Hai căn cứ, một lá bài mặc cả

Anh Vũ |

Đáp lại lời cảnh báo của Mỹ rằng sẽ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì thương vụ mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đe dọa đóng cửa hai căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ ở nước này là Incirlik và Kurecik. Hai căn cứ này có tầm quan trọng như thế nào mà Thổ Nhĩ Kỳ lại tự tin biến chúng thành lá bài mặc cả trong cuộc đối đầu với chính đồng minh thân cận của mình?

Theo hãng tin RT, hồi tuần trước, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố ông có đủ quyền hạn để cấm Mỹ sử dụng căn cứ chiến lược Incirlik và Kurecik nếu Washington áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt bổ sung nào đối với Ankara.

"Chúng ta sẽ đóng cửa căn cứ Incirlik và Kurecik nếu cần thiết. Tất nhiên, chúng ta có đầy đủ quyền hạn nếu phải thực hiện bước đi như vậy", ông Recep Tayyip Erdogan tuyên bố đanh thép trên kênh truyền hình A Haber.

Cùng với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, một quan chức ngoại giao hàng đầu khác của Thổ Nhĩ Kỳ là Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu cũng đưa ra cảnh báo tương tự liên quan tới số phận của hai căn cứ chiến lược Incirlik và Kurecik.

Trong quá khứ, ở một vài thời điểm khi quan hệ giữa hai đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ rơi vào bất hòa, Ankara cũng từng cảnh báo về việc sẽ "cấm cửa" các binh sĩ Mỹ khỏi các căn cứ do Washington kiểm soát trên lãnh thổ nước này.

Theo Reuters, Incirlik không chỉ là một trong những căn cứ không quân chiến lược của Mỹ ở nước ngoài với số lượng lớn binh sĩ đồn trú cùng nhiều khí tài quan trọng mà còn là điểm xuất phát của nhiều phi đội máy bay chiến đấu và hỗ trợ các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Afghanistan và Trung Đông.

Không quân Mỹ đã sử dụng căn cứ Incirlik trong nhiều chiến dịch tiếng tăm, như: Bão táp sa mạc (1991), Cáo sa mạc (1998)… và gần đây, căn cứ nằm ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ này còn đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch không kích của Washington nhằm vào các cứ điểm của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria.

Điểm mạnh của căn cứ không quân Incirlik chính là đường băng dài hơn 3.000km, có thể hỗ trợ hoạt động cho nhiều loại máy bay chiến đấu, trong đó có cả các máy bay ném bom chiến lược.

Cũng có thông tin cho rằng, sở dĩ căn cứ Incirlik có tầm quan trọng đặc biệt vì là kho lưu trữ của khoảng 40 quả bom hạt nhân B61 của không quân Mỹ, cho dù chưa rõ số vũ khí này hiện còn nằm ở đây nữa hay không.

Trong khi đó, căn cứ Kurecik nằm ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ được coi là một phần của mạng lưới phòng thủ chung giữa Mỹ và các đồng minh NATO vì có hệ thống radar cảnh báo sớm, được đưa vào vận hành từ năm 2012 nhằm đối phó với các cuộc tập kích bằng tên lửa đạn đạo.

Căn cứ này nằm trên một ngọn đồi cao 2.100m so với mực nước biển và do đó, hệ thống radar cảnh báo sớm tại đây có thể phát hiện các tên lửa đạn đạo từ khoảng cách 1.000km.

Rõ ràng, căn cứ Kurecik và đặc biệt là căn cứ Incirlik có khả năng tác động mạnh mẽ tới các tình huống liên quan tới chính trị và quân sự ở khu vực.

Cũng chính vì tầm ảnh hưởng của hai căn cứ nói trên mà một số chuyên gia nhận định rằng, "nếu để mất Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một sai lầm địa chính trị vô cùng to lớn của Mỹ".

Cụ thể, nếu Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm trục xuất các binh sĩ Mỹ ra khỏi căn cứ Incirlik hoặc hạn chế tầm hoạt động của hệ thống radar ở căn cứ Kurecik, năng lực hoạt động, tấn công và phòng thủ của Mỹ ở khu vực Trung Đông sẽ bị suy giảm đáng kể, đặc biệt trong trường hợp phát sinh các cuộc tấn công tiềm tàng từ Iran.

Đó là chưa kể nếu buộc phải rời đi, Mỹ cũng sẽ mất trắng khoản chi phí đầu tư khổng lồ mà Washington đã đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc các căn cứ này.

Người Mỹ có lẽ đã lường trước cái được và mất khi bàn về số phận của hai căn cứ Incirlik và Kurecik, còn người Thổ Nhĩ Kỳ cũng quá thấu hiểu sự lợi hại của lá bài mà họ đang nắm trong tay. Và bởi vậy, thái độ dịu giọng từ Washington trong những ngày gần đây là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại