Hai năm rõ mười: Quyết định ngớ ngẩn - 2 tiêm kích Su-33 và MiG-29KR "lộn cổ" xuống biển!

Quang Huy |

Tàu sân bay Kuznetzov tới Syria với biên đội máy bay lớn một cách bất thường – theo nhiều thông tin, có khoảng từ 12 đến 15 chiếc máy bay tiêm kích gồm 8-11 Su-33 và 4 MiG-29KR.

Chiếc tàu sân bay Kuznetzov là trung tâm của mọi sự chú ý trong vài tuần qua – từ khi nó di chuyển tới lãnh hải của Syria.

Đáng tiếc, nhưng đó là điều được dự đoán trước, nó thu hút sự chú ý của hàng loạt các phương tiện thông tin đại chúng thế giới không phải bằng tính năng tuyệt vời, mà bằng sự thất bại của mình.

Ban đầu, đã xuất hiện câu chuyện liên quan tới những cột khói đen do động cơ tuốc bin hơi nước của chiếc tàu, còn bây giờ, sự việc liên quan tới 2 chiếc máy bay cất cánh từ tàu sân bay gặp những tai nạn phi chiến đấu.

Hãy cùng nhau nói tới những nguyên nhân của các sự cố này và tính đúng đắn của việc đưa "Đô đốc Kuznetzov" tới khu vực xảy ra cuộc xung đột Syria.

Chưa sẵn sàng cho các hoạt động chiến đấu

Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tuần, Quân đội Nga đã mất 2 chiếc máy bay tiêm kích tàu sân bay. Hôm 14/11/2016, chiếc máy bay tiêm kích đa năng mới MiG-29KR đã rơi xuống biển; còn hôm 5/12, sau khi bị đứt cáp hãm trong lúc hạ cánh, chiếc máy bay tiêm kích hạng nặng Su-33 cũng lao xuống biển.

May mắn là cả trong hai thảm hoạ, các phi công đã kịp bung dù thoát hiểm. Cả hai chiếc máy bay, và đặc biệt chiếc máy bay đầu tiên, gặp nạn trong những tình huống hết sức bình thường.

Chiếc MiG-29KR đã hết sạch nhiên liệu một cách đơn giản do phải chờ người ta sửa cáp hãm trên tàu để có thể hạ cánh. Trong khi nó có thể bay thẳng tới sân bay dự phòng – căn cứ không quân Hmeimim của Nga.

Nhưng cơ quan chỉ huy quyết định đánh liều, và, như chúng ta đã thấy, không đáng chút nào. Vì quyết định ngớ ngẩn đó, chiếc tiêm kích mới có giá 50 triệu đôla Mỹ đã yên nghỉ dưới đáy biển.

Liên quan tới chiếc Su-33, thì theo một trong những giả thiết, nguyên nhân của vụ tai nạn là lỗi điều khiển: phi công đã để độ lệch của trục máy bay chiến đấu khi hạ cánh vượt quá gần nửa mét so với chuẩn tối đa cho phép (4,7m thay vì 4,2m).

Vì thế, cáp hãm máy bay được bố trí trên mặt tàu phải chịu một áp lực vô cùng lớn khiến nó bị đứt. Trong khi đó, thay vì đẩy động cơ hoạt động hết công suất, lấy tốc độ cất cánh thì phi công đã bung dù thoát hiểm và chiếc Su-33 đâm xuống biển. Cũng có thể thời gian đã không còn.

Tất nhiên, tạm thời chưa nên gạch khỏi danh sách giả thiết cáp hãm kém chất lượng hoặc do hàng loạt những yếu tố khác. Bộ Quốc phòng Nga từ chối đưa ra kết luận cho đến khi công tác điều tra chấm dứt.

Không có gì bất ngờ

Không khó để lý giải cho cả hai tình huống, và đặc biệt không thể gọi chúng là bất ngờ.

Thứ nhất, tàu sân bay Kuznetzov tới Syria với một biên đội máy bay lớn một cách bất thường – theo nhiều thông tin khác nhau, có khoảng từ 12 đến 15 chiếc máy bay tiêm kích (gồm 8-11 Su-33 và 4 MiG-29KR).

Trước đó, trên chiếc tàu sân bay có thể mang 26 máy bay và 24 trực thăng này, chỉ có sự hiện diện của không quá 7-8 chiếc tiêm kích.

Chính vì lẽ đó, chỉ có một số lượng hạn chế các phi công có kinh nghiệm của không quân tàu sân bay, mà hạ cánh trên tàu sân bay là một trong những thao tác khó nhất trong nghệ thuật lái máy bay chiến đấu phản lực.

Đương nhiên, những phi công được đào tạo chóng vánh có thể gây ra các sai sót dù đã có kinh nghiệm bay thông thường, chứ không phải kinh nghiệm bay trong các biên đội tàu sân bay. Chỉ huy tàu, và toàn bộ thuỷ thủ đoàn cũng không có kinh nghiệm trong những hoạt động quy mô gần với điều kiện chiến đấu.

Điều này lý giải cho hành vi thiếu quyết đoán một cách lạ lùng mà đã dẫn tới việc một chiếc máy bay MiG-29KR thiệt hại trên "đường bằng". Đương nhiên, chiếc tàu sân bay này chưa thực sự sẵn sàng để tham gia vào các hành động quân sự vì số phận đầy chông gai của nó.

Hai năm rõ mười: Quyết định ngớ ngẩn - 2 tiêm kích Su-33 và MiG-29KR lộn cổ xuống biển! - Ảnh 1.

Tiêm kích MiG-29KR trên tàu sân bay Kuznetsov.

Thứ hai, căn cứ vào những sự việc nêu trên, một câu hỏi được đặt ra – tại sao chiếc tàu sân bay trong tình trạng như vậy lại được cử tới Syria để tham gia vào một cuộc chiến tranh thực sự và để giương cờ và thể hiện sức mạnh.

Điều bao biện duy nhất chỉ có thể là mong muốn tích luỹ kinh nghiệm chiến đấu. Tuy nhiên, như đã thấy, quyết định này là hết sức vội vàng. Cần phải thúc đẩy công tác sửa chữa và nâng cấp tàu sân bay Kuznetsov sau chuyến ra khơi chiến đấu này.

Và trong khi chiếc tàu sân bay đang nằm xưởng, cần phải tăng cường công tác huấn luyện các phi công tàu sân bay tại những trung tâm huấn luyện mặt đất ở Eysk và Saka (Nga). Quyết định thiếu tính toán đã dẫn tới việc, thay vì trở thành phương tiện thể hiện sức mạnh, chiếc tàu sân bay Nga bị biến thành đối tượng để người ra cười nhạo.

Điều khiến những ý nghĩ về sự vô dụng của chiếc tàu sân bay trong chiến dịch quân sự của Nga tại Syria càng đúng hơn nữa đó là việc toàn bộ phi đội của "Đô đốc Kuznetzov" có thể được đóng quân căn cứ không quân Hmeimim.

Đương nhiên, sẽ không thể tích luỹ kinh nghiệm vận hành chiến đấu cho chiếc tàu sân bay và lực lượng máy bay của nó.

Chỉ còn lại việc phải trả lời một câu hỏi thường xuyên được đưa ra (và thường xuyên không có câu trả lời): Ai là người chịu trách nhiệm cho quyết định đầy tranh cãi và sẽ có ai đứng ra chịu trách nhiệm hay không?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại