Quanh vụ việc bác sĩ Hoàng Công Lương (BVĐK tỉnh Hoà Bình) bị bắt tạm giam do liên quan đến sự cố 8 bệnh nhân chạy thận tử vong, trao đổi với PV chiều 28/6, Anh hùng lao động, GS.Phạm Gia Khải (Chủ tịch Hội Tim mạch VN, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch VN) cho hay, ông cảm thấy không ổn.
"Theo kết luận của cơ quan công an thì nguyên nhân dẫn đến việc bệnh nhân tử vong là do nhiễm độc các hóa chất tồn dư cao gấp rất nhiều lần trong hệ thống máy lọc nước dẫn vào máy lọc thận.
Như vậy, lỗi chính là do đơn vị cung cấp, bảo dưỡng thiết bị định kỳ theo hợp đồng thực hiện không làm sạch nước và trách nhiệm là của ban giám đốc, phòng ban liên quan, nhân viên kỹ thuật, còn bác sĩ Lương quá nhiều việc nên không nắm được hết, đã chỉ định cho chạy máy dẫn đến chết người rồi bị bắt.
Theo tôi, việc bắt bác sĩ Lương như thế nặng nề quá và không ổn chút nào", GS Khải nói.
GS Khải cũng chia sẻ, việc bác sĩ Lương chỉ định cho chạy máy lọc thận cũng với mong muốn làm sao phải chạy cho bệnh nhân được sớm.
"Nghề y của chúng tôi, nhất là chuyên môn thận nhân tạo là làm việc theo dây chuyền, mỗi bộ phận lo của mình.
Bác sĩ Lương chỉ là một bộ phận của dây chuyền, nhưng bắt như vậy là có phần vô lý vì làm sao bác sĩ biết được họ đã sục ống, đảm bảo an toàn chưa.
Việc bác sĩ Lương bị bắt sẽ đặt ra một vấn đề khác là bất kỳ bác sĩ nào một lòng vì bệnh nhân, ở vị trí đó cũng có thể bị mắc vào sự cố không may của anh Lương và có thể bị bắt", nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch VN bày tỏ.
Một vấn đề khác cũng được vị Giáo sư này đặt ra đó là từ sự hoang mang, lo lắng của bác sĩ, nhân viên y tế sau sự việc bắt bác sĩ Lương có thể dẫn tới thiệt thòi lớn nhất và nguy hiểm cho chính bệnh nhân.
"Đã từng có trường hợp vì một bệnh nhân có ý kiến mà lãnh đạo bệnh viện dọa đuổi một bác sĩ và sau đó cả khoa họ cùng đình công, như thế bệnh nhân thiệt thòi rất lớn.
Nhưng đó là trường hợp nhỏ. Với trường hợp bác sĩ Lương thì không còn ở trong một bệnh viện mà sẽ lan rộng ra, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế có thể sẽ sợ không dám làm, tư tưởng không ổn định dẫn đến bệnh nhân chịu sự nguy hiểm lớn.
Do đó, tôi mong Bộ Y tế cần sớm lên tiếng về việc này và dù bác sĩ Lương có liên quan nhưng cũng không cần thiết, không nên bắt giam mà nên cho tại ngoại để xác định, làm rõ. Có như vậy thì dư luận, cán bộ ngành y mới yên tâm", GS Khải nhìn nhận.
Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cũng đặt câu hỏi, theo quy định, trách nhiệm quản lý cao nhất và cuối cùng ở bệnh viện là giám đốc nhưng tại sao ở đây, giám đốc bệnh viện chưa bị xử lý mà bác sĩ Lương lại bị khởi tố, bị bắt?
"Ông giám đốc bệnh viện là chỉ huy tất cả mà không việc gì thì thực sự vô lý. Tôi nghĩ các cơ quan chức năng, nhất là Bộ Y tế cần sớm lên tiếng về việc này", GS Khải nhấn mạnh.
Trách nhiệm của GĐ BV Đa khoa Hòa Bình ra sao?
PV: Xem xét toàn bộ quá trình, diễn biến xảy ra vụ việc, theo luật sư trách nhiệm của BV Đa khoa Hòa Bình như thế nào? Tại sao ở thời điểm này, chỉ những người liên quan bị khởi tố, tạm giam mà GĐ Bệnh viện này mới chỉ hai lần bị chỉ công tác? Như vậy có thỏa đáng hay không?
Luật sư Phạm Ngọc Minh, Công ty Luật TNHH Everest: Theo quy định của pháp luật, giám đốc bệnh viện được xác định là công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập, chịu sự điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức.
Đồng thời, theo quy định của Luật này, công chức đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có nghĩa vụ chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Do đó, trong vụ việc trên, giám đốc bệnh viện không thể vô can.
Tuy nhiên, việc xác định giám đốc bệnh viện sẽ chịu trách nhiệm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, trách nhiệm hành chính hay trách nhiệm hình sự thì sẽ do cơ quan tiến hành tố tụng điều tra và kết luận.
Nhưng theo quan điểm cá nhân tôi, việc điều tra và xem xét các hành vi phạm tội bên cạnh yêu cầu nhanh chóng, kịp thời theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự cần cẩn trọng, khách quan, tránh vội vàng kết luận và không vì sức ép dư luận mà dẫn đến oan sai.