Phát hiện sốc: Kẽ hở nào đã bị lợi dụng để tạo nên bê bối điểm thi chưa từng có ở Hà Giang, Sơn La?

M.Khang |

Thầy giáo Trần Phương, PGĐ Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng đã chỉ ra kẽ hở trong quy trình tổ chức thi THPT quốc gia. Chính những kẽ hở này đã tạo cơ hội cho kẻ gian đổi trắng thay đen.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) lập tổ công tác xác minh bất thường về điểm thi, hai tỉnh Hà Giang, Sơn La được xác định xảy ra sai phạm nghiêm trọng ở khâu chấm thi.

Tuy nhiên, theo ông Đào Tuấn Đạt (giảng viên Đại học Bách khoa, Trưởng ban điều hành Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội), sai phạm về chỉnh sửa điểm thi ở Hà Giang và Sơn La không giống nhau.

Tờ Dân Trí dẫn lời ông Đạt phân tích, thứ nhất, quy trình chấm thi trắc nghiệm qua 4 bước: Scan bài thi của thí sinh, chuyển file ảnh này ra máy tính để chuyển từ ảnh sang dạng file text, sau đó đưa vào máy chấm tự động để ra điểm.

Ở Hà Giang, ông Vũ Trọng Lương đã can thiệp chỉnh sửa ở bước 2, tức công đoạn chuyển ảnh sang dạng text. Do đó khi phát hiện ra sự việc, có thể dễ dàng đối chiếu giữa điểm sửa qua bài thi gốc.

Ở Sơn La, đối tượng sửa điểm đã can thiệp, tẩy xóa ngay trên bài thi gốc. Điều này, theo ông Đạt là rất khó có căn cứ để phát hiện ra đâu là chỉnh sửa của thí sinh và đâu là chỉnh sửa của người ngoài can thiệp.

Phát hiện sốc: Kẽ hở nào đã bị lợi dụng để tạo nên bê bối điểm thi chưa từng có ở Hà Giang, Sơn La? - Ảnh 1.

Theo thầy giáo Trần Phương, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng đã chỉ ra kẽ hở trong quy trình tổ chức thi THPT quốc gia. Chính những kẽ hở này đã tạo cơ hội cho kẻ gian đổi trắng thay đen.

Tờ VnExpress dẫn lời thầy Phương khẳng định, việc công bố đáp án trước khi chấm thi là lỗi sơ đẳng khiến kẻ gian lợi dụng.

Thầy Phương phân tích, trước kia, khi các môn thi theo hình thức tự luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo thường công bố đáp án với tiêu chí nhất định. Việc này có thể giúp mọi người hình dung bức tranh toàn cảnh, tránh tranh luận chung chung. Nhìn vào đáp án, người ta sẽ thấy đề khó hay dễ, có tính phân loại hay không, câu nào vượt chương trình, mức độ như thế nào.

Năm nay, đáp án 24 mã đề mỗi môn được Bộ công bố ngay sau khi thi môn cuối cùng. Đó chỉ là những chữ cái A, B, C, D, giúp học sinh tự chấm điểm. Tuy nhiên, với hình thức thi trắc nghiệm là chủ yếu, theo thầy Phương, việc này rất "ngây thơ" và không có ý nghĩa.

Thực tế, sai phạm của ông Vũ Trọng Lương Phó Trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng (thuộc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) đã được xác định: Là người phụ trách trực tiếp, sử dụng máy tính, sau khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả đáp án, thì ông Lương đã tải toàn bộ đáp án đó về, rồi chèn vào file excel bài làm của thí sinh sau khi quét.

Với thao tác này ông Lương chỉ mất 6s để sửa 1 bài thi và ông Lương đã chỉnh sửa hơn 330 bài thi của 114 thí sinh.

Kẽ hở thứ hai, theo thầy Phương là không giám sát từ xa việc quét ảnh bài thi.

Thực tế, 5 cán bộ ở Sơn La đã "bắt tay" nhau sửa bài thi gốc trước khi quét và gửi dữ liệu về Bộ GD&ĐT. Bộ không thể chấm thẩm định khi bài gốc đã bị sửa.

Theo ông Vũ Khắc Ngọc, chuyên gia giáo dục ở Hà Nội, việc chỉnh sửa điểm thi trên bài thi gốc ở Sơn La rất khó để đưa về điểm thật bởi khó xác nhận đâu là nét sửa của thí sinh, đâu là của người can thiệp.

"Nếu giám định nét chữ trên hàng nghìn bài thi trắc nghiệm, tôi nghĩ rất khó khăn. Do vậy, trên cơ sở phỏng đoán, tôi nghĩ có thể sẽ chỉ có một số bài thi có dấu hiệu chỉnh sửa rất rõ ràng có thể tìm ra điểm thật, còn một số bài khác sẽ khó", ông Ngọc trao đổi trên tờ Dân trí.

(Tổng hợp)



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại