Hải quân đánh bộ Nga "bách chiến bách thắng" nhưng vì sao nhiều lần suýt bị giải tán?

Trà Khánh |

Có thành tích chiến đấu xuất sắc và sở hữu những chiến binh quả cảm nhất thế nhưng Hải quân đánh bộ chưa bao giờ được tướng lĩnh Nga xem trọng, thậm chí còn bị coi là dư thừa.

Đánh đâu thắng đó nhưng vẫn bị bạc đãi và không được xem trọng

Theo Russia Beyond khái niệm về một lực lượng lính thủy có khả năng chiến đấu trên đất liền xuất hiện lần đầu tiên ở Nga vào đầu thế kỷ 18, trong cuộc đại chiến Bắc Âu kéo dài và tàn khốc giữa Nga và Thụy Điển (1700-1721). Trong khi đó, một số nước châu Âu đã thành lập các lực lượng hải quân đánh bộ (HQĐB) đầu tiên từ giữa thế kỷ 16.

Không đứng ngoài xu thế chung, ngày 27/11/1704, Sa hoàng Pyotr I ký sắc lệnh thành lập các trung đoàn hải quân đánh bộ đầu tiên của Hải quân Đế quốc Nga và biên chế cho Hạm đội Baltic cũng chỉ mới được thành lập (1703). Ngày 27/11 sau này cũng trở thành ngày truyền thống của Hải quân Đánh bộ Nga.

Điều khá bất ngờ là những người lính Hải quân Đánh bộ đầu tiên của Nga không được chọn từ các đơn vị hải quân vốn đã quen chiến đấu trên sông nước mà được lấy từ các trung đoàn cận vệ Preobrazhensky và Semenovsky vốn là lực lượng tinh nhuệ nhất của Lục quân Đế quốc Nga khi đó.

Hải quân đánh bộ Nga bách chiến bách thắng nhưng vì sao nhiều lần suýt bị giải tán? - Ảnh 1.

Một bức tranh sơn dầu mô tả lại trận hải chiến giữa Hải quân Đế quốc Nga và Hải quân Thụy Điển trên Bán đảo Hanko. Đây cũng là chiến thắng đầu tiên của Hải quân Đánh bộ Nga. Ảnh: Mavriky Bakua

Ngay sau khi hoàn tất việc xây dựng lực lượng, Hải quân Đánh bộ Nga lao vào cuộc chiến với người Thụy Điển và có chiến thắng đầu tiên vào ngày 7/8/1714 trong Trận Gangut, trên Bán đảo Hanko, ở miền nam Phần Lan.

Trong trận này, HQĐB Nga lập công lớn khi bắt sống một trong những tàu chiến lớn nhất của Hải quân Thụy Điển khi đó là Elefanten cùng chỉ huy của con tàu này là Đô đôc Nils Ehrenskiöld.

Đến năm 1785, Hải quân Đế quốc Nga tiếp tục thành lập một trung đoàn hải quân đánh bộ mới và lần này là cho Hạm đội Biển Đen. 5 năm sau đó, trung đoàn này tham gia cuộc vây hãm pháo đài bất khả xâm phạm của người Thổ (Đế chế Ottoman) tại Izmail trong Chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ (1787-1792). Dĩ nhiên, chiến thắng một lần nữa thuộc về người Nga.

Những chiến thắng nối tiếp chiến thắng của Hải quân Đánh bộ Nga trong suốt một thế kỷ có vẻ như vẫn không thể làm hài lòng các tướng lĩnh của Moscow, và quyết định giải tán lực lượng này được đưa ra vào đầu thế kỷ 19. Còn lý do là vì Quân đội Đế quốc Nga không cần tới một nhánh bộ binh riêng trong hải quân.

Năm 1811, các trung đoàn Hải quân Đánh bộ Nga được biên chế về lại cho Lục quân Đế quốc Nga và tròn 100 năm sau tức vào năm 1911 lực lượng mới được tái thành lập. Tuy nhiên, sức mạnh của họ đã không còn được như trước.

Trong Thế chiến thứ 1, Hải quân Đánh bộ Nga chiến đấu chủ yếu ở Biển Baltic và Biển Đen, đây cũng là lực lượng duy nhất của Hải quân Đế quốc Nga khi đó có đủ sức để ngăn bước tiến Hải quân Đế chế Ottoman.

Trước những chiến thắng liên tiếp của HQĐB Nga, Sa hoàng Nikolai II quyết định thành lập sư đoàn hải quân đánh bộ đầu tiên vào năm 1916 và biên chế cho Hạm đội Biển Đen nhằm chuẩn bị cho một chiến dịch đổ bộ quy mô lớn vào gần Istanbul. Tuy nhiên, khi Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) nổ ra, kế hoạch trên ngay lập tức bị hủy bỏ.

Sau năm 1917, Hải quân Đánh bộ trong biên chế Hải quân Liên Xô vẫn không được xem trọng và dần bị sáp nhập vào lục quân. Đến đầu Thế chiến thứ 2 (1939), Quân đội Liên Xô chỉ có duy nhất một Lữ đoàn Hải quân Đánh bộ thuộc biên chế Hạm đội Baltic.

Hải quân đánh bộ Nga bách chiến bách thắng nhưng vì sao nhiều lần suýt bị giải tán? - Ảnh 3.

Có khá nhiều binh sĩ của Hải quân Đánh bộ Nga tham gia vào Cách mạng Tháng Mười Nga. Ảnh: Viktor Bulla.

"Tử thần đen" và cơn ác mộng của phát xít Đức

Trong lịch sử hơn 300 xây dựng và phát triển, trải qua hàng trăm cuộc chiến lớn nhỏ, thì Thế chiến thứ 2 là cuộc chiến duy nhất Hải quân Đánh bộ Nga (lúc này là Liên Xô) được vinh danh.

Trong suốt cuộc chiến kể từ năm (1939-1945), theo thống kê có hơn 320.000 Hải quân Đánh bộ tham gia bảo vệ các căn cứ hải quân và thành phố ven biển quan trọng của Liên Xô như Tallinn, Odessa, Leningrad và Sevastopol trước cuộc xâm lược của quân phát xít.

Trong các chiến dịch lớn và quy mô nhỏ, Hải quân Đánh bộ Liên Xô luôn giáng cho quân Đức và Nhật Bản những đòn đau nhớ đời, gieo rắc sự hỗn loạn và khủng bố tinh thần của kẻ thù.

Vào tháng 1/1942, 56 lính HQDDB Liên Xô bí mật đổ bộ lên thành phố Yevpatoria, trên Bán đảo Crimea vốn đang bị quân Đức chiếm đóng. Trong đêm tối, họ dễ dàng vượt qua các chốt cảnh giới của quân Đức sau đó tiến đánh một đồn cảnh sát, phá hủy một máy bay quân sự cùng nhiều tàu thuyền của địch trong bến cảng, đồng thời giải phóng 120 tù nhân.

Điều kỳ lạ nhất là không ai trong số họ bị thương và đều trở về căn cứ an toàn.

Một trong những điều khiến quân Đức ấn tượng mạnh nhất về Hải quân Đánh bộ Liên Xô chính là quân phục toàn màu đen của lược lượng này và khiến họ trở nên nổi bật hơn so với các đơn vị khác của Hồng quân. Đây cũng là lý do người Đức đặt biệt danh cho HQĐB Liên Xô là "Tử thần Đen".

Hải quân đánh bộ Nga bách chiến bách thắng nhưng vì sao nhiều lần suýt bị giải tán? - Ảnh 4.

Hải quân Đánh bộ Liên Xô trong bộ quân phục đen từng là "cơn ác mộng" đáng sợ nhất của quân Đức. Ảnh: Maks Alpert

Nhiều tướng lĩnh Đức khi được hỏi về Hải quân Đánh bộ Liên Xô đều có chung nhận định rằng, những người lính này có một ý chí kiên định đến lạ lùng, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng và sẵn sàng đương đầu với cái chết.

Nhận định trên được minh chứng rõ qua trường hợp một đơn vị Hải quân Đánh bộ Liên Xô làm nhiệm vụ phòng thủ một tiền đồn chỉ với 13 chiến sĩ, họ bị quân Đức bao vây trong suốt một tuần. Và khi không còn bất cứ cơ hội nào thoát ra, Chỉ huy Ulyan Latyshev của đơn vị này đã gửi điện về cho sở chỉ huy với nội dung rằng:

"Chúng tôi sẽ sống chết với chúng bằng lựu đạn. Từ biệt!!"

Thật mỉa mai là ngay sau khi chiến tranh kết thúc, giới lãnh đạo quân đội Liên Xô lại cho rằng Hải quân Đánh bộ không còn phù hợp trong thời đại vũ khí hạt nhân. Đến năm 1956, Hải quân Đánh bộ Liên Xô bị giải thể một lần nữa và sáp nhập vào Lục quân.

Tuy nhiên, may mắn là các tướng lĩnh Liên Xô không mất tới một thế kỷ như các Sa hoàng để nhận ra vai trò quan trọng của Hải quân Đánh bộ. Và chỉ 7 năm sau khi bị giải thể, Hải quân Đánh bộ Liên Xô một lần này được thành lập trở lại.

Trong Chiến tranh Sáu ngày (1967), Moscow từng lên kế hoạch sử dụng Hải quân Đánh bộ hỗ trợ Quân đội Syria (SAA) tấn công Israel. Tuy nhiên, việc cuộc chiến kết thúc một cuộc cách chóng vánh đã ngăn cản dự định này.

Hải quân đánh bộ Nga bách chiến bách thắng nhưng vì sao nhiều lần suýt bị giải tán? - Ảnh 6.

Hải quân Đánh bộ Nga làm nhiệm vụ chống khủng bố tại Syria. Ảnh: Sputnik.

Ngày nay, Hải quân Đánh bộ Nga được biết đến nhiều qua các hoạt động chống cướp biển Somalia, cũng như các hoạt động của lực lượng này tại Syria. Đặc biệt, tổng hành dinh của lực lượng viễn chính Nga ở Syria - căn cứ không quân Khmeimim cũng như căn cứ hải quân Tartus đều do Hải quân Đánh bộ Nga bảo vệ.

Bộ Quốc phòng Nga tung video kỷ niệm 315 Ngày truyền thống Hải quân Đánh bộ Nga hôm 27/11 vừa qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại