Hà Nội chỉ định màu sắc chủ đạo trên phố Thái Thịnh

Hoàng Đan |

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký Quyết định phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị hai bên tuyến phố Thái Thịnh (từ Sơn Tây đến Láng Hạ).

Theo quyết định phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị hai bên tuyến phố Thái Thịnh (đoạn từ Tây Sơn đến Láng Hạ), các phường Ngã Tư Sở, Thịnh Quang, Trung Liệt, Láng Hạ nằm trong phạm vi nghiên cứu thiết kế.

Tổng diện tích đất nghiên cứu thiết kế đô thị khoảng hơn 12ha, chiều dài tuyến đường nghiên cứu là 1,4km. Thời gian hoàn thành hồ sơ không quá 6 tháng kể từ khi Nhiệm vụ đồ án thiết kế đô thị được phê duyệt, không kể thời gian trình thẩm định và phê duyệt.

Mục tiêu được đưa ra nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển đô thị và quản lý quy hoạch kiến trúc không gian cảnh quan đối với tuyến đường cải tạo, mở rộng và xung quanh các nút giao thông nằm trong khu vực đô thị đã cơ bản ổn định chức năng sử dụng đất của các lô đất.

Nhiệm vụ được thành phố đặt ra là đảm bảo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị hai bên trục đường hiện đại, đồng bộ về kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị.

Hà Nội quy định về biển hiệu trên phố Thái Thịnh - Ảnh 1.

Quyết định của UBND TP Hà Nội.

Các đơn vị liên quan phải đề xuất giải pháp cải tạo, chỉnh trang khu dân cư hiện có theo nguyên tắc không phá vỡ cấu trúc không gian truyền thống, khu vực cảnh quan tuyến.

Đối với các công trình hai bên tuyến đường cần nghiên cứu đề xuất quy định chi tiết cụ thể bước lập quy hoạch, thiết kế đô thị về khoảng lùi, quy mô tầng cao, hình thức kiến trúc, bố trí bảng hiệu…

Định hình về kiến trúc theo phương án sử dụng yếu tố cảnh quan, kiến trúc nhỏ, tạo được nét đặc trưng kiến trúc đô thị của khu vực.

Quy định cụ thể về bố trí công trình tiện ích đô thị (tượng đài, các biển chỉ dẫn, thiết bị kỹ thuật chiếu sáng, cây xanh, sân vườn, mặt nước) và quy định kiến trúc bao che các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Quyết định cũng chỉ rõ, đối với các biển quảng cáo gắn tại mặt tiền công trình cần đề xuất kích cỡ, tỷ lệ phù hợp.

Đề xuất giải pháp thiết kế cụ thể, có tính khả thi, sửa chữa những khiếm khuyết trong đô thị cũ bằng việc trồng cây xanh bổ sung, làm mái hiên dọc hè phố hoặc bằng các biện pháp kỹ thuật khác.

Chỉ định màu sắc chủ đạo trên tuyến phố phù hợp với tập quán, văn hóa.

Với các di tích, các công trình di sản văn hóa (nếu có) được khoanh vùng bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa và kiểm soát việc xây dựng các công trình xung quanh.

Trước đó, đầu tháng 5/2016, Hà Nội hoàn thành cải tạo phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân), coi đây là tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên ở Thủ đô.

Tuyến phố có vỉa hè rộng 7,5 m làm bằng đá xanh tự nhiên phục vụ người đi bộ, người khuyết tật, hệ thống chiếu sáng lần đầu tiên sử dụng đèn led, cây xanh lấy bóng mát trồng xen kẽ với hoa cảnh.

Chính quyền cũng vận động các nhà mặt tiền chỉnh trang đồng bộ màu sơn, tháo dỡ mái che, mái vẩy, thống nhất mẫu biển hiệu kinh doanh, quảng cáo.

Tuy nhiên việc "đồng phục" biển quảng cáo đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Một số hộ kinh doanh cho rằng, kích thước biển nhỏ, địa chỉ nhỏ, màu sắc giống nhau khiến khách hàng không thể nhận biết được cửa hàng của họ.

Trong trả lời của mình, UBND quận Thanh Xuân cho rằng "quận đã lấy ý kiến và được người dân đồng thuận trong thiết kế tuyến đường.

Quận không áp đặt màu sắc biển quảng cáo, tuy nhiên quan điểm của quận là cần sự đồng bộ, hài hòa về màu sắc của hệ thống biển hiệu dọc tuyến đường

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại