Hôm thứ Sáu (23/8), Akademik Lomonosov – đồng thời cũng là lò phản ứng hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới do Nga sản xuất, sẽ rời cảng Murmansk, Bắc Cực và bắt đầu chuyến đi dài 5.000km tới đông bắc Siberia.
Cơ quan hạt nhân Rosatom cho hay, Akademik Lomonosov chỉ là một giải pháp thay thế đơn giản cho việc xây dựng một nhà máy thông thường trên mặt đất. Họ cũng dự định sẽ bán những lò phản ứng tương tự ra thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, các nhóm hoạt động môi trường từ lâu đã cảnh báo về tính nguy hiểm của dự án và gọi đó là "Chernobyl trên băng" hoặc "Titanic hạt nhân".
Theo kế hoạch, chuyến đi sẽ kéo dài khoảng 4 – 6 tuần, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và số lượng băng trên đường.
Khi cập cảng Pevek – một thị trấn nhỏ ở Chukotka, Siberia, Akademik Lomonosov sẽ thay thế một nhà máy điện hạt nhân địa phương và một nhà máy điện đốt ra than đã bị đóng cửa.
"Bất kỳ nhà máy năng lượng hạt nhân nào cũng tạo chất thải phóng xạ và có thể gặp tai nạn, nhưng Akademik Lomonosov đặc biệt còn dễ rơi vào nguy hiểm hơn khi gặp bão", Rashid Alimov, người đứng đầu bộ phận năng lượng của tổ chức Hoà bình Xanh Nga nói với hãng tin AFP.
Lò phản ứng được kéo đi bởi các tàu, vì vậy khả năng va chạm trong một cơn bão là gần như chắc chắn.
Ngoài ra, do Rosatom chưa các nhiên liệu đã dùng rồi ngay trên tàu, theo Alimov, "bất kỳ tai nạn liên quan tới nhiên liệu nào cũng sẽ để lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường dễ tổn thương của Bắc Cực".
Ông cũng chỉ ra, hiện khu vực này "chưa có đủ hạ tầng cơ sở cho công tác làm sạch hạt nhân".
Akademik Lomonosov nặng 21.000 tấn và có hai lò phản ứng có khả năng sản xuất tới 35 megawatt điện/lò. Con tàu có 69 thuyền viên và có thể di chuyển với vận tốc từ 3,5 tới 4,5 hải lý/giờ.
Ông Alimov nhận xét, chính dự án Akademik Lomonosov đã khiến Chukotka đánh mất cơ hội của mình mặc dù "có tiềm năng rất lớn về phát triển năng lượng gió".
"Một nhà máy điện hạt nhân nổi là quá nguy hiểm, đồng thời là một cách đắt đỏ để sản xuất điện", ông cho hay.