Hai nước châu Á tạo lỗ hổng giúp Nga chống chọi với lệnh trừng phạt từ phương Tây

Lan Hương |

Trung Quốc đã nhập 800.000 thùng xăng dầu của Nga/ngày vào tháng trước, không bao gồm dầu được vận chuyển qua đường ống. Khối lượng này tăng hơn 40% so với tháng 1.

Một tàu chở dầu Nga ở cảng Transneft-Kozmino Port. Ảnh: Reuters.

Một tàu chở dầu Nga ở cảng Transneft-Kozmino Port. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc, Ấn Độ "tranh thủ" mua dầu giá rẻ

Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng mua dầu Nga khi giá giảm do tác động từ các lệnh cấm nhập khẩu của phương Tây, tạo ra lỗ hổng cho phép Moscow đảm bảo doanh thu xuất khẩu.

Theo dữ liệu từ Refinitiv, Trung Quốc đang tích cực mua dầu thô giá rẻ của Nga. Trong khi đó, nhập khẩu dầu từ đường biển của Ấn Độ đối với dầu của Nga cũng tăng vọt từ 0 trong tháng 1 lên gần 700.000 thùng/ngày vào tháng 5.

Lý giải việc Trung Quốc và Ấn Độ tăng cường nhập khẩu, Takayuki Nogami, nhà kinh tế trưởng tại Japan Oil, Gas and Metals National Corp (JOGMEC) cho biết: "Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm giảm số lượng khách mua dầu Nga, đồng nghĩa với việc dầu thô của Nga có thể được mua với giá rẻ".

Sau hành động tương tự của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý cấm nhập khẩu dầu của Nga vào tuần trước, ngay lập tức ngừng nhập khẩu đối với 2/3 lượng xăng dầu. EU có kế hoạch kết thúc khoảng 90% lượng mua vào cuối năm nay. Nhiều công ty ở các nền kinh tế phương Tây cũng đang né tránh việc mua dầu của Nga.

Do đó, dầu thô Urals của Nga, hầu hết được ràng buộc với thị trường châu Âu, hiện giao dịch quanh mức 90 USD/thùng. Ngược lại, dầu thô Brent bán cao hơn khoảng 35 USD.

Dầu thô ESPO của Nga - chủ yếu xuất khẩu sang châu Á - có giá khoảng 94 USD/thùng, thấp hơn khoảng 20 USD so với dầu thô Dubai. Trước đó, hồi đầu năm, giá chỉ chênh lệch vài USD.

Doanh thu xuất khẩu dầu Nga đầu năm tăng 50%

Nhưng giá dầu thô Urals đã tăng khoảng 30% kể từ một năm trước đó. Giá dầu quốc tế tăng là một yếu tố, và việc nhập khẩu ngày càng tăng của Trung Quốc và Ấn Độ đã tác động đến giá dầu của Nga.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết doanh thu của Nga từ xuất khẩu dầu từ tháng 1 - tháng 4 đã tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Than của Nga được hưởng lợi từ một động lực tương tự. Bất chấp lệnh cấm nhập khẩu của phương Tây, giá than của Nga dao động quanh mức 148 USD/tấn vào cuối tháng 5, theo dữ liệu từ Argus Media. Tờ Nikkei Asia Review cho biết giá than của Nga cao gấp đôi so với một năm trước đó. Ấn Độ, Trung Quốc và một số nhà nhập khẩu khác đã giúp nâng giá sản phẩm.

Bên cạnh đó, khí hóa lỏng (LNG) của Nga ở Trung Quốc "đang được giao dịch với mức chiết khấu đáng kể", Toshiyuki Makabe, giám đốc điều hành kinh doanh hàng hóa của Goldman Sachs, cho biết.

Việc Bắc Kinh nhập khẩu LNG của Nga có thể tăng vào mùa hè này do nhu cầu sử dụng điều hòa không khí và cũng đã có thông tin về việc các công ty Ấn Độ mua LNG của Nga trên thị trường giao ngay.

Trong khi đó, việc cung cấp khí đốt của Nga đến châu Âu chỉ giảm ở một mức độ hạn chế ngoài việc nguồn cung cấp cho Ba Lan bị ngừng lại.

Mỹ và châu Âu đang thúc giục Trung Quốc và Ấn Độ hạn chế mua dầu và than của Nga. Nhưng nguồn cung cấp giá rẻ của Nga mang lại một lợi thế kinh tế to lớn do giá năng lượng toàn cầu tăng cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại