Giữa những cuộc khẩu chiến nảy lửa, TT Trump bất ngờ tung "đòn gió" khiến Iran khó xử

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Việc Tổng thống Trump ngỏ ý sẵn sàng gặp lãnh đạo Iran "ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ thời điểm nào và không có điều kiện tiên quyết" vừa thể hiện ý thật vừa là cú đòn gió.

Tuyên bố "bất ngờ" của ông Trump

Đối với Iran thì có thể bất ngờ, nhưng theo cách tư duy và tiếp cận đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện và vận dụng để có được cuộc thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên cũng như cuộc gặp cấp cao vừa rồi giữa Mỹ và Nga, thì việc ông Trump ngỏ ý sẵn sàng gặp gỡ "vô điều kiện" lãnh đạo Iran lại không bất ngờ.

Ông Trump không chỉ thích thú mà còn thật sự tin rằng chỉ cách hành xử đặc biệt mới có thể đem lại kết quả đặc biệt. Ông Trump là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên gặp lãnh đạo Triều Tiên. Ông Trump gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin khi mối quan hệ giữa Mỹ và Nga rất trắc trở và suốt thời gian dài không có cuộc cấp cao nào giữa hai nước.

Kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979 đến nay, lãnh đạo Mỹ và Iran chưa lần nào gặp gỡ nhau. Chỉ có năm 2013, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama có trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Iran Hassan Rouhani.

So với những người tiền nhiệm thì ông Trump có quan điểm thù địch và cứng rắn hơn rất nhiều đối với Iran.

Ở thời ông Obama, Mỹ đã cùng 5 nước khác ký với Iran thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA). Ông Trump đã rút nước Mỹ ra khỏi thoả thuận này và tuyên bố sẽ áp dụng trở lại, thậm chí còn gia tăng phạm vi và mức độ, những biện pháp trừng phạt Iran.

Ông Trump còn nỗ lực tập hợp lực lượng trong khuôn khổ cái gọi là "NATO Ả rập" làm liên minh chống Iran. Giới truyền thông vừa rồi còn đưa tin Mỹ đang lập kế hoạch không kích các cơ sở hạt nhân của Iran trong tháng 8 tới. Tức là có thể nói mối quan hệ giữa Mỹ và Iran hiện căng thẳng và thù địch ở mức độ chưa từng thấy.

Giữa những cuộc khẩu chiến nảy lửa, TT Trump bất ngờ tung đòn gió khiến Iran khó xử - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Iran Hassan Rouhani.

Đòn gió và đòn thật

Trong bối cảnh tình hình chung như thế, việc ông Trump ngỏ ý sẵn sàng gặp lãnh đạo Iran "ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ thời điểm nào và không có điều kiện tiên quyết" vừa thể hiện ý thật vừa là cú đòn gió.

Nó là ý thật bởi bản thân ông Trump luôn cho rằng cách giải quyết vấn đề hiệu quả nhất và tốt nhất là lãnh đạo cao cấp nhất của hai bên trực tiếp gặp gỡ và trao đổi với nhau, như cuộc gặp giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore và cuộc gặp giữa ông Trump với ông Putin ở Helsinki.

Những diễn biến tiếp theo hai sự kiện lớn nói trên trong mối quan hệ giữa Mỹ với Triều Tiên và Nga đã giúp ông Trump nhận ra rằng: Chuyện với Triều Tiên và Nga còn thực hiện được, thì tại sao Mỹ lại không thể làm điều đó với Iran?

Nó là cú đòn gió bởi hiện nay tính khả thi của nó rất thấp.

Thứ nhất, tính khả thi của nó thấp vì giữa ông Trump và cộng sự hiện xem ra chưa có sự đồng thuận quan điểm hoàn toàn nào về việc này, có thể không về chủ định gặp lãnh đạo Iran mà về cụm từ đi cùng là "với điều kiện tiên quyết" hay "không với bất kỳ điều kiện tiên quyết nào".

Thứ hai, tính khả thi của nó thấp vì phía Iran, không giống như Triều Tiên, sẽ chỉ sẵn sàng gặp gỡ và đàm phán trực tiếp với Mỹ với những điều kiện tiên quyết nhất định, mà điều này cá nhân ông Trump lại rất không thích và không hề muốn.

Trước tất cả những gì ông Trump đã nói về Iran và đã làm đối với Iran, nước này phải thận trọng gấp bội lần so với Triều Tiên về Mỹ và về cá nhân ông Trump. Chẳng phải cố vấn của ông Rouhani là Hamid Aboutalebi đã đáp trả lại ông Trump ngay với danh mục những điều kiện tiên quyết là "tôn trọng những quyền của dân tộc Iran, chấm dứt thù địch và trở lại JCPOA" hay sao?

Thứ ba, tính khả thi của ý tưởng này thấp bởi, khác với Triều Tiên, Iran có vai trò, vị thế và ảnh hưởng không hề nhỏ trên mọi phương diện ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh, trong thế giới Ả rập và thế giới Hồi giáo.

Giữa những cuộc khẩu chiến nảy lửa, TT Trump bất ngờ tung đòn gió khiến Iran khó xử - Ảnh 4.

Đây là điều mà cả Mỹ lẫn Iran đều phải tính đến khi xử lý mọi chuyện quan hệ song phương với nhau.

Tính khả thi kia hiện thấp bởi ông Rouhani ở phía Iran không nắm giữ quyền lực tối cao và tuyệt đối như ông Kim Jong-un ở Triều Tiên, hay ông Putin ở Nga. Hơn nữa, sẽ không có chuyện Giáo chủ Khamenei của Iran đứng ra đối thoại trực tiếp với ông Trump.

Ông Trump không thể không biết những điều trên, nhưng rõ ràng ông này quá tự tin về khả năng xử lý chuyện lớn và cách tiếp cận của mình.

Mặt khác, tung ý tưởng đó ra giúp ông Trump thể hiện thiện chí đối thoại, xoa dịu những bất bình trên thế giới về việc ông Trump quyết định rút nước Mỹ ra khỏi JCPOA, chiếm lĩnh dư luận và trong chừng mực nhất định khiến phía Iran khó xử và bị động ứng phó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại