- Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, TP sẽ thí điểm việc đỗ xe ôtô luân phiên chẵn/lẻ theo ngày ở một số tuyến phố chật hẹp: ngày chẵn thì đỗ bên lề đường số chẵn, ngày lẻ đỗ bên lẻ để đảm bảo công bằng. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội: Trước hết tôi hoan nghênh Chủ tịch UBND Hà Nội đã đề xuất một ý tưởng mới nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực phố cổ.
Tuy nhiên, việc làm này sẽ có khó khăn do lịch sử để lại.
Khó khăn thứ nhất, đường phố hiện nay được kẻ và cho thuê (các cơ quan thuê, các công ty khai thác điểm đỗ của Hà Nội thuê, tư nhân thuê và đặc biệt có phần đường dành cho các cơ quan đặc biệt quan trọng: các bộ, ngành, cơ quan công an…).
Lịch sử đã hình thành các điểm đỗ xe và cho thuê thì bây giờ phải làm lại ngay từ đầu. Bây giờ phải tiến hành thu hồi, hủy hợp đồng và phải xem xét cụ thể những đoạn đường cần thiết phải cấp cho các cơ quan doanh nghiệp.
Vậy thì nó sẽ có cái “lệch” – bên này cho thuê, bên kia cũng cho thuê, sẽ có sự lệch pha. Vậy sẽ giải quyết vấn đề đó như thế nào? Cho nên phải quy hoạch lại không thể làm ngay được.
Cái thứ hai là khi thực hiện việc đó chỉ nên thực hiện ở những tuyến phố mặt đường rộng. Nếu mặt đường hẹp thì giao thời giữa thời điểm ngày hôm nay và hôm sau sẽ khó.
Ví dụ anh ngày chẵn thì đỗ, sang ngày hôm sau, ngày lẽ nhưng anh chẵn chưa đi thì hai bên cùng đỗ cả sẽ chiếm hết lòng đường cho nên phải có quy định hết sức chi tiết về vấn đề này.
Theo tôi nên làm thí điểm ở một số tuyến phố rồi sau triển khai dần còn nếu làm ngay sẽ gây ùn tắc.
Ví dụ như phố Trần Nhân Tông chẳng hạn, một bên là rạp xiếc có bãi đỗ xe, bên này lại có trụ sở công an. Trụ sở công an thì phải có bãi đỗ xe.
Lâu nay trong trụ sở không có bãi đỗ xe thì phải đỗ ra ngoài. Thế bây giờ ngày chẵn họ đỗ bên này, ngày lẻ họ đỗ bên kia thì rất là khó.
Ông Bùi Da đã thí điểm đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ ở phố Dã Tượng và đang tính áp dụng ở các phố Trần Quốc Toản, Nguyễn Gia Thiều… Theo ông những tuyến phố này có đủ điều kiện để áp dụng?
Tôi nghĩ rằng việc đó cơ quan nhà nước phải nghiên cứu kỹ. Nếu làm nhiều mới hiệu quả còn làm một vài tuyến không giải quyết vấn đề gì.
Phải tiến tới có các giải pháp cấp bách hạn chế xe cá nhân. Hiện nay những điểm đỗ xe của công ty điểm đỗ vạch ra phục vụ không phải cho xe vào Hà Nội công tác mà lại để xe của gia đình ở phố đấy nên hơi bất hợp lý.
Ví dụ, cơ quan, xí nghiệp gần đấy họ có điểm đỗ ở đó nhưng bây giờ các nhà ở gần đó họ thuê luôn thì coi như thành bãi đỗ của gia đình. Cho nên việc này phải nghiên cứu tỷ mỷ, cụ thể.
- Vậy ông đánh giá thế nào về việc trông giữ xe trên các tuyến đường phố Hà Nội hiện nay?
Tôi cho rằng việc đỗ xe trên đường phố hiện nay rất bất cập.
Trong thời gian qua thành phố cho phát triển cho thuê điểm đỗ, đặc biệt cho công ty khai thác điểm đỗ vạch hết đường phố ra để đỗ xe nên đường phố lộn xộn, chỗ nào cũng có xe đỗ.
Đó là một trong những nguyên nhân làm cho mất văn minh giao thông đô thị.
Còn việc anh có xe anh phải trông coi, việc đó mấy chục năm rồi không giải quyết được để cho người dân phải chịu hậu quả xe tư nhân phát triển rầm rộ như vậy.
Nếu hạn chế mà cho đỗ trên hè phố thì còn gì là hạn chế nữa. Như vậy là nói và làm không gặp nhau. Cho nên chúng tôi thấy buồn ở chỗ đó.
Đường phố đáng lẽ thông thoáng, bây giờ vạch hết cả ra cho thuê, thu tiền. Thu tiền thì nhà nước được bao nhiêu đâu. Nó là một cuộc chiến!
Nói như một đồng chí lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thì đây là một cuộc chiến giữa người dân và bãi đỗ xe. Những người làm ăn chân chính không thọ được đâu mà nó có nhóm lợi ích đằng sau.
Dù sao ý tưởng của Chủ tịch UBND TP là một ý tưởng mới đối với Hà Nội.
Bây giờ không phải để Chủ tịch TP mà người dân Hà Nội, các tổ chức chính trị, xã hội phải đề xuất các giải pháp để hạn chế phương tiện cá nhân để làm cho giao thông đô thị thông thoáng chứ đừng để cho Chủ tịch TP phải nghĩ những chuyện nhỏ như thế.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Xuân Tùng (thực hiện)