Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trưa ngày 20/6. Ảnh: TTXVN
Đó là năng lượng nguyên tử. Ngày 20/6, sau cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Tô Lâm tại Phủ Chủ tịch, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo về việc hai nước đã ký bản ghi nhớ về xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân ở Việt Nam. Tổng thống Putin khẳng định rằng, phát triển năng lượng nguyên tử hòa bình là lĩnh vực hứa hẹn trong việc mở rộng hợp tác song phương giữa Nga và Việt Nam.
Cụ thể, một trong những chủ đề trong chương trình nghị sự là dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân tại Việt Nam, do Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) tiến hành, đồng thời đào tạo các chuyên gia nguyên tử Việt Nam ở những trường đại học chuyên ngành của Nga.
Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Vladimir Putin cũng đã chứng kiến lễ trao đổi bản ghi nhớ giữa Tổng giám đốc Rosatom Alexey Likhachev và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt về kế hoạch triển khai dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân tại Việt Nam.
Đây chính là một trong 11 văn kiện mà hai bên đã tiến hành ký kết trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Putin đến Việt Nam. Những văn kiện này tập trung vào những lĩnh vực như hợp tác giáo dục đại học, hợp tác năng lượng, dầu khí, phòng chống dịch bệnh…
Tại cuộc gặp gỡ báo chí sau hội đàm với Chủ tịch nước Tô Lâm tại Phủ Chủ tịch, Tổng thống Putin khẳng định Nga sẵn sàng thiết lập nguồn cung trực tiếp và lâu dài về năng lượng, trong đó có khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho Việt Nam.
Người đứng đầu Điện Kremlin cho biết, các liên doanh giữa hai nước đang hoạt động rất hiệu quả, chủ yếu là trong lĩnh vực năng lượng. Cụ thể là Vietsovpetro trên thềm lục địa Việt Nam và Rusvietpetro ở khu tự trị Nenets của Nga.
Trước đó, trong bài viết đăng trên báo Nhân dân ngày 19/6/2024 nhân dịp chuyến thăm chính thức đến Việt Nam, Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá năng lượng là lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược trong hợp tác song phương. Ông Putin nói: "Tôi muốn nhấn mạnh rằng Rosatom luôn sẵn sàng hỗ trợ các đối tác Việt Nam trong xây dựng ngành năng lượng nguyên tử quốc gia, bao gồm cả việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực".
Cái tên "là trung tâm chuỗi năng lượng hạt nhân toàn cầu"
Rosatom hiện là tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghiệp hạt nhân. Tính đến nay, tập đoàn này có 450 công ty thành viên, với tổng số nhân lực trên 350.000 người hoạt động tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nhà máy điện hạt nhân của Rosatom hiện đang cung cấp 19,9% điện năng cho nền kinh tế của Nga.
Ngoài ra, Tập đoàn Rosatom hiện đứng đầu thế giới về danh mục dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở nước ngoài, với 34 tổ máy. Tập đoàn đứng thứ hai về trữ lượng khai thác và chế biến uranium và đứng thứ ba trên thị trường nhiên liệu hạt nhân toàn cầu. Đây cũng là tập đoàn duy nhất trên thế giới phát triển, đóng mới và khai thác các tàu phá băng.
Theo Tass, trong năm 2023, Tập đoàn Rosatom có doanh thu 14 tỷ USD trong năm 2023.
Theo Financial Times, Tập đoàn Rosatom đóng vai trò trung tâm trong chuỗi năng lượng hạt nhân toàn cầu. Rosatom hiện cung cấp hơn 1/5 lượng nhiên liệu uranium được làm giàu dùng để cung cấp năng lượng cho các lò phản ứng hạt nhân ở Mỹ và châu Âu, đồng thời đáp ứng một nửa nhu cầu uranium của các quốc gia như Hungary.
Trước đó, chiều 19/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Alexey Likhachev, Tổng Giám đốc Tập đoàn Rosatom.
Trong cuộc gặp này, ông Alexey Likhachev khẳng định trên nền tảng tốt đẹp của quan hệ hai nước, phía Nga và Rosatom mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực mà Thủ tướng đề cập, đặc biệt là nghiên cứu về khoa học hạt nhân (gồm điện nguyên tử, y học hạt nhân, ứng dụng trong giao thông vận tải…) và những lĩnh vực khác như phát triển điện gió.
Ngoài ra, nước Nga và Tập đoàn Rosatom sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực, đào tạo nhân lực, thúc đẩy nội địa hóa tối đa trong các lĩnh vực này.