PGS.TS Bùi Hiền, nguyên phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội vừa công bố bản nghiên cứu trọn vẹn về cải tiến tiếng Việt và giống với việc công bố bản phụ âm kiểu mới cách đây một tháng, bản đầy đủ tiếp tục khiến dư luận xôn xao.
Sáng 27/12, trao đổi với PV, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học, đồng thời là nhà nghiên cứu văn hóa cho hay, cách đây một tháng, khi đề xuất của PGS Bùi Hiền được đưa ra ông đã phát biểu rõ quan điểm của mình.
"Việc nghiên cứu, công bố của PGS Hiền là quyền cá nhân còn tôi sẽ không tham gia cũng như có ý kiến gì nữa cả.
Với những người hiểu biết thì chỉ nên nói về đề xuất đó một lần là đủ chứ không cần nói lần thứ hai, bởi nó có thể sẽ khuyến khích ông ấy làm tiếp rồi lại công bố", GS Thêm nói.
GS Thêm cũng đề nghị, dư luận không nên phản ứng, phản hồi gì thêm về đề xuất của PGS Bùi Hiền.
GS Trần Ngọc Thêm. Ảnh từ trang cá nhân.
"Theo tôi không nên có phần 2, phần 3 gì nữa cả mà nên dừng lại. Chúng ta, báo chí, dư luận cũng không cần phản hồi, phản ứng gì nữa thì tự khắc nó sẽ rơi vào quên lãng", GS Thêm nêu.
Còn GS Lê Quang Thiêm, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam bày tỏ, cá nhân ông dù quan tâm nhưng không muốn nói thêm gì về đề xuất cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt của PGS Bùi Hiền.
"Bởi lẽ, dư luận thì đã rõ rồi còn tác giả Bùi Hiền nếu thích nghiên cứu, công bố thì cứ để ông tiếp tục vì đó là quyền cá nhân, không ai cấm, cản được cả", GS Thiêm nói.
Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam thông tin, việc trước đây Hội đồng ý cho PGS Bùi Hiền tham gia, báo cáo tại Hội thảo ngôn ngữ tổ chức ở Đại học Quy Nhơn đã là một phần nào đó thể hiện sự ghi nhận về nghiên cứu.
"Hiện tại, chúng tôi cũng không có ý kiến gì nữa còn tất cả như tôi đã nói, đó là quyền cá nhân", GS Thiêm nêu.
Trả lời câu hỏi, chúng ta có nên khuyến khích những nghiên cứu, đề xuất như của PGS Bùi Hiền không, GS Thiêm cho rằng, đây là vấn đề lớn, không đơn giản nên rất khó có thể nói rõ.
TS Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết cũng nhìn nhận, trong phần 2 của đề xuất cải tiến tiếng Việt mà PGS Bùi Hiền công bố đã có sự bất ổn trong cách đặt vấn đề.
Cụ thể, là việc giải quyết khắc phục tình trạng viết sai chính tả bằng cách xoá bỏ ranh giới đúng - sai của các phụ âm.
Thứ hai là việc dùng tiếng Thủ đô Hà Nội làm cơ sở ngữ âm cho việc xác định danh mục chữ cái tiếng Việt. Trong khi đó, tiếng của Hà Nội về cơ bản không phân biệt r, d/ s, x/ ch, tr...sẽ không thể đại diện cho cách phát âm của người Việt nói chung.
Cũng theo TS Tuyết, việc PGS Hiền nói không cần in lại toàn bộ sách báo, ấn phẩm, sách giáo khoa, hợp đồng kinh tế, giấy tờ..., vì cho rằng những người biết quốc ngữ vẫn yên tâm sử dụng tất cả những thứ đó tới hết đời.
"Vậy nếu đề xuất này được thực hiện, những thế hệ con cháu chúng ta sẽ tiếp nhận di sản văn hoá sử dụng chữ quốc ngữ hiện tại như thế nào nếu không biết đồng thời hai hệ thống ngôn ngữ?
Đưa ra giải pháp "in một số tác phẩm văn thơ cần thiết để phổ cập nhanh chóng" như thời dùng chữ quốc ngữ thay chữ Hán đầu thế kỉ trước sẽ mặc nhiên loại bỏ một phần lớn di sản văn hoá dân tộc.
PGS dẫn chứng giấy khai sinh thời Pháp in ba thứ chữ: chữ Pháp, chữ Nho, chữ quốc ngữ, nếu theo sáng kiến này, lượng tiền của, công sức, thời gian...in ấn sẽ lớn gấp bao nhiêu lần 9% tiết kiệm được mà ông cho rằng cải tiến mới sẽ đem lại?", TS Tuyết nêu.
Một đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, trước đây, Bộ cũng đã nêu quan điểm về đề xuất nên hiện tại sẽ không có thêm ý kiến gì về vấn đề này.