Theo lời ông, sau khi giải phóng Bình Định, Sư đoàn 3 nằm trong đội hình cánh quân duyên hải theo Quốc lộ 1A tiến vào Ninh Thuận. 5 giờ ngày 14-4-1975, Sư đoàn 3 và Trung đoàn 25 Tây Nguyên nổ súng tấn công Phan Rang-cụm phòng thủ tiền tiêu của Quân đoàn 3 ngụy.
Địch chống cự điên cuồng, trận đánh kéo dài. Sáng 16-4, có thêm lực lượng của Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) cùng nhiều xe tăng, thiết giáp tham gia tấn công; sức chống cự của địch yếu dần.
Đại tá, CCB Nguyễn Văn Chước. Ảnh: Lê Văn Thơm
Nằm trong đội hình cấp trên, Trung đoàn 2 lần lượt đánh tan quân địch ở Bà Râu, Du Long, Kiền Kiền, Ba Tháp... 17 giờ ngày 16-4, khi đơn vị đang truy kích dọc tuyến đường Phan Rang-Đà Lạt thì phát hiện tàn binh địch trốn dưới một con suối cạn.
Người cán bộ chỉ huy phân đội tại đó liền hô to: "Các khẩu đội hỏa lực! Bắn cấp tập vào khu vực lòng suối! Toàn đơn vị chuẩn bị lựu đạn". Sau tiếng hô ấy, ở dưới suối vọng lên nhiều tiếng kêu: "Đừng bắn! Đừng bắn! Chúng tôi xin hàng!".
Cán bộ, chiến sĩ đơn vị nhanh chóng ập đến bao vây. Bọn địch run sợ giơ cao hai tay và lần lượt bước lên bờ suối tập trung. Ban chỉ huy trung đoàn liền tiến hành nắm lai lịch, ghi cấp bậc, chức vụ của từng tên.
Không ngờ nhóm tù binh này là toàn bộ Bộ tư lệnh tuyến phòng thủ Phan Rang của địch, do tên Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi cầm đầu, có cả một tên cố vấn Mỹ.
Nguyễn Vĩnh Nghi khai, hắn mới được cử ra Phan Rang, làm Tư lệnh Sở chỉ huy tiền phương của Quân đoàn 3, trực tiếp tổ chức, chỉ huy phòng thủ Phan Rang và xác định đây là tuyến phòng thủ Sài Gòn từ xa.
Tượng đài Chiến thắng Cỏ May. Ảnh tư liệu
Ông Chước vẫn còn nhớ rõ, hôm đó, sau khi đơn vị báo cáo lên cấp trên đã nhận được điện khẩn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu đưa ngay các tù binh cấp tướng và tên cố vấn Mỹ ra Hà Nội để khai thác phục vụ cho việc tấn công giải phóng Sài Gòn.
Cũng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn 2 thực hiện nhiệm vụ thọc sâu giải phóng TP Vũng Tàu và chặn địch tháo chạy ra biển.
Ngày 27-4, các đơn vị bạn tấn công giải phóng Bà Rịa tương đối thuận lợi, nhưng khi quân địch từ Bà Rịa chạy về Vũng Tàu, chúng đã đánh sập cầu Cỏ May trên Đường 51 và ngoan cố ngăn chặn bước tiến của Trung đoàn 2.
Một tiểu đoàn thủy quân lục chiến cùng với nhiều xe tăng, xe thiết giáp và hàng nghìn tàn binh địch từ các nơi chạy về, hò hét "tử thủ" bên đầu cầu phía Nam. Sông Cỏ May nước chảy xiết, trong khi địch có nhiều ưu thế để chống trả.
Đêm 27 và ngày 28-4, Trung đoàn 2 nhiều lần đột phá không thành, thương vong khá lớn; nhiều cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống trên dòng sông này…
Sáng 29-4, Sư đoàn 3 quyết định chuyển hướng tấn công sang khu vực Cửa Lấp (phía đông cầu Cỏ May), còn ở cầu Cỏ May vẫn liên tục nổ súng nghi binh, thu hút địch.
Sau khi Trung đoàn 12 vượt qua Cửa Lấp, tiến xuống Vũng Tàu, đã cho một lực lượng mạnh đột thẳng vào bên sườn và phía sau đội hình địch đang cố thủ tại phía Nam cầu Cỏ May. Quân địch hoảng hốt tháo chạy.
Lập tức, Trung đoàn 2 ào ạt vượt sông, lần lượt đánh chiếm cụm núi lớn, trạm ra-đa, trường công binh, trường thiếu sinh quân, bãi thùy dương...
Rạng ngời niềm tự hào, ông Chước bồi hồi nhớ lại: Sáng 30-4, các mục tiêu còn lại ở Vũng Tàu lần lượt đầu hàng hoặc tháo chạy. Tiếng súng tấn công giải phóng Bà Rịa, Vũng Tàu kết thúc lúc 11 giờ ngày 30-4.