Theo Sputnik News, Quốc hội Mỹ đã hối thúc Hải quân nước này đẩy nhanh quá trình thương thảo với các nhà đóng tàu quân sự Mỹ để có thể đạt được dự định nói trên.
Tàu sân bay USS Gerald R Ford. Ảnh: AP
Trong thông cáo báo chí ngày 20/3, Hải quân Mỹ nêu rõ, họ đã yêu cầu các nhà đóng tàu quân sự Mỹ gửi hồ sơ đấu thầu “với chi phí hợp lý nhất” để Hải quân Mỹ xem xét việc mua sắm 2 tàu sân bay.
Trước đó, hồi năm 2017, hơn 100 nghị sĩ đã gửi thư đến Lầu Năm Góc “để bày tỏ mối quan tâm đến việc mua sắm thêm 2 tàu sân bay lớp Gerald Ford” trong vòng một năm. Theo các nghị sĩ Mỹ, Chính phủ có thể tiết kiệm tới 2,5 tỷ USD nếu cùng lúc mua 2 tàu sân bay do cắt giảm được chi phí logistic.
Việc cùng lúc mua 2 tàu sân bay “cho phép Hải quân Mỹ sở hữu hạm đội gồm 12 tàu sân bay sớm hơn so với dự tính và giúp lực lượng này sở hữu tổng cộng 355 tàu các loại”, Hạ Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Rob Wittman tuyên bố hồi tháng 12/2017.
Trong khi đó, phát biểu ngày 20/3, Trợ lý Bộ trưởng Hải quân Mỹ phụ trách Nghiên cứu, Phát triển và Mua sắm James Geurts nhấn mạnh:
“Hải quân Mỹ đã vạch ra chiến lược mua sắm cùng lúc 2 tàu sân bay mã hiệu CVN-80 và CVN-81. Điều này giúp Hải quân Mỹ đạt được mục tiêu xây dựng hạm đội tàu có sức mạnh hủy diệt, năng lực tác chiến và sức mạnh lớn hơn nhiều so với trước đây”.
CVN-80 và CVN-81 là hai mã hiệu chính thức của các tàu sân bay mà Hải quân Mỹ sắp sở hữu. Theo đó, CVN-80 sẽ có tên chính thức là USS Enterprise trong khi CVN-81 vẫn chưa được đặt tên.
Theo Hải quân Mỹ, việc mua sắm 2 tàu sân bay cùng một lúc là chiến lược “đã được sử dụng hiệu quả trong những năm 1980 để mua các tàu sân bay lớp Nimitz giúp Hải quân Mỹ tiết kiệm đáng kể chi phí so với việc mua từng tàu sân bay một”.
Trước đó, việc mua sắm một tàu sân bay lớp Gerald Ford khác là USS Gerald R Ford đã bị đội chi phí lên tới 20% và bị chậm giao hàng tới 1 năm. Hải quân Mỹ mới chỉ nhận được chiếc tàu này vào năm 2017. Điều này cho thấy quân đội Mỹ gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát chi phí mua sắm một tàu sân bay mới.