Khu trục hạm Anh yếu đuối trước tàu ngầm
Hải quân Anh vừa qua đã quyết định điều một tàu khu trục Type 45 đến khu vực Biển Đen. Đây là lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Hải quân Anh đưa tàu chiến đến vùng biển được coi là "sân sau của hải quân Nga" - báo Sunday Mail đưa tin.
Hồi đầu tháng, tàu khu trục HMS Diamond có trang bị tên lửa đã lên đường tới bờ biển Ukraine, trên tàu mang theo 60 lính thủy quân lục chiến. Theo tin tức của truyền thông, dự kiến là con tàu sẽ đảm đương sứ mệnh bảo vệ 650 nhân viên quân sự Anh tham gia "tập trận mật" ở Ukraine.
Hôm 5/2 vừa qua, tờ Sunday Times dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Anh thừa nhận, giới chức lãnh đạo quân đội nước này đã tính toán sai lầm trong thiết kế tàu khu trục dự án 45 (Type 45), để đến nỗi các tàu khu trục hiện đại nhất của Anh rất dễ bị tiêu diệt.
Tờ báo Anh viết rằng, các quan chức Bộ quốc phòng nước này thừa nhận, tàu khu trục Type 45 phát ra tiếng ồn rất lớn dưới nước mà sonar của tàu ngầm Nga có thể phát hiện dễ dàng trong khoảng cách 100 hải lý (hơn 185 km).
Đô đốc Anh Chris Parry nhận xét là những con tàu có chi phí cực khủng, lên tới 1 tỷ bảng Anh (1,25 tỷ USD) này không được cung cấp các biện pháp chống ồn cần thiết, do đó, chúng đã tạo ra tiếng động dưới nước mạnh không khác gì các "hộp đựng cờ lê".
Theo Đô đốc, khi thiết kế sáu tàu khu trục được cho là thuộc loại tối tân nhất thế giới, các nhà hoạch định quân sự nước này đã không nghĩ tới cách đề phòng các mối đe dọa từ dưới đáy biển, nhất là đối với các tàu ngầm hạt nhân và thông thường của Nga.
Do đó, các con tàu có chi phí khổng lồ này rất dễ bị tàu ngầm Nga tiêu diệt ở khoảng cách xa gấp 5 lần phạm vi tàu khu trục Anh có thể phát hiện được mối nguy hiểm, dẫn đến việc hải quân Anh có thể lãng phí hàng chục tỷ dollars trong vòng ít phút.
Các tàu nổi và tàu ngầm của Anh đang gặp nhiều vấn đề
Không chỉ có điểm yếu đó, hệ thống vũ khí của khu trục hạm Type 45 cũng được cho là không tương xứng với giá tiền cao ngất của nó. Tàu được trang bị hệ thống tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ, với tầm bắn vẻn vẹn 130km, chi bằng 1/5 của tên lửa chống hạm Nga.
Type 45 còn có 1 tổ hợp Sylver A50 với 48 ống phóng tên lửa phòng không thẳng đứng, với tên lửa tầm ngắn Aster-15 và tên lửa tầm xa Aster-30. Tuy nhiên, Aster-30 cũng chỉ có phạm vi phòng không vẻn vẹn 120km, không bằng các tên lửa S-300F của Nga hay HHQ-9 của Trung Quốc.
Với giá tiền mua 1 chiếc khu trục hạm Type 45, có thể mua được từ 3-4 tàu hộ vệ của Nga có sức mạnh tương đương hoặc thậm chí là mạnh hơn.
Tàu ngầm hạt nhân Anh đang tê liệt
Cũng theo thông tin trên tờ The Sun của Anh, trích dẫn nguồn tin riêng cho biết, hiện tất cả 7 tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Hoàng gia Anh đều trục trặc vì nhiều lý do khác nhau nhưng Bộ Quốc phòng nước này đã giấu nhẹm, không báo cáo vấn đề với Thủ tướng.
Theo các nguồn tin này, ba tàu ngầm hạt nhân tấn công mới nhất lớp Astute, mỗi chiếc tiêu tốn 1,7 tỷ bảng (hơn 2,1 tỷ USD) ngân sách, đang liên tục vấp phải các sự cố kỹ thuật khiến chúng không có khả năng hoạt động, còn 4 tàu ngầm cũ lớp Trafalgar thì đang "sống thoi thóp".
Vào thời điểm này, trên 5 tàu ngầm đang tiến hành việc điều tra, khắc phục sự cố, tàu Ambush lớp Astute còn mới tinh nhưng cũng đang được sửa chữa sau cú va với một tàu chở dầu gần Gibraltar từ hồi tháng 7/2016.
Hiện chỉ có một tàu ngầm lớp Astute là đang trên biển, nhưng trong giai đoạn thử nghiệm và phải sau vài tuần nữa mới sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu.
Riêng 4 tầu ngầm chiến lược lớp Vanguard mang tên lửa Triden II D5 là đang trong tình trạng sẵn sàng tác chiến, tuy nhiên, mỗi thời điểm hải quân Anh cũng chỉ có thể duy trì tối đa 2 tàu hoạt động.
Hơn nữa, các tàu ngầm lớp này cũng không còn đủ độ tin cậy, do đó, hải quân Anh đang triển khai dự án phát triển tàu ngầm thế hệ mới Successor, nhằm thay thế cho các tàu lớp Vanguard. Tuy nhiên, chiếc tàu ngầm đầu tiên được dự kiến sẽ ra mắt sớm nhất là năm 2028.
Như vậy, ngoài 2 chiếc tàu ngầm chiến lược, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ xảy ra tình huống nước Anh không có tàu ngầm tấn công hoạt động. Trong khoảng thời gian tới, Anh sẽ không đủ khả năng đối phó với các hành động của tàu ngầm Nga ở Biển Bắc.
Một vấn đề khác là tình trạng nhiều thiết bị kỹ thuật hư hỏng lâu dài mà không được thay thế hay sửa chữa. Cựu thủy thủ Hải quân Hoàng gia William Mc Neill còn tiết lộ trên trang WikiLeaks là, thậm chí ở nhiều tàu ngầm, khoang tên lửa còn được dùng làm phòng tập thể thao.
Tàu ngầm Ambush lớp Astute đang được sửa chữa sau cú va chạm với tàu chở dầu
William Mc chỉ ra, hạm đội tàu ngầm Anh đang trong tình trạng xuống dốc không phanh, an ninh của cơ sở hạt nhân rất đáng lo ngại bởi không được bảo vệ đúng cách, thậm chí là "bất kỳ kẻ khủng bố hoặc kẻ tâm thần nào cũng có thể thâm nhập vào các căn cứ tàu ngầm hay cơ sở hạt nhân",
Theo ông, bộ phận an ninh tại các cơ sở hạt nhân của Anh hoạt động rất tồi tệ, thâm nhập vào đó còn dễ hơn so với "đa số các hộp đêm". Ngoài ra, có thể dễ dàng mang thiết bị điện tử cá nhân vào các khu vực được bảo vệ, bao gồm cả thiết bị lưu trữ thông tin để sao chép dữ liệu bí mật.
Một vấn đề khác là sự chậm trễ trong kế hoạch đóng tàu sân bay. Hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth của Anh phải ít nhất đến năm 2020 mới có thể đi vào hoạt động, còn chiếc thứ 2 là Prince of Wales đến năm 2020 mới hoàn tất, đến năm 2025 mới sẵn sàng biên chế cho hải quân Anh.
Trong khi đó, các máy bay F-35B mà Anh đặt mua từ Mỹ đang gặp nhiều trục trặc, đến năm 2020 cũng chưa chắc đã nhận được, không rõ đến bao giờ mới nhận đủ 24 chiếc F-35B để hoàn thiện biên chế phi đội Không quân Hải quân 809, đơn vị chiến đấu trên tàu HMS Queen Elizabeth.
Do đó, từ nay đến giai đoạn năm 2025 sức mạnh của hải quân Hoàng gia Anh sẽ suy giảm khá nhiều, khiến họ không thể cạnh tranh được với lực lượng hải quân của 4 cường quốc hàng đầu thế giới về hải quân là Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc.