quân Nga đã tiếp nhận tàu đổ bộ-thủy phi cơ Đề án 904 lớp Orlyonok vào trang bị. Tổng cộng, có tất cả 4 chiếc thủy phi cơ được chế tạo. Bộ Quốc phòng Liên Xô đã lên kế hoạch trang bị cho Hải quân 120 chiếc Orlyonok nhưng sau đó phương án này đã bị thay đổi.

Hải quân Nga sẽ phát triển thủy phi cơ tấn công - Ảnh 2.

Thủy phi cơ lớp Lun. Nguồn: belayaistoriya.ru.

Ngày 16-7-1986, một nguyên mẫu thử nghiệm của tàu mang tên lửa- thủy phi cơ thuộc Đề án 905 lớp Lun đã được hạ thủy. Chiếc thủy phi cơ này đã được thử nghiệm trên Biển Caspi. Thiết bị bay với 8 động cơ này có thể tăng tốc lên 500km/h và hoạt động trong gió mạnh cấp 6.

Thủy phi cơ lớp Lun hoàn toàn không giống bất kỳ loại thiết bị trên không và trên biển nào. Chiếc thủy phi cơ này có hình dáng và kích thước kỳ lạ (chiều dài 73m và chiều cao 19m). Để tấn công kẻ địch, thủy phi cơ lớp Lun được trang bị tên lửa chống tàu có điều khiển ZM-80 Moskit với tầm bắn 120-250km.

Năm 1990, Hải quân bắt đầu hoạt động thử nghiệm thủy phi cơ lớp Lun, nhưng chưa thể bổ sung những thiết bị bay độc đáo này vào hạm đội. Cỗ máy đặc biệt này, cũng giống như các công nghệ mới khác, đều phải cần loại bỏ "bệnh trẻ con" (quân đội phàn nàn về độ tin cậy yếu) và tiếp tục phải trải qua các đợt thử nghiệm bổ sung.

"Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Nga từ chối phát triển các tàu mặt nước có kích cỡ lớn và không cấp kinh phí để phát triển thủy phi cơ tấn công. Thủy phi cơ lớp Lun được cho là thiết bị bay góp phần tăng cường khả năng phòng thủ của Nga.

Do đó, Mỹ đã không che giấu niềm vui khi Đề án được mệnh danh "Con quái vật Biển Caspi" bị đóng băng", bình luận viên Dmitry Drozdenko nhận định.

Những dự án đột phá

Các cuộc thảo luận về vấn đề hồi sinh thủy phi cơ trong thành phần Hải quân Nga được diễn ra trong 4 năm qua. Tháng 8-2014, Phó chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Công nghiệp thuộc Duma Quốc gia Vladimir Gutenev đã thông báo về sự cần thiết của việc khôi phục sản xuất thủy phi cơ cho các nhu cầu quân sự.

Vào tháng 7 năm 2017, Igor Ponomaryov, Phó chủ tịch phụ trách bộ phận đóng tàu quân sự thuộc Tập đoàn đóng tàu thống nhất đã cho biết, ngành công nghiệp trong nước đã sẵn sàng để bắt đầu phát triển thủy phi cơ cho Hải quân.

Từ những năm 1990, các doanh nghiệp Nga chỉ sản xuất các tàu dân sự. Một trong những dự án đột phá là thủy phi cơ thế hệ mới Chaika A-050 với lượng choán nước 54 tấn và trọng tải 15 tấn. Dự kiến, cỗ máy đầu tiên sẽ được lắp ráp trong giai đoạn năm 2019-2020.

Theo bình luận viên Dmitry Drozdenko, Phòng Thiết kế Trung ương Alekseev có đủ khả năng về khoa học và công nghệ để chế tạo thủy phi cơ tấn công.

Theo ông, các kỹ sư của Nizhny Novgorod có thể đáp ứng các yêu cầu của Bộ Quốc phòng Nga cho dự án thủy phi cơ Orlan.

"Với công nghệ hiện tại, tôi cho rằng, thủy phi cơ của Nga sẽ có khả năng chiến đấu hiệu quả hơn cùng kích thước nhỏ hơn so với thủy phi cơ được chế tạo thời Liên Xô. Trong kho vũ khí của Orlan có thể có sự hiện diện của tên lửa siêu thanh Zircon...".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại