GS ngành Độc chất học Trung Quốc: Có một thứ "không hề an toàn", nhiều người dùng nhưng ít người biết

Minh Hằng |

Theo GS Kenneth Leung, mọi người đều đang sử dụng thứ này nhưng lại không biết rằng chúng đều có chất độc.

GS Kenneth Leung, Hiệu trưởng Trường Năng lượng và Môi trường, ĐH TP Hong Hong (Trung Quốc). Ảnh: MH

GS Kenneth Leung, Hiệu trưởng Trường Năng lượng và Môi trường, ĐH TP Hong Hong (Trung Quốc). Ảnh: MH

Đó là điện thoại thông minh. Báo cáo từ hãng nghiên cứu Canalys chỉ ra rằng, trong quý I/2024, sản lượng điện thoại thông minh trên toàn cầu đã tăng 10%, khi đạt tổng cộng 296,2 triệu máy. Trong đó, Samsung đã xuất xưởng tới 60 triệu chiếc điện thoại chỉ trong 3 tháng đầu năm, chiếm khoảng 20% thị phần và lấy lại vị trí số 1 từ tay Apple.

Đứng vị trí thứ hai là Apple với 48,7 triệu iPhone xuất xưởng, chiếm khoảng 16% thị phần. Vị trí thứ 3 thuộc về Xiaomi, với 40,7 triệu máy, chiếm 14% thị phần.

Điện thoại thông minh được sản xuất rất nhiều lên tới hàng trăm triệu máy mỗi năm. Thực tế, với sự phổ biến cùng sự phát triển bùng nổ của công nghệ, đa dạng về mẫu mã, phần lớn mọi người đều có điện thoại thông minh. Tuy nhiên, ít ai biết rằng những chiếc điện thoại này có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người dùng.

Chất độc có trong điện thoại có thể xâm nhập vào cơ thể con người

GS ngành Độc chất học Trung Quốc: Có một thứ "không hề an toàn", nhiều người dùng nhưng ít người biết- Ảnh 1.

Theo GS Kenneth Leung, điện thoại là vật dụng không hề an toàn như nhiều người nghĩ. Ảnh: BTC

Tại Toạ đàm InnovaConnect, GS Kenneth Leung, Hiệu trưởng Trường Năng lượng và Môi trường, GS ngành Độc chất học và Hóa học môi trường, Giám đốc Phòng thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia về Ô nhiễm biển – ĐH TP Hong Hong (Trung Quốc) nhấn mạnh: "Tất cả mọi người hiện nay đều có điện thoại di động. Nhưng tôi rất tiếc phải nói rằng các bạn không hề an toàn một chút nào".

Theo GS Kenneth Leung, mối đe dọa đáng chú ý là từ chất liệu monomer tinh thể lỏng (LCM). Đây là chất liệu có trong những tấm nền LCD trên điện thoại di động, màn hình máy tính, TV và các thiết bị điện tử khác.

Sản lượng của tấm nền LCD hàng năm trên phạm vi toàn cầu ước tính vào khoảng 198 triệu m2, và hơn 48,5 triệu tấm nền LCD bị loại bỏ như rác thải điện tử. Nhưng mối đe dọa từ những tấm nền LCD với sức khỏe của con người thì không phải ai cũng biết.

"Trung bình có từ 10 – 20 hỗn hợp LCM thường được sử dụng trong một màn hình LCD. Chúng chứa độc tố và có thể xâm nhập qua tóc, da tay hay da mặt… Vì vậy, nếu chúng ta càng sử dụng nhiều thiết bị điện tử thì nồng độ của các chất này sẽ xâm nhập vào cơ thể càng cao", GS Leung chia sẻ.

Để bảo vệ sức khỏe con người, theo GS Leung, mỗi người nên giảm tần suất sử dụng thiết bị điện tử, hoặc có màng bọc để bảo vệ bản thân khỏi màn hình LCD. Trong tương lai gần, cần phát triển công nghệ để loại bỏ LCM từ màn hình LCD.

"Có một tin vui là chúng ta có thể loại bỏ thành công đến 85% khi sử dụng các nhà máy xử lý thứ cấp các chất LCM này. Tuy nhiên, có đến 80% các quốc gia trên thế giới hiện chưa có các nhà máy xử lý chất thải thứ cấp. Như vậy, tiền hay ngân sách sẽ đóng một vai trò rất quan trọng để chúng ta có được các nhà máy xử lý thứ cấp", GS Leung cho hay.

Ngoài LCM, GS Leung còn cho biết, có nhiều chất độc gây ô nhiễm môi trường được tìm thấy gây nguy hại cho sức khỏe con người, chẳng hạn như vi nhựa trong các lốp xe ô tô, ô nhiễm dược phẩm toàn cầu tại các dòng sông trên thế giới…

"Các con sông tại các quốc gia có thu nhập trung bình thấp là những nơi ô nhiễm nhất. Tại các quốc gia này, những loại thuốc phổ biến nhất được tìm thấy trong các con sông là thuốc giảm đau và kháng sinh", GS Leung chia sẻ.

Nhiều chất độc tồn tại ở nơi không ngờ, tác hại rất lớn

GS ngành Độc chất học Trung Quốc: Có một thứ "không hề an toàn", nhiều người dùng nhưng ít người biết- Ảnh 3.

GS Ming Hung Wong cho biết, các chất độc hại BPA và Phthalates không chỉ có trong các đồ uống, hộp đựng thực phẩm mà còn được tìm thấy trong kem dưỡng da, dầu gội và son môi. Ảnh: BTC

Đồng quan điểm với GS Kenneth Leung, GS Ming Hung Wong tại ĐH Giáo dục Hong Kong (Trung Quốc), đưa ra cảnh báo về tác động tiềm ẩn chất hai hóa chất Bisphenol A (BPA) và phthalates trong nhựa dùng hàng ngày gây hại sức khỏe. Theo vị GS này, BPA là một thành phần chính trong nhựa và phthalates được thêm vào để tăng độ bền và tính dẻo.

Trước đây, người ta thường tìm thấy BPA trong chai nước, bình sữa em bé, hộp đựng thực phẩm…. Trong khi đó, Phthalates có trong nhiều sản phẩm, chẳng hạn như đồ chơi nhựa, sàn nhựa vinyl, các sản phẩm chăm sóc cá nhân (như kem dưỡng da, dầu gội và son môi). Ngoài ra, một số đồ uống như chất tạo độ đục cũng có chứa Phthalates.

GS Ming Hung Wong liên tiếp lọt vào Top 2% Nhà khoa học hàng đầu Thế giới (Đại học Stanford, 2020-2023) cho những cống hiến trong lĩnh vực Khoa học Môi trường.

Cách đây khoảng 15 năm, tại Đài Loan (Trung Quốc), việc chất phthalates được tìm thấy có trong đồ uống đã gây ra quan ngại lớn. Theo GS Wong, phthalates từng được cho thêm vào đồ uống, chẳng hạn như trà sữa vì có giá rẻ và chúng tạo ra vẻ ngoài có màu đục hấp dẫn. Thế nhưng điều đáng lo là hóa chất như phthalates lại có thể ngấm vào các thực phẩm và đồ uống mà con người tiêu thụ.

BPA và phthalates đều được phân loại là chất gây nên tình trạng rối loạn nội tiết, gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản ở con người và động vật. Đồng thời, các hóa chất này cũng gây ra các vấn đề về tình trạng dậy thì sớm ở trẻ em gái và chậm lớn ở các bé trai. Ngoài ra, các hóa chất trên còn gây bệnh tim mạch, béo phì, ảnh hưởng tới gan, thận…

Theo GS Ming Hung Wong, nhựa vẫn đang được con người sử dụng rất nhiều. Thông thường, túi nhựa thường được đi kèm với đồ uống, thực phẩm, chẳng hạn như túi đựng bánh mỳ, bánh ngọt và bánh bao. Bên cạnh đó, việc nhiều người có thói quen hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng trong hộp nhựa cũng tiềm ẩn các nguy cơ nhiễm độc BPA và phthalates.

"Làm nóng các hộp nhựa bằng lò vi sóng sẽ làm tăng nguy cơ các hóa chất ngấm vào trong thức ăn và đồ uống của chúng ta. Bởi vì nhiệt khi đạt ở mức quá cao thì có thể khiến các hóa chất này hoạt động mạnh hơn", GS Wong lý giải.

Vị chuyên gia hàng đầu thế giới về Khoa học Môi trường nhấn mạnh, chúng ta nên đặt mục tiêu về giảm thiểu ô nhiễm và tái chế chất thải trong điều kiện an toàn. Trong đó, đầu tư vào những nguồn năng lượng tái tạo và giáo dục công chúng được coi là những bước quan trọng.

GS ngành Độc chất học Trung Quốc: Có một thứ "không hề an toàn", nhiều người dùng nhưng ít người biết- Ảnh 5.

PGS. TS Từ Bình Minh, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội, trình bày tham luận tại tọa đàm. Ảnh: BTC

Đồng tình với hai vị GS từ Hong Kong (Trung Quốc), PGS. TS Từ Bình Minh, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội dẫn kết quả nghiên cứu phát hiện hàm lượng cao của nhóm chất mới nổi EDCs, chẳng hạn như Phthalates, siloxanes, bisphenols A được sử dụng trong nhiều sản phẩm nhựa, dệt may, mỹ phẩm (bao gồm dầu gội đầu và chất tạo bóng)…

PGS Từ Bình Minh cho biết, Việt Nam hiện nay đặc biệt quan tâm nghiên cứu về hợp chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs) và các chất gây rối loạn nội tiết (EDCs). Trên thực tế, Việt Nam cũng đã huy động thành công hơn 16 triệu USD nhằm nâng cao năng lực xử lý chất ô nhiễm thông qua nhiều dự án.

Từ những kinh nghiệm thu được từ chương trình nghiên cứu toàn cầu thành công, theo PGS Từ Bình Minh, xu hướng cần ưu tiên để giải quyết tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ là tập hợp mạng lưới các phòng thí nghiệm chất lượng cao trong quy mô khu vực và toàn cầu. Thông qua những dự án hợp tác quốc tế, các quốc gia đang phát triển có cơ hội tiếp cận với các giải pháp quản lý hóa chất hiệu quả và nâng cao năng lực giám sát cũng như đánh giá rủi ro đối với hệ sinh thái, sức khỏe con người.

GS Leung cũng đồng ý với quan điểm này. Ông cho rằng, để giải quyết "bài toán" hạn chế tác đông của các chất ô nhiễm hữu cơ cần có sự chung tay vào cuộc của các bên liên quan, bao gồm cả các cơ quan chính phủ, cộng đồng địa phương, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và những nhà khoa học.

Toạ đàm InnovaConnect với chủ đề "Tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ đến môi trường và sức khỏe con người: Thách thức và giải pháp" được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 19/6.

InnovaConnect là sáng kiến mới nhất của Quỹ VinFuture để tiếp nối thành công của chuỗi sự kiện "Đối thoại khám phá tương lai VinFuture" từ mùa giải VinFuture 2023. Mục tiêu của InnovaConnect là nhằm tăng cường giao lưu học thuật, trao đổi chuyên môn và thúc đẩy hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học uy tín thế giới với các Viện – Trường hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực khoa học - công nghệ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại