LTS: Cuộc chiến chớp nhoáng giữa Israel và khối Arab năm 1967 chỉ kéo dài 6 ngày nhưng vô cùng ác liệt, với tổn thất nặng nề cho khối Arab.
Để giúp độc giả có cái nhìn toàn cảnh về cuộc chiến này, chúng tôi xin giới thiệu tuyến bài "Chiến tranh 6 ngày". Mời quý độc giả đọc các kỳ trước tại đây:
Kỳ 1: Cảnh báo lạnh người từ tình báo Liên Xô
Kỳ 2: Toan tính của các siêu cường
Kỳ 6: Cuộc chiến trên không (P2)
Cho đến trước Chiến tranh 6 ngày, chiến lược của Mỹ trong khu vực vẫn là duy trì mối quan hệ tốt với tất cả các nước Ả Rập nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô. Nhưng điều đó khiến nhiều người Mỹ vô tình bị kẹt giữa 2 làn đạn.
Người Mỹ giữa 2 làn đạn
Khi chiến tranh nổ ra, một vận tải cơ C-130 của Mỹ đang trong nhiệm vụ bàn giao thiết bị cho Jordan tại sân bay Mafraq.
Phi hành đoàn phải phá hủy các thiết bị thông tin liên lạc và sau đó bay đến sân bay Dharan, Ả Rập Saudi. Máy bay và toàn bộ phi hành đoàn 37 người bị giới chức Ả Rập Saudi tạm giữ. Sau khi có sự can thiệp từ bộ ngoại giao Mỹ, những người này cuối cùng cũng được phép bay đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó tại căn cứ không quân Wheelus, Libya, tình hình có vẻ vượt tầm kiểm soát khi một đám đông giận dữ tập trung bên ngoài cổng khu căn cứ. Tọa lạc bên bờ Địa Trung Hải, ngay cạnh thủ đô Tripoli, với diện tích lên đến hơn 50 km2, đây là căn cứ quân sự hải ngoại lớn nhất của Mỹ vào thời điểm đó. Một nhà ngoại giao từng gọi nó là “tiểu Hoa Kỳ.”
Đơn vị đồn trú chính tại đây, Không đoàn huấn luyện 7272, với hơn 50 chiến đấu cơ F-100 Super Sabre được lệnh giữ nguyên vị trí và trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ căn cứ. 4 chiếc F-100 được triển khai trên đường băng, sẵn sàng cất cánh khi có lệnh. Một số phương tiện quan trọng hơn như máy bay do thám RB-47 được lệnh di tản đến các căn cứ khác.
Máy bay do thám RB-47
Bên cạnh đó, Wheelus cũng phải sẵn sàng cho tình huống xấu nhất, và phải có kế hoạch di tản hơn 3.300 quân nhân, gần 10.000 thân nhân và công dân Mỹ khác đang sống bên trong căn cứ và tại Tripoli. Một chiến dịch di tản như vậy sẽ kéo dài khoảng 3 ngày và cần hơn 220 chuyến bay bằng C-130.
Không quân Mỹ cũng triển khai 5 vận tải cơ phản lực C-141 Starlifter, có thể chở hơn 150 hành khách, để phối hợp với các hãng hàng không dân sự di tản công dân Mỹ khỏi các địa điểm khác tại Trung Đông.
Israel củng cố ưu thế trên không
Nhờ yếu tố bất ngờ, không quân Israel hoàn toàn chiếm thế thượng phong trong ngày đầu tiên của Chiến tranh 6 ngày. Trong những ngày tiếp theo, Israel tiếp tục làm chủ bầu trời, song cũng bắt đầu hứng chịu một số thiệt hại từ không quân các nước Ả Rập.
Sáng ngày 6/6/1967, một chiếc oanh tạc cơ Tu-16 đơn độc của Ai Cập xâm nhập không phận Israel và ném bom thành phố Natanya mà không bị chiến đấu cơ của Israel ngăn chặn.
Chiếc Tu-16 chỉ bị lưới phòng không bắn hạ trên đường quay trở về. Tuy nhiên, nó lại vô tình rơi trúng một doanh trại quân đội Israel khiến 14 binh sĩ thiệt mạng.
Cũng trong ngày hôm đó, không quân Israel chuyển hướng tập trung đánh phá các mục tiêu trên bộ.
Mặc dù không quân Ai Cập và Jordan đã gần như bị xóa sổ, lực lượng phòng không các nước này vẫn gây ra những thiệt hại nhất định cho đối phương. Chỉ trong ngày 6/6, ít nhất 5 máy bay Israel bị bắn hạ bởi hỏa lực từ mặt đất.
Bên cạnh đó, liên tiếp trong 2 ngày 6 và 7, không quân Israel cũng bắt đầu tấn công các sân bay bên trong lãnh thổ Iraq, nhưng với hiệu quả hạn chế hơn so với các phi vụ trong ngày đầu tiên.
Đặc biệt trong cuộc tấn công ngày 7/6 vào sân bay H-3, không quân Iraq, được trang bị chiến đấu cơ hạ âm Hawker Hunter do Anh sản xuất đã bắn hạ 3 máy bay Israel, trong đó 2 chiếc bị hạ bởi 1 sĩ quan không quân Pakistan đang tham gia chương trình shuấn luyện phi công Iraq.
Tuy chỉ là máy bay hạ âm, Hunter lại có lợi thế về khả năng cơ động linh hoạt
Chiếc Hunter đã bắn hạ 2 máy bay của Israel
Tuy vậy, nhìn chung thì không quân các nước Ả Rập hoàn toàn không phải là đối thủ của không quân Israel. Và ưu thế trên không này nhanh chóng chuyển thành ưu thế trên bộ cho lục quân Israel.
Hỗn loạn tại Sinai
Mức độ hủy diệt mà Israel giáng xuống không quân Ai Cập khiến giới lãnh đạo nước này choáng váng. Không còn sự hỗ trợ của không quân, nguyên soái Amer yêu cầu các lực lượng quân đội đang đóng tại bán đảo Sinai rút về lại phía bờ bên kia của kênh đào Suez. Tuy nhiên cuộc rút lui vội vã này càng khiến tình hình thêm tồi tệ.
Bộ trưởng Bộ quốc phòng Shams Badran là người duy nhất chứng kiến cuộc điện đàm giữa nguyên soái Amer và tổng thống Nasser ngay sau khi chiến tranh nổ ra. Nasser và Amer không chỉ là 2 đồng minh chính trị mà còn có tình bạn kéo dài nhiều năm.
Cả 2 đều từng là sĩ quan quân đội và cùng tham gia cuộc đảo chính lật đổ chính thể quân chủ tại Ai Cập. Badran cho biết cả 2 lãnh đạo cao nhất này đều bật khóc khi đang trao đổi qua điện thoại, Nasser nói: “Tha lỗi cho tôi Hakim (Hakim Amer), tôi đã gây ra thảm họa này.”
Thiết giáp Israel tiến vào Sinai với sự yểm trợ của không quân
Thay vì đợi bộ tham mưu chuẩn bị một kế hoạch rút lui có trật tự, Amer tự mình liên lạc với chỉ huy các đơn vị và yêu cầu họ rút lui ngay. Thiếu một kế hoạch tổng thể, các đơn vị rút lui trong hỗn loạn và không thể hỗ trợ lẫn nhau và trở thành mồi ngon cho các đơn vị Israel.