Hà Nội: Tưới rau sống bằng nước thải đen ngòm

Đoàn Bổng - Thái Bình |

10 năm nay, những luống rau ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức được người dân tưới bằng nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi thối.

Xã Vân Canh, huyện Hoài Đức từ lâu được biết đến là khu vực chuyên trồng các loại rau cung cấp cho các chợ đầu mối ở Hà Nội và Hà Đông.

Cứ đều đặn mỗi buổi chiều, người dân lại ra ruộng hái những mớ rau non mơn mởn để buổi tối vận chuyển tới các chợ.

Hà Nội: Tưới rau sống bằng nước thải đen ngòm - Ảnh 1.

Nước thải nhuộm đen cả dòng kênh

Thế nhưng, ít người biết rằng những mớ rau này được các chủ vườn tưới bằng nước thải đen kịt, nồng nặc mùi hôi thối. Việc tưới rau bằng nước thải này diễn ra đều đặn hơn 10 năm nay.

Theo các hộ dân, dòng nước ở đây bị ô nhiễm từ lúc hình thành các điểm công nghiệp sản xuất dong riềng ở xã Dương Liễu, Cát Quế và một số công ty sản xuất thực phẩm, cơ khí, sơn màu… thuộc cụm công nghiệp Di Trạch (xã Di Trạch).

Hoạt động sản xuất của các làng nghề và cụm công nghiệp đã xả thải ra kênh T2 dài 10km chảy từ xã Minh Khai đến xã Vân Canh có nhiệm vụ tiêu thoát nước nông nghiệp và sản xuất, biến dòng nước kênh thành một màu màu đen kịt, bốc mùi hôi thối.

Theo bà Hoa, người dân thôn Hậu Ái, xã Vân Canh, con kênh này đã bị ô nhiễm hơn 10 năm nay...

“Những ngày mưa còn đỡ, chứ hôm nào nắng hạn là dòng nước đặc sánh, đen kịt, bốc mùi hôi thối đến nghẹt thở” - lời bà Hoa.

Các hộ dân ở xã Vân Canh nhiều năm nay đều bất lực nhìn dòng nước tưới tiêu rau màu bị ô nhiễm. Trong đó có nhiều loại rau sống như xà lách, húng, rau mùi… được tưới bằng nguồn nước này - vì đây là nguồn nước duy nhất.

Trước việc nguồn nước bị "đầu độc" người dân xã Vân Canh đã khiếu nại lên điểm cụm công nghiệp Di Trạch, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Huyện, xã thừa nhận ô nhiễm nặng

Liên quan đến việc người dân xã Vân Canh “tưới rau sống bằng nước đen kịt”, ông Ông Nguyễn Xuân Lý, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức cho biết nguyên nhân gây ô nhiễm kênh T2-7 là do hoạt động xả thải của các doanh nghiệp thuộc cụm công nghiệp Di Trạch.

Theo ông, do chi phí đầu tư xử lý nước thải tốn kém, hoạt động của các doanh nghiệp không được ổn định, hiện tại cụm công nghiệp rơi vào tình trạng mạnh ai nấy… xả thải.

Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Di Trạch thừa nhận trên địa bàn xảy ra ô nhiễm là do hoạt động của các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Di Trạch xả thải ra môi trường.

Lượng nước thải xả ra môi trường không chỉ khiến người dân ở xã bị ảnh hưởng mà các vùng lân cận như xã Vân Canh cũng chịu hậu quả....

Ông Mạnh thông tin, từ tháng 5/2010, cụm công nghiệp Di Trạch có 18 doanh nghiệp đăng ký thuê đất.

Năm 2015, các doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động với một số lĩnh vực như sản xuất thực phẩm, trạm trộn bê tông, pha chế sơn, sản xuất bánh kẹo…

Do không có hệ thống xử lý chất thải, nước thải, môi trường ở đây ô nhiễm nặng.

Hà Nội: Tưới rau sống bằng nước thải đen ngòm - Ảnh 4.

Tình trạng ô nhiễm nặng nề tại đoạn kênh chảy qua thôn Hậu Ái, xã Vân Canh

Hà Nội: Tưới rau sống bằng nước thải đen ngòm - Ảnh 5.

Dòng nước ô nhiễm nằm sát các luống rau màu

"Năm 2016, UBND xã phối hợp với các cơ quan liên quan đã kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp, kết quả cho thấy trạm trộn bê tông ở cụm công nghiệp không đủ điều kiện nên đã đình chỉ, yêu cầu dừng hoạt động nhưng thực tế đến nay vẫn hoạt động" - ông Mạnh nói.

Vướng mắc vì kinh phí

Chủ tịch xã Di Trạch cho biết: "Mới đây, UBND xã đã mời các doanh nghiệp lên làm việc, đề nghị trong quá trình hoạt động xử lý chất thải, nước thải phải đảm bảo vệ sinh môi trường, thống kê lượng rác thải của công ty để có trách nhiệm ký hợp đồng với các đơn vị xử lý chất thải công nghiệp theo quy định".

UBND xã kiến nghị UBND huyện xem xét nguồn kinh phí xây dựng khu xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung giữa các doanh nghiệp.

Ngoài ra, xã Di Trạch thực hiện theo chủ trương chung của thành phố giao cho Sở Công thương phối hợp với Trung tâm quản lý Khu công nghiệp Hoài Đức để chọn giải pháp xây dựng nhà máy xử lý chất thải cho toàn bộ Cụm công nghiệp Di Trạch.

Theo đó, toàn bộ chất thải, rác thải được thu gom vào một mối để xử lý, đảm bảo môi trường.

Hà Nội: Tưới rau sống bằng nước thải đen ngòm - Ảnh 6.

Vị trí xả thải của các công ty thuộc cụm công nghiệp Di Trạch

Hà Nội: Tưới rau sống bằng nước thải đen ngòm - Ảnh 7.

Một cống xả ra nước có màu đen, bốc mùi hôi

Hà Nội: Tưới rau sống bằng nước thải đen ngòm - Ảnh 8.

Có cả chất thải khó phân hủy đóng váng tại mương tiêu thoát nước

Nhiều năm nay, người dân ở các vùng lân cận cụm công nghiệp liên tục gửi đơn kêu cứu, khiếu nại đến chính quyền xã và cơ quan chức năng về tình trạng ô nhiễm do cụm công nghiệp này gây ra, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại