Trao đổi với báo Infonet, GS. Nguyễn Thanh Liêm - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, câu chuyện của bác sĩ Lương bị bắt nếu nhìn ở góc độ khác thì thực sự nguy hiểm cho các bệnh nhân đang điều trị. Không chỉ riêng ở Hoà Bình mà cả nước.
GS. Liêm lấy ví dụ nếu trường hợp bệnh nhân có khối u cần mổ cơ hội sống 50:50 sau ca mổ nhưng bác sĩ sẽ sợ trách nhiệm có thể xảy ra khi mổ cho bệnh nhân và họ chọn không mổ.
Những việc bác sĩ né điều trị này thì người bệnh thiệt thòi nhất.
Khi bác sĩ né, GS. Liêm cho rằng ngay cả báo chí hay bản thân bệnh nhân cũng không thể kết tội bác sĩ được và thực sự hiệu ứng của việc bác sĩ Lương bị bắt sẽ xảy ra chuyện này.
"BS. Lương có liên quan nhưng có nhất thiết phải bắt giam vì việc bắt giam đang gây ra một hiệu ứng hết sức tiêu cực. Rất rất nhiều cán bộ y tế bị sốc nặng, chán nản vì vậy sức khỏe của rất nhiều người bệnh cũng bị ảnh hưởng theo.
Những người có trách nhiệm chắc đang vô cùng cân nhắc, đắn đo khi kí quyết định điều trị, quyết định phẫu thuật cho người bệnh" - GS. Liêm nói.
Theo GS. Liêm, để đảm bảo an toàn cho thầy thuốc, các bệnh nhân nặng có thể sẽ được chuyển lên tuyến trên thay vì điều trị tại chỗ mặc dù tình trạng bệnh nhân có thể xấu đi trên đường vận chuyển, các thầy thuốc có thể sẽ né tránh những bệnh nhân nặng nhiều rủi ro …
Những phẫu thuật tạm thời nhưng an toàn cho thầy thuốc có thể sẽ được sử dụng thay cho các phẫu thuật triệt để quá nhiều nguy cơ…
GS. Liêm nhấn mạnh, trong vụ việc này cần làm đúng quy trình nhưng trong ngành y đôi khi cũng phải linh hoạt.
Điều gì có thể xảy ra nếu bác sỹ ngoại nói chung có thể từ chối phẫu thuật cho một bệnh nhi 15, 16 tuổi bị viêm ruột thừa hoặc chấn thương bụng đang chảy máu cấp chỉ vì không có chứng chỉ hành nghề Ngoại Nhi hoặc không được cấp đặc quyền làm phẫu thuật Nhi.
Tính mạng người bệnh quan trọng hơn cả quy trình.
GS. Liêm mong muốn các cơ quan pháp luật sẽ có một cái nhìn thấu tình đạt lý trong việc xử lí bác sỹ Lương để không ảnh hưởng đến tinh thần nhiệt huyết của nhiều cán bộ y tế cũng như sức khỏe của nhiều người bệnh.
Xử lý hình sự bác sĩ là chuyện hiếm
Bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, theo số liệu nghiên cứu của Đại học Harvard, trung bình mỗi năm có khoảng 98.000 người Mỹ chết do lỗi sai sót y tế. Một nửa trong số đó là các lỗi mà bác sĩ có thể ngăn ngừa được.
Luật pháp Mỹ quy định, khi một bệnh nhân bị tử vong trong quá trình điều trị, bác sĩ có thể phải chịu trách nhiệm về sự sơ xuất, ngộ sát, hay giết người ở mức độ 2.
Nhưng các bác sĩ ở Mỹ thật “hạnh phúc”, khi việc truy tố hình sự đối với họ ở Hoa Kỳ lại rất hiếm khi xảy ra.
Cụ thế, theo số liệu nghiên cứu của tác giả Monico E và cộng sự, từ năm 1908 đến năm 1981, tòa án Mỹ mới chỉ truy tố 15 bác sĩ. Gần đây có tăng lên, từ năm 1984 đến năm 2004 truy tố 15 người.
Cả 30 vụ án Hoa Kỳ đưa ra xét xử trong suốt một thế kỉ, đều liên quan đến cái chết của một hay nhiều bệnh nhân.
Bác sĩ Phúc cho rằng, thực hành y khoa là một công việc rất đặc biệt, ở đó luôn tiềm ẩn những rủi ro và những điều không chắc chắn.
Bác sĩ không bao giờ có thể đảm bảo chẩn đoán của họ là chính xác, y lệnh hay các thủ thuật không ai dám đảm bảo khi thực hiện sẽ không xảy ra tai biến.
Có những cái chết hoàn toàn tránh được, nhưng trong khoảnh khắc nào đó bác sĩ để xảy ra sơ xuất, đó là ác mộng với chính bác sĩ, là bài học sâu sắc với tất cả các đồng nghiệp.
Những bệnh nhân may mắn thoát nạn, hoặc gia đình của họ, có thể khởi kiện bác sĩ; nhưng công tố viên ở Mỹ rất rất hiếm khi cho rằng những hành vi gây chết người của bác sĩ đủ yếu tố cấu thành tội hình sự.
Để truy tố một bác sĩ, tòa án ở Mỹ không chỉ dựa vào các yếu tố cấu thành tội phạm như ngoài xã hội, mà bắt buộc phải xem xét trạng thái tâm lí bác sĩ khi thực hiện các thủ tục y tế, bắt buộc phải tham khảo ý kiến của hội đồng chuyên gia y tế.
Và như vậy, vai trò cũng như tiếng nói của các hội nghề nghiệp thực sự rất quan trọng để quyết định có hay không truy tố bác sĩ tội hình sự.
Cơ quan công an đã làm đúng chức năng khi thực hiện lệnh bắt khẩn cấp bác sĩ Hoàng Công Lương với tội danh “vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.” – Điều 242 Bộ luật hình sự.
Nhưng BS Phúc cho rằng, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án rất cần xem xét lại động cơ phạm tội của bác sĩ Lương, cần hơn nữa là tham khảo ý kiến của các hội nghề nghiệp.
Tôi đặc biệt đánh giá rất cao đơn kiến nghị của Hội Hồi sức Cấp cứu Chống độc Việt Nam do giáo sư Nguyễn Gia Bình kí, gửi Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Tôi cho rằng, truy tố bác sĩ thực sự là một cơn ác mộng. Khi thông tin bác sĩ Lương bị bắt tạm giam lan tỏa trên các báo, cộng đồng bác sĩ chúng tôi đã rúng động, không ai có thể ngồi yên.
Tôi rất mong cơ quan chức năng hãy tham khảo phán quyết của Tòa án tối cao Massachusetts năm 1980 : “Bác sĩ sẽ được bảo vệ, nếu hành động của bác sĩ dựa trên sự phán đoán có thiện chí tốt dành cho người bệnh”.